Được đánh giá có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển, nhưng du lịch Tam Kỳ vẫn chưa thể “cất cánh” được. Nguyên do cơ chế chính sách chưa thu hút được nhà đầu tư, thiếu hụt nhân lực, nguồn lực tài chính, chưa xây dựng được một chiến lược phát triển đồng bộ... Thành phố đang xây dựng đề án phát triển du lịch, nhằm đưa ra mục tiêu, kế hoạch đưa Tam Kỳ thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần có giải pháp tổng thể, huy động được nhiều nguồn lực mới có thể thực hiện đề án hiệu quả.
Làng bích họa Tam Thanh khá hấp dẫn du khách.Ảnh: V.L |
LOAY HOAY TÌM HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Trong khoảng vài năm trở lại đây, khi một số khách sạn tương đối sang trọng cùng các công trình hạ tầng, văn hóa, tượng đài... được hình thành, bức tranh du lịch Tam Kỳ đã có nhiều khởi sắc, lượng khách tham quan, lưu trú bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của một thành phố tỉnh lỵ, thì sự phát triển này vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Thiếu và yếu
Tam Kỳ sở hữu hàng chục di tích, danh thắng như địa đạo Kỳ Anh, Văn thánh Khổng miếu, làng bích họa, biển Tam Thanh, công trình Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng… cùng hệ thống sông, đầm khá hoang sơ và nhiều làng nghề truyền thống (chiếu cói Thạch Tân, nước mắm Tam Thanh…). Đặc biệt, hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng thông suốt như tuyến đường ven biển Hội An qua cầu Cửa Đại vào phía nam; quốc lộ 1; đường sắt Bắc - Nam; sân bay Chu Lai… Tuy vậy, du lịch Tam Kỳ vẫn chưa tạo được bước đột phá, dù giai đoạn 5 năm qua lượng khách có tăng gấp đôi (con số 62.000 lượt khách năm 2016 vẫn còn quá khiêm tốn).
Qua những cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, hầu hết đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu nằm ở các vấn đề như thiếu quy hoạch, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư; công tác quảng bá, xúc tiến còn hạn chế; hạ tầng, dịch vụ yếu kém… Trong đó, nguồn lực đầu tư được đánh giá chưa tương xứng; chưa có sự kết nối, phối hợp đồng bộ giữa các cấp ngành, địa phương… Bên cạnh đó, một vấn đề mà du lịch Tam Kỳ đang đối diện chính là thiếu hụt sản phẩm, dịch vụ thiết yếu phục vụ du lịch. Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 17 khách sạn đang hoạt động với quy mô gần 750 phòng, sức chứa 1.800 khách. Tính đến năm 2016, toàn thành phố có 6 công ty du lịch lữ hành với quy mô nhỏ, phần lớn hoạt động outbound (đưa khách Tam Kỳ đi tham quan nơi khác), ít nhà hàng đạt chuẩn, chưa có khu vui chơi… Đặc biệt, đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu và yếu, hầu hết kiêm nhiệm từ cán bộ Phòng VHTT.
Ngoài ra, việc không quan tâm đến xây dựng sản phẩm phụ kèm theo các điểm đến đã khiến một số điểm du lịch vừa ra đời như công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hay Làng bích họa Tam Thanh “mất điểm” trong mắt khách. Điều đó chứng tỏ quy hoạch du lịch của Tam Kỳ vẫn còn manh mún, chưa bao quát đến vấn đề cung cấp sản phẩm, dịch vụ bổ sung phù hợp cho từng điểm đến.
Xây dựng thương hiệu
Để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương và là trung tâm du lịch phía nam của tỉnh, một kế hoạch bài bản và dài hơi đã được TP.Tam Kỳ vạch ra qua đề án “Phát triển du lịch TP.Tam Kỳ giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”, và được trình tại kỳ họp HĐND TP.Tam Kỳ mới đây. Mục tiêu đề án là xây dựng thương hiệu du lịch Tam Kỳ theo hướng “Thành phố nghệ thuật cộng đồng” hay “Thành phố cảnh quan châu Á”. Theo đề án, định hướng không gian phát triển du lịch sẽ hình thành 3 khu vực, tương ứng với các loại hình và sản phẩm du lịch. Đó là: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội văn hóa, thể thao; du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử gắn với du lịch tâm linh; du lịch sinh thái - văn hóa - trải nghiệm cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Ngọc – Trưởng ban Kinh tế xã hội HĐND TP.Tam Kỳ, nội dung về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của đề án chưa rõ, có mặt còn chung chung, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Cần phân tích, làm rõ nguồn vốn để đảm bảo tính khả thi trong điều kiện phải cơ cấu lại chi ngân sách. Trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2020, nên chăng xác định rõ giải pháp đột phá, tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng hoàn thiện một số sản phẩm du lịch gắn với đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ du khách như điểm vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực phố đêm…
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Tấn Sĩ (Hội VHNT TP.Tam Kỳ) cho rằng, đầu tư phát triển du lịch phải hoàn chỉnh “điểm nào ra điểm đó” mới tạo cảm xúc cho du khách đến tham quan. Và trong phát triển du lịch, cần chú ý đến việc gắn với văn hóa, thể thao như hát bội, võ cổ truyền bởi Tam Kỳ có những võ đường có hơn 300 năm tuổi như Hồ Tấn. “Khách đến địa phương tham quan đã không mua vé, không có sản phẩm lưu niệm để mua, cũng chẳng ăn uống, ngủ qua đêm, người dân không thu được đồng nào thì làm du lịch chẳng có ý nghĩa gì” - ông Sĩ nhìn nhận. Dẫn chứng thực tế khách đến tham quan quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hay địa đạo Kỳ Anh rất cần có cái gì đó mang về để làm kỷ niệm hoặc quà cho người thân, ông Sĩ đề xuất: “Có thể nghiên cứu làm mô hình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng thu nhỏ bằng chất liệu gì đó hợp lý như đá non nước chẳng hạn, hay mũ tai bèo in dòng chữ địa đạo Kỳ Anh để bán. Du khách có sản phẩm mua về làm kỷ niệm còn người dân và địa phương có nguồn thu”.
Một đề án về phát triển du lịch với những mục tiêu và tham vọng xem ra vẫn còn nhiều “trắc trở”, nên không khó lý giải khi du lịch Tam Kỳ vẫn “loay hoay” suốt thời gian dài.
HUY ĐỘNG NHIỀU NGUỒN LỰC XÃ HỘI
Chung quanh đề án Phát triển du lịch Tam Kỳ giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam về định hướng và những giải pháp của địa phương.
Ông Nguyễn Minh Nam (phải) đón nhận bằng kỷ lục con đường thuyền thúng đầu tiên và nhiều nhất Việt Nam. Ảnh: N.A |
Tại kỳ họp HĐND TP.Tam Kỳ vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng đề án ôm đồm quá nhiều mục tiêu, dự án trong khi thời gian thực hiện không dài và nguồn kinh phí hạn chế?
Trước hết có thể nói rằng đề án không phải là “ôm quá nhiều”, và việc xây dựng đề án là cấp thiết nhằm định hướng cho việc phát triển không gian, các loại hình du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, làm cơ sở để phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng của thành phố cũng như tăng nguồn thu cho địa phương và người dân. Đồng thời hướng tới việc xây dựng Tam Kỳ trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh, một địa chỉ du lịch quốc gia. Với điều kiện của địa phương, thành phố xác định sẽ phát triển các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí ở khu vực biển Tam Thanh; du lịch văn hóa lịch sử gắn với tri ân, tâm linh ở quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, địa đạo Kỳ Anh; du lịch sinh thái, văn hóa, trải nghiệm dựa vào cộng đồng như Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh và từng bước xây dựng làng sinh thái vườn cừa, sưa ở Hương Trà, sản phẩm du lịch đường sông, Bãi Sậy Sông Đầm.
Mục tiêu đến năm 2020 thu hút trên 500.000 lượt khách/năm, tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế là 10,5%; đến năm 2025 là 1 triệu du khách. Nguồn kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2017 - 2020 gần 57 tỷ đồng (kinh phí đầu tư hạ tầng 41,6 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp hơn 15 tỷ đồng), trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 20,7 tỷ đồng, ngân sách thành phố 15,8 tỷ đồng, nguồn khác hơn 20 tỷ đồng. Giai đoạn 2021- 2025 là 87 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 51 tỷ đồng còn ngân sách thành phố gần 17 tỷ đồng và nguồn khác 19 tỷ đồng. (Đề án “Phát triển du lịch TP.Tam Kỳ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”) |
Quan điểm chung của thành phố là để phát triển du lịch đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và xã hội. Du khách đến vui chơi, giải trí, ăn uống, ngủ nghỉ ở đâu phải có sự nghiên cứu xây dựng thành chuỗi dịch vụ để hỗ trợ du lịch. Theo tính toán, thị trường khách trong giai đoạn từ nay đến 2020 của Tam Kỳ chủ yếu là khách nội địa, đến từ các tour du lịch Hội An, Đà Nẵng. Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là liên kết để hình thành các tour du lịch và chú trọng xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, xây dựng năng lực cộng đồng, cách làm du lịch, văn hóa văn minh.
Phát triển du lịch đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài và nguồn vốn khá lớn. Vậy địa phương chọn giải pháp đột phá nào để phát triển du lịch Tam Kỳ trong giai đoạn tới?
Thành phố xác định giải pháp đột phá lớn nhất là tập trung đẩy mạnh quy hoạch các phân khu, trong đó chú ý phân khu 12 không gian biển Tam Thanh (hoàn thiện hạ tầng, triển khai các công trình dịch vụ), khu vực trước quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (không gian công viên văn hóa - thể thao - dịch vụ), Sông Đầm và cánh đồng Nhong (xây dựng một số hạ tầng thiết yếu như nạo vét luồng lạch, khôi phục hệ sinh thái). Đó là các dự án động lực, đầu tàu cho phát triển du lịch của thành phố. Bên cạnh nguồn lực của địa phương, tập trung xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh và Trung ương.
Hạn chế của du lịch Tam Kỳ là chưa có quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch chưa hoàn thiện, thiếu các điểm vui chơi, giải trí lớn thu hút du khách, các sự kiện văn hóa thể thao du lịch ấn tượng và quy mô tầm quốc gia cũng chưa được tổ chức thường xuyên. Do đó, để phát triển chuỗi du lịch hoàn thiện nhằm giữ chân du khách, thời gian đến, chúng tôi chọn 3 sản phẩm để tiếp tục đầu tư hoàn thiện đưa vào tour lữ hành xuyên Việt là quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, không gian biển Tam Thanh và địa đạo Kỳ Anh, Bãi Sậy Sông Đầm.
Một trong những vấn đề được quan tâm là nguồn kinh phí thực hiện đề án. Có ý kiến cho rằng cơ cấu nguồn chi đang tính giảm dần, nên nguồn vốn cho đề án là khó khả thi. Song cũng có ý kiến, vài chục tỷ đồng không thể đưa Tam Kỳ trở thành trung tâm du lịch phía nam của tỉnh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ngân sách nhà nước không nhiều, chủ yếu bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, chi các nhiệm vụ thường xuyên như xúc tiến, quảng bá du lịch, đào tạo nhân lực, xây dựng sản phẩm, cơ chế hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch. Ngoài ra, tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để đầu tư cải tạo, nâng cấp một số hạng mục của địa đạo Kỳ Anh, không gian trước tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Do đó, vấn đề quan trọng còn lại là nguồn lực từ vận động, kêu gọi đầu tư trong cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, và thành phố sẽ tạo điều kiện về mặt cơ chế, chính sách.
Đề án “Phát triển du lịch TP.Tam Kỳ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” về cơ bản vẫn giữ nguyên những nội dung về quan điểm, mục tiêu, giải pháp, chỉ tập trung giải thích, làm rõ thêm các danh mục đầu tư, cụ thể hóa và phân tích mức độ khả thi của nguồn vốn. Ví dụ, ngân sách sự nghiệp năm nào cũng có, nhưng tăng thêm để chi cho mục tiêu của đề án là cần thiết hay không và cần làm rõ. Thật ra kinh phí tu bổ, phát huy giá trị các sản phẩm hiện có không lớn so với các dự án xây dựng cơ bản khác và thành phố đã phân kỳ đầu tư, tính toán lồng ghép với các dự án khác khá rõ.
Xin cám ơn ông!
CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Đã có nhiều cuộc hội thảo, famtrip, khảo sát du lịch với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch được Sở VH-TT&DL phối hợp với TP.Tam Kỳ tổ chức nhằm tìm ý tưởng, giải pháp thúc đẩy du lịch Tam Kỳ phát triển. Nhưng giữa ý tưởng và thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa.
Văn thánh Khổng miếu vẫn chưa được đầu tư khai thác tốt. Ảnh V.L |
Cần thu hút đầu tư
Những năm qua, tỉnh và địa phương đã có những quan tâm đầu tư về hạ tầng du lịch Tam Kỳ, tuy nhiên sự đầu tư này vẫn chưa thể đảm bảo để hình thành nên một điểm đến có thể thu hút hoặc kéo dài ngày lưu trú của khách. Ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, để thúc đẩy du lịch phát triển, Tam Kỳ nên có cơ chế thông thoáng, thu hút nhiều nguồn lực và nhiều nhà đầu tư, vì du lịch là một ngành kinh tế đòi hỏi xã hội hóa cao, nếu tổ chức tốt, kêu gọi tốt các nhà đầu tư vào xây dựng sản phẩm thì hiệu quả sẽ cao hơn. “Chúng ta cần phân tích, nhà nước đầu tư cái gì, doanh nghiệp đầu tư cái gì trong du lịch. Không phải cứ nhà nước bỏ tiền ra là có du lịch. Việc xây dựng đề án là cần thiết nhưng không phải cứ làm ra một đề án với phân kỳ đầu tư vài chục tỷ là xong. Điều này rất khó, mình phải nhìn vào tiềm lực kinh tế hay nguồn thu của thành phố. Do đó, để tạo ra sản phẩm du lịch, nên thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư mới là điều cốt lõi, còn nhà nước chỉ đảm bảo về hành lang pháp lý, làm giao thông hay các hạ tầng khác vì nếu nhà nước làm ra sản phẩm cũng giao cho doanh nghiệp khai thác thôi” - ông Hài phân tích.
Đẩy mạnh phát triển du lịch là việc cấp bách, tạo ra nguồn thu cho thành phố và người dân. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư phải nhiều hơn nữa, cần xã hội hóa, nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân cùng làm, nếu không sẽ không thể giải quyết được gì. Để xứng tầm là trung tâm du lịch phía nam của tỉnh và là ngành kinh tế chủ yếu của Tam Kỳ, cần phải có cả nghìn tỷ đồng đầu tư mới phát triển được cơ sở hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch được. (Ông Nguyễn Văn Lúa - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ) |
Tại hội nghị “Đầu tư, khai thác sản phẩm du lịch Quảng Nam” tháng 6 vừa qua, ông Trần Lực – Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, Tam Kỳ nói riêng và phía nam Quảng Nam nói chung có cơ hội rất lớn để phát triển du lịch, nhất là khi Hội An đã trở nên quá tải. Tuy vậy, do nhiều hạn chế về sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực mà cơ hội này không được đón nhận tốt. “Chúng ta thiếu sản phẩm dịch vụ tại chỗ nhiều quá. Đơn cử như Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hay làng bích họa Tam Thanh rất nhiều du khách thích đến đó nhưng khi đến nơi tham quan thì không có một sản phẩm gì để cho khách sử dụng cả. Khách không thể đi vài chục cây số đến nơi chỉ để chụp vài tấm hình rồi về. Nên có thể nói những quy hoạch của chúng ta vẫn chưa tốt, chưa nghĩ đến việc xây dựng và cung cấp sản phẩm tại chỗ. Chưa kể, nếu chúng ta có sản phẩm tốt nhưng nguồn nhân lực phục vụ yếu thì hiệu quả cũng không cao, nên ngoài đầu tư sản phẩm cũng nên đầu tư con người” - ông Lực nhìn nhận.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Có thể khẳng định, để du lịch Tam Kỳ phát triển, ngành du lịch Quảng Nam cũng như Tam Kỳ cần có nhiều cách tiếp cận cũng như giải pháp đồng bộ. Đó không chỉ là thu hút đầu tư vào các điểm du lịch nổi trội ven biển Tam Thanh mà còn mở rộng không gian, kết nối hạ tầng giao thông với các vùng phụ cận như Phú Ninh, Tiên Phước, Núi Thành. Theo ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An (đơn vị đầu tiên đầu tư xây dựng khu du lịch ven biển 4 sao Tam Thanh Beach Resort &Spa), dù Tam Kỳ vẫn còn nhiều hạn chế như chưa phải là một điểm đến, thiếu dịch vụ phụ trợ, sản phẩm đơn điệu…, nhưng cơ hội cho du lịch Tam Kỳ rất lớn, nhất là khi cầu Cửa Đại đã hoàn thành. Việc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Thanh cũng là cách đón đầu xu hướng đó. “Để xác định được hiệu quả kinh doanh cũng như lượng khách, cần phải có thời gian, nhất là phải có thêm các dịch vụ quanh khu vực biển Tam Thanh, chắc chắn về lâu dài sẽ hiệu quả. Tất nhiên, với điều kiện các dịch vụ, hệ thống hạ tầng, quảng bá tiếp thị phải được đẩy mạnh, phát triển đồng bộ, nên ngay bây giờ cần phải có sự chuẩn bị, các phía cũng phải có sự tập trung để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ lên” - ông Dũng nói. Hiện tại, Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An cũng đang xúc tiến các thủ tục tiếp tục đầu tư tại khu công viên biển Tam Thanh, như là cách đón đầu cho xu hướng dịch chuyển du lịch vào phía nam trong thời gian tới.
Có thể nói, yếu tố nguồn lực đầu tư hay hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm sẽ đóng vai trò quan trọng trong thu hút khách. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tam Kỳ, không thể vài chục tỷ đồng là có thể đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng mà cần phải đẩy mạnh huy động nhiều nguồn lực, nhất là kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp. “Chỉ riêng việc biến Bãi Sậy Sông Đầm và vùng phụ cận trở thành điểm du lịch hấp dẫn thì số tiền đầu tư lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng. Rõ ràng ngân sách không thể có mà phải kêu gọi đầu tư” - ông Sơn nói.
Thực hiện chuyên đề: NGỌC ÁNH - VĨNH LỘC