Một bản danh mục đầu tư theo kế hoạch trung hạn cho giai đoạn 2016 – 2020 sẽ được Sở KH&ĐT hoàn tất trong nay mai. Những dự án đầu tư công sắp được ban hành sẽ khắc phục các điểm nghẽn về kinh tế đang được dư luận đặt câu hỏi việc thực hiện các dự án đầu tư này sẽ thể hiện như thế nào, bởi đã có một thời gian dài việc lập dự án đầu tư, giám sát, đánh giá quy trách nhiệm đã không được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Hậu quả là đầu tư dàn trải, lãng phí, chi phí đầu tư tăng cao. Cả Quảng Nam như một công trường dang dở dự án… vượt khả năng trả nợ của ngân sách. Kết quả những cuộc điều tra, giám sát của Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cho thấy khoảng 14 dự án (4 dự án năm 2015 và 10 dự án từ 2014 trở về trước) đã được phê duyệt quyết định đầu tư nhưng chưa bảo đảm nguồn để triển khai thực hiện hay chưa được bố trí nguồn để đầu tư.
Luật Đầu tư công quy định việc quản lý sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn, bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn vốn, tránh thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên đó chỉ là nguyên tắc. Câu hỏi đặt ra là hiệu quả đầu tư công được đánh giá theo những tiêu chí nào, ai chịu trách nhiệm đánh giá? Đánh giá trước hay sau khi đã thực hiện dự án đầu tư công? Một khi những câu hỏi đó chưa được trả lời thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều lập luận định tính, chung chung như nâng cao uy tín địa phương hay kinh tế sẽ phát triển… Không ít chủ đầu tư khi lập dự án đã “cố tình” làm đẹp nghiên cứu khả thi để dự án được duyệt, đưa dự án vào tình trạng lỡ phóng lao phải theo lao buộc Nhà nước không còn cách nào khác là phải cho tăng vốn. Đáng lo ngại nhất là các cơ quan thẩm định không đủ chuyên môn và kinh nghiệm vẫn cứ đặt bút ký vào các biên bản thẩm định để bật đèn xanh cho dự án được thông qua.
Theo nhận định của các nhà hoạch định kinh tế, việc đầu tư công kém hiệu quả là sản phẩm của cơ chế xin cho. Sự yếu kém này nằm ở quy hoạch, quy trình quyết định đầu tư, tức là ở thể chế và bộ máy. Nếu không có sự thay đổi trong thể chế và bộ máy thì khó có thể tái cấu trúc đầu tư công. Cái thiếu cơ bản của nợ công hiện nay là đánh giá và tính toán hiệu quả sử dụng tiền vay. Vay vốn đầu tư có thể chặt chẽ ở phần thẩm định dự án ban đầu, song phần kiểm tra chất lượng, hiệu quả đã không được quản lý đúng mức. Cũng chưa có một đánh giá toàn diện, công khai nào về sử dụng vốn vay nước ngoài đối với công trình đầu tư mang tính phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, như đầu tư cầu cống, đường sá, thủy lợi, y tế, trường học. Nếu quản lý nhà nước cứ để trống ở đây và không tìm ra được lời giải cho bài toán hiệu quả thì nợ công đến một thời điểm nào đó sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế Quảng Nam. Nếu nguồn vốn đầu tư không được kiểm soát, tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, chất lượng công trình yếu là điều không tránh khỏi.
TÙY PHONG