Đường dẫn cầu Cửa Đại băng qua rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, Hội An), lại thêm lượng lớn du khách đổ về, đã và đang làm biến dạng sinh thái cảnh quan của rừng dừa nước trăm năm này…
1. Đầu giờ chiều, tôi rẽ xe vào bến đò Thuận Tình, rồi chạy thẳng xuống dưới chân cầu Cửa Đại, thấy một nhóm người tuổi trung niên ngồi đan từng tấm dừa cho khách. Người đàn ông tên Thắng ngước lên nhìn: “Rừng dừa có còn được như xưa nữa đâu”. “Vậy điều gì đã khiến nó không còn như xưa?”. “Con đường và khách du lịch”. Ý ông Thắng là con đường dẫn cầu Cửa Đại, chạy một vệt dài cắt phăng rừng dừa. Tôi nhớ hôm nọ, qua góc máy từ flycam của anh bạn chụp từ trên cao xuống, rồi chạy dọc theo đường dẫn, là những hình ảnh đầy nham nhở tựa như vết cứa ngang dọc trên tấm thân rừng dừa vốn xanh mướt. Ông già đứng bên cạnh, xon xen vô nhìn, nói như thảng thốt: “Chu choa, ở trên nhìn xuống thấy kinh hỉ? Không biết sau này có còn rừng dừa không?”.
Bãi đậu xe quá tải và xe chở khách du lịch phải đậu tràn lên đầu cầu Cửa Đại. |
“Không biết sau này có còn rừng dừa nữa không? - tôi đem điều nghi hoặc của ông già ấy, hỏi vu vơ với ông Thắng. Chiếc thanh tre nhọn hoắt dùng để đâm xiên và kết nối các thanh dừa thành tấm, ông buông thõng khi nghe tôi hỏi câu ấy. Ông gắn bó với rừng dừa từ nhỏ. Rồi lớn lên, bám lấy rừng dừa để mưu sinh. Những năm gần đây, tác động tiêu cực đến rừng dừa ngày một nhiều. “Và những điều ấy, có ảnh hưởng gì đến chuyện mưu sinh của các cô chú hay không?” - tôi ướm hỏi. Ông Thắng trả lời: “Chưa. Nhưng hơi xót”. Vì mỗi lần đi ngang qua, thấy rừng dừa tơi tả mà thương. Bao nhiêu ý kiến dân đóng góp để khi người ta thi công đường dẫn cầu Cửa Đại, bớt ảnh hưởng tới rừng dừa, đều bị hờ hững hết.
Trong số ấy, có một kiến nghị của thành phố Hội An, là làm cầu cạn kéo dài từ đầu cầu Cửa Đại đến thôn 6 xã Cẩm Thanh. Chiếc cầu cạn này sẽ chạy trên rừng dừa, nghĩa là sẽ giữ gần như nguyên vẹn rừng dừa. Rồi khi đi vào vận hành, sự kết nối, lưu thông của rừng dừa phía dưới cầu cạn vẫn diễn ra gần như trước. “Nhưng chủ đầu tư không đồng ý, vì sẽ đội vốn lên rất nhiều, nên mới làm đường dẫn như hiện nay” - ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay. Còn ở góc độ bảo tồn, khôi phục và phát triển rừng dừa, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, đường dẫn đã làm mất một diện tích lớn rừng dừa. Một số dự án sát đường dẫn đang phải tạm dừng, đợi đến khi nào công trình này hoàn tất, mới tiến hành trồng lại dừa cho phù hợp với hiện trạng. Nhưng còn một vấn đề lo nữa, là tiêu cự các ống cống còn nhỏ so với độ rộng của đường dẫn. “Mà vùng này như túi chứa nước của Hội An. Tiêu cự cống nhỏ sẽ khiến cho lượng nước tiêu thoát không kịp nếu lũ về, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt” - ông Hùng lo lắng.
Đường dẫn cầu Cửa Đại như một vết cắt ngang làm tổn hại đến rừng dừa. Ảnh: XUÂN THỌ |
2. Nhưng đó là chuyện của… mùa mưa. Còn bây giờ, mới chớm chiều, đầu cầu Cửa Đại bên xã Cẩm Thanh trở nên chật chội bởi hàng dài những xe du lịch giường nằm đang… nằm đợi khách, thậm chí, kéo làm hai hàng dài lên cả cầu, khiến cho tầm quan sát của các phương tiện lưu thông lên xuống nơi đầu cầu này trở nên hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thật ra, khi xây dựng kế hoạch phát triển du lịch ở rừng dừa này, chính quyền địa phương đã sắp xếp nhà văn hóa thôn Thanh Tam Đông và không gian gần đó thành bãi đỗ xe. Nhưng lượng khách đổ về quá lớn, không gian chật hẹp ấy không đáp ứng nổi nơi đậu cho những chiếc xe khách. Chủ nhân một ngôi nhà gần đấy lắc đầu ngán ngẩm: “Chịu, chớ biết răng chừ. Có nói với mấy ông trên xã, là làm bãi đỗ xe ở khu đất trống bên kia cầu Cửa Đại thuộc địa phận xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) để giảm áp lực cho nơi này, nhưng chẳng thấy phản hồi gì”. Tôi đem câu chuyện quá tải bãi đậu xe nói với ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, thì ông cho biết đang đợi cho xong đường dẫn cầu Cửa Đại, mới làm bãi đậu xe theo dự kiến ở thôn Vạn Lăng.
Còn phía bên trong, những con đường dẫn vào khu du lịch ở thôn Vạn Lăng, Thanh Tam Đông, về cơ bản cũng đã làm xong để mở vé đón khách hồi cuối năm 2017. Phía bên trong ấy, bao nhiêu yên tĩnh của rừng dừa và đời sống người dân sở tại, đã bị cuốn phăng bởi lượng du khách đổ về quá lớn. Các trục đường chính luôn trong tình trạng đông nghịt du khách. Làm du lịch, hay bất cứ công việc kinh doanh gì, khách đông luôn là điều ai cũng mong muốn. Nhưng một khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng, dịch vụ phụ trợ... thì lượng khách quá tải sẽ dẫn đến lộn xộn, thậm chí là mất cả thương hiệu.
Tôi như bị ngập trong mớ thanh âm náo nhiệt phát ra từ những dòng thúng chai. Tôi chọn một ngả rẽ, đi bộ ra, rồi tìm một điểm cao nhìn xuống, thấy đông nghịt. Cứ hai, ba chiếc thúng, là cặp theo một chiếc loa di động loại lớn, mà ta vẫn quen miệng gọi là loa kẹo kéo. Trên một quãng sông dài hơn trăm mét mà tầm mắt tôi quan sát được, có hàng chục chiếc loa như thế. Tất cả gần như được mở hết công suất với những bản nhạc Việt, Tây, Hàn, Tàu… đan xen nhau. Tôi không chắc rằng du khách có nghe rõ những ca từ giai điệu ấy không, nhưng quả quyết rằng những thanh âm dập dồn ấy đã kích thích họ ít nhiều. Bằng chứng là họ nhảy múa, ngoe nguẩy tay chân theo điệu nhạc, hoặc phấn khích theo điệu lắc lư, xoay vòng mà người chèo thúng vừa thực hiện.
3. Thật ra, câu chuyện thuyền thúng làm huyên náo rừng dừa không còn là mới. Và kịch bản là điệp khúc “chúng tôi đã cố gắng chấn chỉnh nhưng chưa triệt để được, vẫn còn một số ít người lén lút mở nhạc cho khách, sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra…” quen thuộc mà lãnh đạo xã Cẩm Thanh trả lời báo chí mỗi khi được hỏi tới. Và hôm làm việc với ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, điều ấy được lặp lại. Vị này còn cho biết, do yêu cầu của khách, chủ yếu là khách Hàn Quốc, một số người dân xin phép đưa khách ra ngoài sông để mở nhạc, lắc thúng phục vụ du khách. Và ý kiến đó, đang được trình lên cấp trên để xem xét.
Không biết khi xem xét các ý kiến đề xuất, hay nhìn thực tại, lãnh đạo thành phố Hội An có nhận ra những tổn thương của rừng dừa hay không. Nhưng chắc hẳn họ biết rằng đã có những đề xuất xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận rừng dừa là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm hay không. “Nhưng với những thực tại trước mắt, rất khó để UNESCO công nhận điều chúng tôi đang theo đuổi” - ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm tâm sự. Ông Thảo cho biết, có đến 80% các loài sinh vật ở rừng dừa có mối quan hệ mật thiết với Cù Lao Chàm. Nói một cách khác, các loài sinh vật này làm giàu, phong phú thêm hệ thống các loài thủy - hải sản cho Cù Lao Chàm. Nhưng chúng đang bị đe dọa bởi hai mối nguy lớn nhất, đó là việc mở nhạc, lắc thuyền thúng và đường dẫn cầu Cửa Đại. Đường dẫn như một lát cắt ngang, làm chia cắt rừng dừa, khiến cho việc lưu thông của chúng gặp trở ngại.
“Việc lắc thúng và mở nhạc, đã tác động rất xấu đến bãi đẻ của các loài sinh vật dưới mặt nước và làm suy giảm mạnh nguồn lợi này. Trong khi đó, phía bên trên mặt nước, những âm thanh hoạt náo ấy cũng đã đẩy đuổi các loại chim cò, khiến chúng khiếp sợ mà không dám trở về rừng dừa” - ông Thảo thở dài. Trong mớ âm thanh hỗn độn ấy, không thể nào tìm được chút an lành cho rừng dừa Bảy Mẫu.
Phóng sự của XUÂN THỌ