Năm 2018, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh giao chỉ tiêu thu cho BHXH TP.Tam Kỳ hơn 285 tỷ đồng, cao hơn 25% so với năm 2017 và được xem là nhiệm vụ nặng nề khi quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn.
Bảo hiểm xã hội TP. Tam Kỳ thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo thu hồi nợ đọng kéo dài. Ảnh: D.L |
Khó mở rộng nguồn thu
Đến hết tháng 6.2018, BHXH TP.Tam Kỳ đã thu BHXH, bảo hiểm y tế, thất nghiệp hơn 134 tỷ đồng (đạt 47,1% so với kế hoạch giao). Số người tham gia các chế độ bảo hiểm được hơn 119 nghìn lượt người. Theo BHXH TP.Tam Kỳ, việc mở rộng nguồn thu trên địa bàn thành phố không dễ dàng. Hàng năm, số đơn vị, doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố nhiều, nên trên cơ sở danh sách do cơ quan thuế cung cấp, BHXH thành phố gửi văn bản yêu cầu các đơn vị đến đăng ký tham gia chế độ BHXH, y tế, thất nghiệp cho người lao động. Kết quả chỉ có một số đơn vị đến đăng ký, còn lại phần đông vẫn thờ ơ trong việc thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật.
Theo ông Huỳnh Thanh Ti - Phó Giám đốc BHXH TP.Tam Kỳ, đơn vị chủ yếu nhắc nhở nơi tham gia mới và đôn đốc thu qua con đường gửi văn bản, bởi nhân lực không đủ để sâu sát cơ sở nên hiệu quả không cao. Đối với nhóm hộ sản xuất kinh doanh ở thành phố cũng khá nhiều, nhưng chủ yếu là hợp đồng làm việc thời vụ với người lao động. Một số hộ kinh doanh tạp hóa và nhóm trẻ tư nhân có lao động làm việc thường xuyên đã đến BHXH thành phố liên hệ để tham gia chế độ bảo hiểm cho lao động nhưng không nhiều. Đối với phần lớn người dân TP.Tam Kỳ, việc tham gia BHYT tự nguyện đã trở thành nếp, nên số người tham gia liên tục tăng. Riêng việc tham gia BHXH tự nguyện, toàn thành phố chỉ có 136 người tham gia. Ông Ti nói rằng do lực lượng mỏng nên công tác tuyên truyền dưới cơ sở, cán bộ của BHXH thành phố chỉ thực hiện theo đợt, không thường xuyên được. Vì thế mạng lưới đại lý thu của BHXH thành phố và hệ thống bưu điện là lực lượng chính. Nhưng lực lượng này làm việc chưa hiệu quả trong tuyên truyền những chế độ đãi ngộ, ưu tiên dành cho nhân dân khi tham gia BHXH tự nguyện, nên hiệu quả mở rộng đối tượng tham gia không cao.
Cố gắng giảm nợ đọng
Bên cạnh việc thu gặp khó, nợ đọng bảo hiểm của các đơn vị đến hết tháng 6.2018 hơn 24 tỷ đồng, nhưng công tác thu hồi gặp nhiều trở ngại. Ông Ti cho biết: “Tình trạng nợ, nợ đọng ở nhiều doanh nghiệp, đơn vị vẫn còn diễn ra khá lớn, có những đơn vị nợ kéo dài nhiều năm liền, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động và đối tượng. Số lượng doanh nghiệp thành lập hàng năm lớn, đăng ký đóng bảo hiểm cho người lao động, nhưng hoạt động một vài tháng không hiệu quả thì ngưng đóng, giải tán, chuyển địa điểm. Nợ thường tập trung vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, khi đi thanh tra, kiểm tra đã đưa ra lý do Nhà nước nợ tiền công trình nên không thể đóng bảo hiểm cho người lao động. Các công ty may mặc có quy mô nhỏ trên địa bàn cũng nhiều, do tình hình sản xuất kinh doanh không cạnh tranh được với các đơn vị lớn hơn nên cũng để nợ đọng”. BHXH thành phố cố gắng thu hồi nợ, đôn đốc nộp tiền phát sinh hàng tháng bằng nhiều biện pháp như gửi văn bản, điện thoại nhắc, đến trực tiếp, thanh tra, kiểm tra nhưng không ăn thua, nhất là các doanh nghiệp chây ì, nợ đọng kéo dài. Biện pháp khởi kiện thì không thực hiện được do vướng nhiều thủ tục, vẫn phải chờ hướng dẫn thực hiện”.
Toàn thành phố có 247 doanh nghiệp, đơn vị để nợ đọng kéo dài trên 3 tháng, BHXH Tam Kỳ do không đủ lực lượng nên đã đề nghị BHXH tỉnh hỗ trợ trong công tác thanh tra thu hồi nợ. Cụ thể, trong tháng 6.2018, BHXH Tam Kỳ đã đề nghị Phòng Khai thác thu hồi nợ (BHXH tỉnh) hỗ trợ kiểm tra thu hồi nợ ở 30 doanh nghiệp. Trong số đó, có đến 9 đơn vị để nợ lâu nhưng không còn làm việc. Các đơn vị trên đều có ít lao động, từ 1 đến 9 người, nhưng để nợ trong thời gian từ 6 tháng trở lên. Mới đây nhất, BHXH TP.Tam Kỳ tiếp tục có văn bản đề nghị BHXH tỉnh hỗ trợ thanh tra thu hồi nợ có sự tham gia của Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tại 11 đơn vị. Cụ thể, 11 đơn vị này nợ đọng hơn 2,4 tỷ đồng của 31 lao động, thời gian nợ lâu nhất từ tháng 10.2011 đến nay (Công ty CP XD, TM&DV Hoàng Quốc), gần nhất từ tháng 3.2017 đến nay. BHXH Tam Kỳ cũng liên tục có báo cáo gửi đến UBND TP.Tam Kỳ, BHXH tỉnh để các cấp có những biện pháp, văn bản đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện tốt quy định của pháp luật, thực hiện tốt chế độ dành cho người lao động trên địa bàn thành phố.
Nhằm đảm bảo được nhiệm vụ thu, thu hồi nợ năm 2018, theo ông Ti, BHXH thành phố đã kiến nghị thành phố cần giao chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế, BHXH tự nguyện cho các xã, phường. Đồng thời có sự quán triệt các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đến vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn nói chung và người lao động trong các đơn vị sản xuất kinh doanh và dịch vụ nói riêng, thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình về bảo hiểm y tế toàn dân và BHXH cho người lao động theo tinh thần Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị.
LÊ DIỄM