Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Loay hoay thực hiện

GIANG BIÊN 09/03/2015 08:44

Từ ngày 1.1.2015, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi chính thức có hiệu lực. Theo Luật BHYT sửa đổi lần này, một vấn đề đáng quan tâm là BHYT hộ gia đình. Theo đó, thay vì một số gia đình chọn việc mua BHYT cho những đối tượng thường xuyên đau ốm hoặc mắc bệnh mãn tính, thì nay bắt buộc mọi thành viên trong gia đình phải tham gia. Đây là một trong những chủ trương lớn nhằm chia sẻ gánh nặng với ngành BHYT. Thế nhưng, dù luật chỉ mới bắt đầu triển khai thực hiện đã vấp phải một số phản hồi từ phía người dân và ngay cả ngành bảo hiểm xã hội cũng loay hoay với bài toán triển khai.

BHYT hộ gia đình là vấn đề đang gặp khó trong triển khai khi Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1.1.2015. Ảnh: SKĐS
BHYT hộ gia đình là vấn đề đang gặp khó trong triển khai khi Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1.1.2015. Ảnh: SKĐS

Theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014, đối tượng tham gia BHYT mở rộng nhằm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Theo đó, bắt buộc các thành viên trong hộ gia đình (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo hợp đồng lao động, theo chế độ với người có công, bảo trợ xã hội, học sinh - sinh viên…) phải tham gia BHYT. Mức đóng cụ thể như sau: người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Mấy năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Thành ở thôn Trà Long, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, nằm trong diện hộ nghèo của xã nên BHYT được Nhà nước cấp. Từ năm 2014, gia đình chị Thành ra khỏi danh sách hộ nghèo. Thế nên từ năm 2015 này, việc mua thẻ BHYT phải được gia đình chị tính đến. Tuy nhiên, không phải ưu tiên để mua cho ai hoặc chọn ai trong gia đình để mua mà theo luật mới phải mua cho tất cả thành viên trong gia đình. Ba đứa con của chị mấy năm trước đều có thẻ BHYT do Nhà nước cấp nhưng hiện nay chị Thành cho biết, gia đình chỉ có thể mua BHYT cho đứa con lớn vì đi học trên huyện, đường xa, mức độ xảy ra rủi ro cao hơn. Hai đứa còn lại chưa biết xoay xở tiền ở đâu để mua BHYT. Bản thân vợ chồng chị tuy ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã nhưng thu nhập cũng chỉ vượt trên ngưỡng hộ nghèo chút ít. “Nếu làm nông như gia đình tôi thì lấy đâu ra tiền để mua BHYT cho cả gia đình. Mặc dù nhà nước ưu đãi các mức mua, nhưng một lúc mà nộp số tiền quá lớn như thế, đối với chúng tôi là không thể” - chị Thành nói.

Đã có 10 năm làm đại lý bán bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Hương, trú thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú chia sẻ rằng, khi Luật BHYT sửa đổi chính thức có hiệu lực, nhiều gia đình gặp bà đều thắc mắc. Nhất là việc mua BHYT cho các thành viên đi làm ăn xa. Vấn đề bà Hương nêu ra là, nếu các thành viên đều có hộ khẩu tại Thăng Bình nhưng vào TP.Hồ Chí Minh để làm thuê, gia đình vẫn phải mua BHYT cho từng thành viên, như vậy phiếu đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đương nhiên phải ở Thăng Bình. Nếu thế, các thành viên trong gia đình đó mỗi khi đau ốm chả lẽ phải về quê để khám chữa bệnh hay sao? Trong khi chữa theo yêu cầu thì BHYT không chi trả ngoại tỉnh. “Tôi làm đại lý bao năm nhưng thực sự năm nay mới gặp phải những tình huống như vậy. Đến bản thân mình cũng chưa thể giải thích được cho người dân hiểu thì làm sao họ mặn mà với BHYT hộ gia đình” - bà Hương nói thêm.

Ngay khi Luật BHYT sửa đổi chính thức bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1.1.2015, ngành BHYT huyện Thăng Bình đã mở các lớp tập huấn tại 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đối với các đại lý, ngành BHXH tỉnh và huyện cùng phối hợp triển khai tập huấn. Ông Vũ Thùy - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thăng Bình cho biết, ngay cả BHYT học sinh hiện nay trên địa bàn huyện cũng chỉ đạt hơn 60%; dù Nhà nước đã hỗ trợ mỗi BHYT học sinh từ 30% lên 45%. Trong khi qua rà soát của ngành, năm 2015 gần 300 học sinh của các hộ nghèo, cận nghèo của năm 2014 đã bị đưa ra khỏi danh sách tham gia BHYT kết thúc vào ngày 31.12.2014. Theo danh sách các trường gửi qua, trong số đó chỉ có 8 em tham gia BHYT bắt đầu từ ngày 1.1.2015. Trong khi đó, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đều giảm từng năm theo nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện nên việc tham gia BHYT sẽ rất là khó khăn. Nhất là khi triển khai BHYT hộ gia đình, với mức thu nhập của nông dân như hiện nay là khó tiếp cận. “Theo luật BHYT sửa đổi, giá thanh toán BHYT sẽ thay đổi đối với các bệnh đòi hỏi kỹ thuật cao. Nhà nước chỉ trả 40 - 50% do đó người dân vẫn chưa mặn mà với việc tham gia BHYT” - ông Vũ Thùy nói thêm.

Theo thống kê của ngành BHYT, năm 2014 tỷ lệ BHYT bao phủ trên địa bàn huyện Thăng Bình chỉ đạt 65%. So với mặt bằng chung của tỉnh Quảng Nam là con số thấp. Trong khi đó, việc giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra đang là vấn đề khiến cho một số hộ gặp khó khăn khi phải tự “chủ động” trong việc mua BHYT. Do đó, BHYT hộ gia đình cần có một hướng điều chỉnh cho phù hợp để vừa có thể sẻ chia bớt gánh nặng cho quỹ BHYT, vừa không khiến người mua bảo hiểm gặp khó.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Loay hoay thực hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO