Báo hiếu online

HỨA XUYÊN HUỲNH 09/09/2017 07:17

Vừa thêm một mùa Vu lan thắng hội, thêm những nụ cười mãn nguyện bên đấng sinh thành và cả những giọt nước mắt. Không có giọt nước mắt nào lặng thầm hơn khi ai đó chợt nhớ về người thân, có lẽ chúng cố tình được giấu đi để khỏa lấp bớt nỗi ân hận muộn màng.

Thả đèn hoa đăng trong ngày lễ Vu lan. Ảnh: Internet
Thả đèn hoa đăng trong ngày lễ Vu lan. Ảnh: Internet

Nhưng dễ cũng đã vài năm nay, mạng xã hội nhắc đến một hình thức tri ân khác, “báo hiếu online”. Lối gọi tên này có chút thiếu thiện cảm, khi ai đó ngỏ ý chê trách những đứa trẻ cứ “mang” cha mẹ lên mạng xã hội để tỏ lòng thương nhớ, trong khi cha mẹ sống sờ sờ ra đó thì không một lời hỏi han. “Cha mẹ đâu có xài Facebook, lên đó tri ân mà làm gì?”, đại loại như thế.

Tôi không cho phép mình có quyền “đay nghiến” người khác, bởi ứng xử luôn là một lựa chọn mang tính cá nhân. Và trên hết, khi lặng lẽ xem những dòng trạng thái nối nhau đăng tải hằng giờ trên Facebook, tôi nhận ra không phải lối “báo hiếu online” nào cũng vô bổ, cũng hình thức. Như mùa Vu lan năm nay, tôi đọc được câu chuyện sầu thảm về cái chết của mẹ nhà thơ Đỗ Trung Quân, do chính ông thổ lộ trên trang cá nhân, với những dòng nước mắt chỉ được phép tuôn ra “như chưa bao giờ khóc đến thế trong đời” vào lúc ông rải tro cốt mẹ xuống sông Sài Gòn. Thực ra, đây là bài viết được tập hợp và in chung với nhiều tác giả, do NXB Phương Nam phát hành nhân mùa Vu lan 2017… Tôi hiểu tâm trạng tiếc thương muộn màng của họ Đỗ, cũng như đã nhiều năm nay từng yêu quý mấy dòng thơ lục bát ông viết thật mộc mạc nhưng lay động sâu xa: “Mẹ ta trả nhớ về không/ Trả trăm năm lại bụi hồng… rồi… đi…”.

Tôi cũng vừa đọc được câu chuyện của nhà báo Hoàng Hải Vân về một bà mẹ quê đúng nghĩa, bà cụ hiền từ và “ít học” như tác giả tự nhận, chỉ viết được mỗi một chữ (là tên đứa con trai của mình). Cảnh nhà nghèo túng của họ, với những nghề mưu sinh bấp bênh và hình ảnh con cá nục xẻ ba, cứ “nén lại trong chiêm bao, mấy chục năm rồi thỉnh thoảng nửa đêm tỉnh dậy trào nước mắt”… khiến nhiều người chùng xuống. Đọc đến đoạn đứa con thổ lộ khát khao được kiếm nghề mới nuôi mẹ, được gắp cho mẹ khúc giữa con cá nục mà cảm thấy bất lực (vì bà cụ đã quy tiên từ lâu), tôi trào nước mắt. Nhưng lạ thay, khóc đấy rồi cười đấy. Cười, vì mừng cho bà mẹ ấy có đứa con đã qua ngưỡng lục thập hoa giáp mà vẫn hồn nhiên bày tỏ yêu thương bất chấp tuổi tác. Hình như, chỉ tình thương dành cho cha mẹ ta là vô điều kiện, không cần trang điểm, không lời phi lộ.

*
*           *

Thuở nhỏ, tôi từng chứng kiến ông cụ trong xóm đặc biệt hiếu kính với mẹ. Lúc ấy, ông đã có cháu nội cháu ngoại. Ngày bà cụ mất, ông ngồi cạnh giường tỉ mẩn lau như muốn nhục thân của mẹ phải trở nên thanh sạch trước khi về với cát bụi. Rồi người đàn ông kỳ quái đó dựng lều cạnh nấm mộ mẹ ngoài nghĩa trang, đêm đến là ra đó ngủ suốt nhiều tháng ròng, ai khuyên nhủ gì cũng không nghe. Ông chỉ gọn lỏn: Không muốn mẹ tôi nằm một mình ngoài này, lạnh lắm!… Chút ấn tượng xưa cũ đó cứ đeo bám tôi, cho đến khi đọc những trang sách về nhị thập tứ hiếu, mới ồ lên: Quê mình cũng từng có một hiếu tử lạ lùng.

Giữa bộn bề cuộc sống, sáng ra mở mục an ninh trật tự trên báo đọc tin đau lòng nghịch tử này ngược đãi mẹ, nghịch tử nọ vung dao chém cha…, thì những câu chuyện hiếu tử chắp nối kia hẳn sẽ giúp tâm hồn ta lắng lại giữa nhân quần. Bạn biết không, vĩnh viễn không có ai đủ nội công thu dọn hết những thứ bất nghĩa ra khỏi đời sống này, nên chúng ta phải tự cân bằng lấy. Hãy nhìn đóa hoa tinh khiết đang vượt thoát đám cỏ dại ngoài kia và nhắm mắt dẫn dụ mùi hương lan xa. Hãy tin mỗi một giọt nước mắt nhỏ xuống vì tình thân sẽ là một lần hoa nở… Bạn thử nghĩ đến ngày, đứa con gái muốn mang về cho cha mẹ bát canh nóng, nhưng nhìn ra thăm thẳm quan san thì có nỗi buồn nào che giấu cho hết, và câu ca “chiều chiều ra đứng ngõ sau/ trông về quê mẹ…” còn quặn lòng đến lúc nào mới nguôi? Lại có đứa con trai, cứ quen thói tang bồng hồ thỉ để đến một ngày trống rỗng bật khóc, vì bàn tay gầy guộc từng xoa đầu mỗi khi ta đau ốm giờ chỉ còn là nắm xương quạnh quẽ ngoài mộ địa…

*
*                 *

Cuộc sống vốn dĩ đa đoan, bao nhiêu gia đình là bấy nhiêu hoàn cảnh. Không phải ai cũng có điều kiện báo hiếu khi cuộc sống riêng tư còn lắm bộn bề, hoặc vì nhiều nguyên do khác, mà giới nghệ sĩ là chốn dễ hình dung nhất. Có người live stream trên mạng để “kể khổ” khi mẹ ruột mình là đầu mối rắc rối gây ra bao khoản nợ nần, khiến thiên hạ đàm tiếu suốt một thời gian dài. Lại có những ca sĩ thành danh như Minh Tuyết, Nguyễn Hưng… bật khóc như trẻ nhỏ trên các chương trình ca nhạc Paris by night, khi nhắc đến người mẹ đang ở cách xa nửa vòng trái đất.

Tôi luôn nhìn thấy ẩn sâu trong những trạng thái xúc cảm kia là cả một nỗi ân hận mơ hồ. Ân hận, khi thoáng nghĩ đến ơn sinh thành dưỡng dục sâu nặng, càng lùi xa càng trĩu nặng. Vậy chúng ta có nên chê bai lối “báo hiếu online” đầy hình thức và rình rang? Những xưng tụng ồn ào chỉ một ngày trong năm (lễ Vu lan bồn), dù sao, sẽ ít nhiều đánh động cho những ai đó vô tâm hay còn đang bị khuất lấp trong cuộc mưu sinh. Vì bạn đang có thêm 364 ngày còn lại để “báo hiếu offline”, và dằng dặc mấy chục năm phía trước nữa để trả ơn chín chữ cù lao sâu nặng.

Như Lưu Quang Vũ từng “Tin ở hoa hồng”, tôi tin nước mắt. Vậy hãy khóc đi, những đứa con nhỏ dại!

HỨA XUYÊN HUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo hiếu online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO