Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm địa phương

HOÀNG LIÊN 20/07/2023 07:33

Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương tại Quảng Nam là hướng đi cần thiết giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Giống gà tre được bảo tồn và thương hiệu “Gà tre đèo Le” đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh: H.LIÊN
Giống gà tre được bảo tồn và thương hiệu “Gà tre đèo Le” đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh: H.LIÊN

Bảo hộ nhiều sản phẩm đặc thù

TS.Lương Đức Toàn (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) cho biết, Quảng Nam là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) với đa dạng sản phẩm từ nông sản, chế biến, mỹ nghệ, y dược…

Đến nay, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh và các sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ như: chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Quế Trà My”, “Sâm Ngọc Linh”, “Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An”; nhãn hiệu chứng nhận “Bê thui Cầu Mống”, “Gà tre đèo Le”, “Ba kích Tây Giang”, “Tơ lụa Mã Châu”, “Bánh tráng Đại Lộc”…

Cả nước hiện có 128 CDĐL, 497 nhãn hiệu chứng nhận, 1.457 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ. Quảng Nam có 3 CDĐL, 6 nhãn hiệu chứng nhận, gần 90 nhãn hiệu tập thể được cấp bằng bảo hộ. Bên cạnh đó, còn có nhiều nhãn hiệu thông thường được cấp, đưa vào sử dụng. Quảng Nam hiện có 333 sản phẩm được công nhận các hạng sao OCOP; trong đó có 275 sản phẩm hạng 3 sao, 58 sản phẩm hạng 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh cũng là thành quả của việc xây dựng thương hiệu từ chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Cũng theo TS.Toàn, ngoài các hoạt động bảo hộ SHTT, tại Quảng Nam, nhiều nhiệm vụ quản lý và phát triển các sản phẩm bảo hộ đã được triển khai.

Có thể kể đến nhiệm vụ “Quản lý và phát triển CDĐL quế Trà My” (2013 - 2014), do Viện Thổ nhưỡng nông hóa là cơ quan chuyển giao chuyên môn. Mô hình quản lý và phát triển CDĐL “Quế Trà My” được hoàn thiện, song phạm vi bảo hộ CDĐL mới dừng lại ở 4 xã có cây quế.

Năm 2021, Sở KH-CN tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Quảng Nam đến năm 2030”. Qua đó, Quảng Nam đã trao quyền sử dụng CDĐL sâm củ Ngọc Linh cho 7 cơ sở sản xuất, chế biến và trồng sâm. Giai đoạn 2022 - 2025, ngành KH-CN tiếp tục triển khai nhiệm vụ “Xây dựng và quản lý, phát triển CDĐL cho sản phẩm tiêu Tiên Phước”.

UBND tỉnh cũng phê duyệt các nhiệm vụ quản lý và phát triển CDĐL “Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An”, nhãn hiệu chứng nhận ba kích, đẳng sâm Tây Giang; tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Mực cơm Bình Minh”…, nhằm tạo tiền đề nâng cao giá trị sản phẩm cho các địa phương trong tỉnh.

Theo ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN), Quảng Nam đã có nhiều nội dung hỗ trợ nhằm hướng tới bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho các cơ sở sản xuất, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm, nâng cao nhận thức về sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất, người sản xuất kinh doanh.

Theo tinh thần Nghị quyết 02/HĐND tỉnh, Sở KH-CN đã tiếp nhận và triển khai hỗ trợ 13 hồ sơ về SHTT cho 10 cơ sở sản xuất. Có thể kể đến, hộ kinh doanh cơ sở dầu tràm Linh Vũ, HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm, HTX Nông nghiệp - kinh doanh dịch vụ Tiền Phong…

Từ Nghị quyết số 42 của HĐND tỉnh, Sở KH-CN cũng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới đối với Công ty CP Mozart Việt Nam…

Còn nhiều khó khăn

Đối với Quảng Nam, theo lãnh đạo Sở KH-CN, lĩnh vực bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ vẫn còn khó khăn, thách thức. Đơn cử, chưa có nhiều sản phẩm chế biến được bảo hộ SHTT dưới hình thức CDĐL hay nhãn hiệu chứng nhận (chủ yếu là nhãn hiệu tập thể).

100% sản phẩm chế biến được bảo hộ là dạng nhãn hiệu tập thể, thuộc sở hữu tập thể. Việc thương mại hóa cũng như kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ phụ thuộc nhiều vào tập thể sở hữu đó. Việc đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp còn yếu...

Chưa kể, việc đẩy mạnh đăng ký bảo hộ quyền SHTT không chỉ phạm vi trong nước mà ở nước ngoài cho các sản phẩm đặc hữu của tỉnh còn bỏ ngỏ, chưa được chú trọng cũng là rào cản để quảng bá, khẳng định vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực tại Việt Nam và quốc tế.

TS. Lương Đức Toàn nhìn nhận: “Có thể thấy, nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm tăng đáng kể.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực, có tiềm năng của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc sản phẩm là cần thiết để Quảng Nam ngày càng tiến sâu hơn trong quá trình hội nhập”.

Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn, để phát triển giá trị sản phẩm bản địa, các địa phương cần đổi mới cách tiếp cận, cần xem SHTT như công cụ để bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị, chứ không phải là mục tiêu, kết quả cuối cùng là bảo hộ được sản phẩm.

Phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước về quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được bảo hộ. Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý khai thác nhãn hiệu, CDĐL được bảo hộ…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO