Báo Hướng Sống và những tấm lòng yêu nước

TẦN HOÀI DẠ VŨ 21/06/2013 10:11

Có lẽ phải cần nhiều năm tháng nữa, những nhà nghiên cứu về lịch sử báo chí ở Việt Nam mới có thể tìm hiểu hết được những gian khổ và cả những tình cảnh cận kề cái chết của những người làm báo trong thời kỳ đấu tranh chống Mỹ ở các thành thị miền Nam, giai đoạn 1954-1975. Nhưng có một nhận xét chính xác về phong trào đấu tranh của thanh niên - sinh viên học sinh (TN-SVHS) giữa lòng đô thị là, khi nào phong trào lên cao thì có nhiều tờ báo ra đời, dù là báo công khai hay bán công khai. Ngược lại, nếu chỉ thấy có báo bí mật xuất hiện thì có thể hiểu ngay là lúc ấy phong trào còn chưa xây dựng được, hay đang lắng xuống.

Trong việc làm báo bí mật, tờ Hướng Sống của Hội Liên hiệp TN-SVHS Giải phóng Trung Trung Bộ ra đời được quả là một kỳ công.

Sau cuộc họp bí mật tại Ngũ Hành Sơn vào giữa tháng 3.1964, do đồng chí Lê Phương Thảo - Chủ tịch Hội Liên hiệp TN-SVHS giải phóng Trung Trung Bộ tổ chức, các anh chị Nguyễn Đồng, Nguyễn Lợi, Sơn Hải, Nguyễn Ngọc Trình, Hoàng Lâm, Cẩm Nhung… đã nhất trí chọn tên báo là Hướng Sống. Từ 150 bài viết của anh em ở khắp các tỉnh miền Trung, từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, đã chọn được 40 bài, để thực hiện một tập báo in roneo khoảng 120 trang.

Khó khăn chồng chất. Ngay cả việc mua giấy và mực in cũng đã phải thận trọng đề phòng: người mua giấy thì không mua mực, và ngược lại, nhằm tránh bị theo dõi, nghi ngờ. Toàn bộ giấy và mực in, do hệ thống đường dây đưa qua nhiều tuyến khác nhau, được tập trung cất giấu tại nhà Phan Hoàng, lúc ấy đang là một học sinh lớp Đệ Nhất (lớp 12) tại trường Trung học Bán công Đà Nẵng. Cả nhà anh Phan Hoàng đều là cơ sở cách mạng, do đồng chí Lê Phương Thảo tổ chức. Toàn bộ giấy in báo, giấy stencil, mực in Korés  đều được gia đình cách mạng này giấu trong kho chứa vải tại nhà, nhờ thế mà cảnh sát ngụy không phát hiện được. Về sau, cả nhà Hoàng đều bị bắt vào tù. Khi được thả ra, Phan Hoàng tham gia kháng chiến và hy sinh tại Gò Nổi, Điện Bàn.

Những tờ báo của phong trào Thanh niên - sinh viên học sinh trong các đô thị miền Nam trước 1975, dù là báo bí mật, bán công khai, hay một đôi khi là công khai, cũng đều đã tạo nên những cây bút có nội lực, có tay nghề.

Nhưng cái khó nhất là việc đánh máy stencil và in báo. Sau nửa tháng lén lút đưa bàn máy chữ chạy quanh các gia đình cơ sở tại hai làng quê Phong Thử và Ái Mỹ của huyện Điện Bàn ,vẫn không sao thực hiện được công đoạn đánh máy, Hoàng Lâm (Nguyễn Hoàng Gia Minh) đành trở về Đà Nẵng. Sơn Hải phải đưa Lâm về chính nhà anh ở Thanh Khê, rồi lần lượt chuyển qua nhà dì Tám, nhà dì Xử, nhà anh Kháng, và cả nhà anh ruột của Lâm là Nguyễn Hoàng Gia Trinh, sau hơn một tháng mới đánh máy xong được 120 tờ stencil.

Đến khi in báo mới kịp phát hiện ra một vấn đề kỹ thuật khá nan giải, mỗi tờ stencil chỉ có thể in được khoảng 40 - 50 trang báo. Nếu cứ tiếp tục in thì những trang báo sau đó mờ nhạt, rất khó đọc được, do phải in bằng một “máy in” thủ công, tự tạo. Hoàng Lâm lại phải một lần nữa vất vả, đánh máy thêm 360 tờ stencil, trong vòng ba tuần lễ, để có thể in đủ số lượng 120 tập báo. Việc in báo cũng được phân công cho 5 nhóm, ở 5 địa điểm khác nhau. Cẩm Nhung cùng với 9 giáo viên trường Tiểu học Sào Nam đã phân công làm 3 tốp, thực hiện việc in báo một cách tích cực và hiệu quả nhất. Các bộ phận khác của Nguyễn Đồng, Nguyễn Lợi, Sơn Hải cũng đã hoàn thành kịp thời việc in báo ở những địa điểm khác nhau, trong những điều kiện khá ngặt nghèo. Tất cả những trang báo in xong, lần lượt được đưa về sắp xếp trang và đóng xén tại nhà Nguyễn Ngọc Trình.

Báo Hướng Sống, “đứa con đầu lòng” của Hội Liên hiệp TN-SVHS giải phóng Trung Trung Bộ đã chào đời trong bí mật, gian khó như vậy. Báo được chia đều cho các tỉnh. Phát hành nhiều nhất vẫn là tại Đà Nẵng và Huế. Số còn lại được bí mật chuyển cho Quảng Nam, Quảng Ngãi và cả Bình Định. Trong 30 tập Hướng Sống còn giữ lại, đồng chí Lê Phương Thảo đã gửi lên chiến khu 2 tập; còn 27 tập được giao cho Sơn Hải và Cẩm Nhung bí mật đến các bưu điện Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ gửi cho các quan chức chế độ Sài Gòn tại các tỉnh miền Trung; kể cả gửi cho tướng Tư lệnh Vùng I Chiến thuật Nguyễn Chánh Thi. Còn một tập cuối cùng được giao cho anh Nguyễn Ngọc Trình, bằng mọi cách phải đảm bảo giữ lại cho được, để sau này lớp con cháu biết là đã có một thời làm báo gian khổ như thế nào! Nhưng rồi đâu có giữ được, mà làm sao để giữ, khi chính mạng sống của người làm báo cũng khó chu toàn!

Trong tổng số 120 tập báo Hướng Sống đã phân tán khắp nơi ấy, không biết do con đường nào, và cơ may nào, kỳ diệu thay, hiện nay vẫn còn được một tập tại Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội!

Những người làm báo Hướng Sống, nhiều người đã hy sinh, số còn lại, qua thử thách của lịch sử và thời cuộc, nhiều người đã trưởng thành; có người hiện có chỗ đứng vững vàng về chuyên môn, đóng góp đáng kể cho xã hội, như đồng chí Lê Phương Thảo, người lãnh đạo phong trào ngày nào, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng; hay như Hoàng Lâm, người phụ trách đánh máy stencil năm xưa, sau nhiều năm tháng sống kiêu hùng trong nhà tù Côn Đảo, hiện rất nổi tiếng với cơ sở Năng lượng Sinh học tại số 8 Nguyễn Thiện Thuật - Đà Nẵng…

Từ báo Hướng Sống, có một cái nhìn khái quát hơn, ta có thể nhận ra một sự thật không thể phủ nhận là, những tờ báo của phong trào TN-SVHS trong các đô thị miền Nam trước 1975, dù là báo bí mật, bán công khai, hay một đôi khi là công khai, cũng đều đã tạo nên những cây bút có nội lực, có tay nghề, về sau có thể trở thành những nhà báo chuyên nghiệp thực sự. Một điều khác, tuy gián tiếp và khó nhận ra hơn, nhưng lại có tác động sâu sắc, là chính quan điểm yêu nước và ngôn ngữ trong sáng, chân thật của báo chí phong trào đã có tác động tích cực đến hệ thống báo chí “chính thống” của chế độ Sài Gòn. Không ít những tờ báo công khai của làng báo Sài Gòn đã trở thành những người bạn đồng hành, hoặc chí ít cũng ngầm ủng hộ các phong trào đấu tranh đô thị của TN-SVHS. Về mặt văn học, tác động ấy còn sâu sắc hơn nhiều, khi đã  hình thành hẳn một “trào lưu” thơ tranh đấu yêu nước, tiến bộ, đánh bật được lối thơ rên rỉ, sướt mướt, diễm tình trên các tờ báo chính thống của làng báo Sài Gòn, trung tâm tập hợp báo chí toàn miền Nam trong những năm tháng đen tối đó.

TẦN HOÀI DẠ VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo Hướng Sống và những tấm lòng yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO