Chuyện đầu tuần

Bao la lòng mẹ

HỨA XUYÊN HUỲNH 01/07/2024 08:15

Đã bước vào ngày đầu tiên của tháng tri ân, tháng 7. Đã thấy những xao động mỗi khi nghĩ đến nỗi đau thời chiến. Đã thức dậy những thôi thúc bên trong mỗi khi chạm đến tâm thức biết ơn… Trong muôn vàn nỗi đau và bát ngát suy tư ấy, luôn có một nơi chốn để nhớ về: Lòng mẹ.

Hồ sơ về người có công ở Quảng Nam luôn gợi lên mối liên tưởng sâu xa về sự hy sinh của những người mẹ trong quá khứ: toàn tỉnh có đến 15.339 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng kể cả khi ai đó chỉ nhắc về những liệt sĩ, thương binh, người có công…, thì bóng dáng người mẹ vẫn hiển hiện.

Hơn 65.470 liệt sĩ, hơn 30.700 thương bệnh binh - liệu ai đếm hết nỗi đau đã dồn ứ nơi những bà mẹ? Ở một góc khuất khác, tại Quảng Nam, hàng nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ “bị nhiễm chất độc hóa học”. Liệu có nụ cười nào đủ sức thoáng hiện trên gương mặt người mẹ, khi ngày ngày thắt ruột nhìn đứa con bị bào mòn trong đau đớn?

Xứ Quảng anh hùng đã từng có một bà mẹ tiêu biểu, nguyên mẫu của Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng: mẹ Nguyễn Thị Thứ. Trong quãng thời gian 30 năm, chiến tranh đã cướp mất người chồng cùng 9 con trai, 1 con rể, 2 cháu ngoại của mẹ Thứ. Người mẹ ấy có nhiều con cháu hy sinh nhất trong 2 cuộc chiến tranh, một “kỷ lục” bi tráng.

Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng dựng ở núi Cấm (TP.Tam Kỳ) khắc họa gương mặt hiền hậu của mẹ Thứ cùng vòng tay ôm theo hình cánh cung của vòm đá. Bên trong lòng tượng đài khổng lồ ấy, có nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng với bia ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước, như một biểu tượng ôm ấp khác nữa.

Nhắc đến mẹ Thứ vào mỗi dịp 27/7, ngày Thương binh – Liệt sĩ, là nhớ nghĩ về sự hy sinh thầm lặng của những bà mẹ Việt Nam. Với tháng tri ân năm nay, nhắc đến mẹ Thứ còn có tính thời sự, bởi vừa chẵn 120 năm ngày bà mẹ tiêu biểu ấy chào đời.

… Chín bát hương, chín bát hương chín khúc ruột tái tê/ Chín con ra đi không một đứa trở về/ Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ”, ca từ trong “Người mẹ Quảng Nam” của nhạc sĩ Doãn Nho luôn vang lên trong mỗi dịp tưởng nhớ, tri ân bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngay trong âm nhạc, mẹ Thứ cũng góp chất liệu cho nhạc sĩ Doãn Nho viết về người mẹ xứ Quảng: “… chúng con đã về đây ngả đầu vào gối mẹ/ Cho lòng mẹ hiền ấm mãi những lời ru”.

Tháng 7 lại về, với những chương trình tri ân, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc người có công, xóa nhà tạm, và cả những bữa cơm gia đình ấm lòng mẹ do các bạn trẻ quây quần đi chợ và nấu nướng...

Hôm qua 30/6, theo đoàn vào viếng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị trước khi khai diễn giải đua xe đạp “Điểm đến Hòa bình” (vòng đua quanh thành cổ), tôi dừng khá lâu bên bức tượng đá đặt mé tây đài tưởng niệm. “Vẫn đợi anh về”, tác phẩm của Nguyễn Xuân Tiên thực hiện tại Trại sáng tác điêu khắc “Thành cổ Quảng Trị - Bất tử và hồi sinh”.

Bức tượng hoàn thành cũng vào dịp tháng 7, cách đây 8 năm, tên gọi và chi tiết vòng tay ôm chiếc mũ tai bèo như chuyên chở tâm tình người phụ nữ chờ chồng; nhưng gương mặt khắc khổ, gò má nhô cao cùng búi tóc phía sau lại mang dáng dấp một người mẹ, thậm chí người bà.

Những tượng đá ở đất Quảng Nam anh hùng hay đất thiêng Quảng Trị như nói hộ lòng người về tâm tình biết ơn. Bất cứ nơi đâu trên trái đất này, mọi mất mát chia ly đều tan chảy theo dòng nước mắt của người mẹ, người vợ.

Ở Việt Nam và nhất là với Quảng Nam, nơi có số lượng đối tượng chính sách đông nhất nước, càng thấm đẫm nỗi niềm này. Để chúng ta cùng biết ơn mỗi khi nhớ về nỗi hy sinh, nỗi đau và trên hết là nỗi lòng bao la – Nỗi lòng người mẹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bao la lòng mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO