Bạo lực gia đình, nguyên nhân dẫn đến ly hôn

AN DÂN 19/06/2018 12:00

Tình trạng ly hôn ở Quảng Nam trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Hệ lụy của tình trạng này tác động nhiều mặt đời sống xã hội là điều đáng lo ngại...

Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn (tranh minh họa). Nguồn: internet
Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn (tranh minh họa). Nguồn: internet

1.001 nguyên nhân

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn, gia đình tan vỡ là bất đồng quan điểm về lối sống, tính tình không hợp, bạo lực gia đình, ngoại tình… Qua thống kê, tình trạng ly hôn xảy ra ở nhiều lứa tuổi và có xu hướng trẻ hóa, độ tuổi ly hôn nhiều nhất là dưới 35 tuổi.

Một cán bộ tòa án cho biết: “Tình trạng ly hôn hiện nay ngày càng tăng, độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ, xu hướng bạo lực ngày càng đáng báo động. Nguyên nhân ly hôn rất nhiều, từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, đến bất đồng trong quan điểm và bị nhiễm các tệ nạn xã hội…”.

Nhiều cặp vợ chồng còn quá trẻ, sau khi cưới nhau cả hai đều không có việc làm ổn định dẫn đến đời sống kinh tế gia đình bấp bênh. Không có tiền nuôi dưỡng khi con cái đau ốm nên mâu thuẫn thường xuyên xảy ra.

Áp lực về kinh tế và khác biệt về lối sống, một trong hai người sẽ so bì với những người xung quanh, xuất hiện những mối quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng.

Việc thiếu kỹ năng sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đôi vợ chồng trẻ đưa nhau ra tòa ly dị.

Cặp vợ chồng H. và N. thường xuyên cãi vã và đánh nhau, trong lúc nóng giận, thách đố ly hôn. Sau đó không ai chịu ai, cả hai kéo nhau ra tòa phân giải nhiều lần với  lý do rất “lãng nhách” nhưng vì “cái tôi” quá lớn, chẳng ai chịu rút đơn và cuối cùng kết thúc là “đường ai ai cứ đi”.

Trong cuộc sống hiện đại, các ông chồng thường dành nhiều thời gian cho công việc, bù khú với bạn bè.

Chị T. tâm sự: “Cuộc sống vợ chồng tôi như địa ngục, chồng tôi thức tỉnh với những cơn say, ban đầu uống đỡ mỏi, bây giờ đã nghiện rượu. Không có rượu không làm được gì cả, uống vào thì lải nhải chửi vợ, mắng con. Chức năng làm chồng cũng mất dần, rồi đâm ra ghen tuông vớ vẩn, đánh đập vợ con”.

Nhiều phụ nữ chia sẻ, họ thường xuyên bị bạo lực, có người vừa bị bạo lực cả thể xác lẫn tinh thần. Họ thường giấu giếm “vì xấu chàng hổ ai”, nhưng chịu đựng những hình thức bạo lực trên, họ sa sút sức khỏe, tổn hại tinh thần.

Như chị B. chẳng hạn. Chị bị mất ngủ trầm trọng, vì ông chồng ghen tuông bệnh hoạn, nhiều đêm mở mắt ra, thấy ông chồng đứng đó, tay cầm dao tuyên bố xanh rờn: “Mi ngủ mơ thấy thằng nào mà cười tươi như hoa, coi chừng tau giết!”.

Chị N. là công nhân may ở TP.Tam Kỳ tâm sự: “Hai vợ chồng đều làm công nhân, mỗi người một nơi, thường xuyên tăng ca, việc nuôi dạy con cái, chủ yếu là điện thoại, nhắn tin dẫn đến tình cảm ngày càng xa cách, lạnh nhạt, ly thân rồi dẫn đến ly hôn…”.

Nhiều cặp đôi chưa đến tuổi kết hôn nhưng lỡ “ăn cơm trước kẻng” nên đành phải cưới, vợ chồng trẻ con “thương nhau lắm, rồi cắn nhau đau”. Những cặp vợ chồng trẻ con này, khi bước vào cuộc sống gia đình chưa chuẩn bị được những kiến thức và hiểu biết cần thiết về cách sống, cách quản lý và nuôi dạy con cái cũng như các hành vi ứng xử giao tiếp trong gia đình… nên chẳng bao lâu thì “đứt gánh” giữa đường!

Những hệ lụy buồn

Gia đình là nơi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của con cái. Một khi cha mẹ ly hôn, mái ấm tan vỡ, con cái là người lãnh hậu quả, sống thiếu vắng tình cảm gia đình. Những đứa trẻ rơi vào những trường hợp như vậy thường tự ti, chán nản, bướng bỉnh và suy sụp tinh thần, nhiều em bỏ học và nhiễm tệ nạn xã hội.

Cô giáo chủ nhiệm của em B. tâm sự: “Làm chủ nhiệm có trẻ cha mẹ ly hôn, các em thường học hành sa sút, đến trường luôn với tâm trạng chán nản, không tập trung làm bài. B. chia sẻ không muốn đi học nữa, vì em bị ba mẹ bỏ rơi...”.

Hay chị P. có ba mẹ ly hôn, nói: “Luôn chứng kiến cảnh ba mẹ cãi nhau, ba đánh đập mẹ, nên đã hơn 30 tuổi tôi cũng không muốn lập gia đình, bởi tôi luôn bị ám ảnh”.

Nhiều người vợ, người chồng sau khi ly hôn cũng sa vào tệ nạn xã hội, rồi tâm lý bất an, xã hội phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi ly hôn ngày càng gia tăng như tình trạng trẻ em có cha mẹ ly hôn bỏ nhà lang lang, tội phạm ở độ tuổi vị thành niên không ngừng gia tăng.

Thẩm phán Trần Thị Bích Ân, làm việc tại TAND huyện Hiệp Đức cho biết: “Tùy theo trường hợp tôi tư vấn cho các cặp vợ chồng xin ly hôn, kiên trì thuyết phục, động viên, tạo tâm lý thoải mái cho các đôi vợ chồng. Một số đôi sau khi được tư vấn đã hàn gắn hạnh phúc, nhưng phần đông đều quyết ra tòa ly hôn. Điều đáng lo ngại là số vụ ly hôn do phụ nữ chủ động ngày một tăng, nguyên nhân chủ yếu là bạo lực gia đình, vì vậy rất khó hòa giải. Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chương trình giáo dục về hôn nhân gia đình với những bạn trẻ trước khi kết hôn về kiến thức pháp luật, giới tính… để ý thức và trách nhiệm của mình với cuộc sống hôn nhân của chính mình”.

Theo số liệu thống kê số án hôn nhân và gia đình ở huyện Hiệp Đức hàng năm cứ tăng lên mãi. Năm 2015: 62 vụ. Năm 2016: 94 vụ. Năm 2017: 124 vụ. Và trong 3 tháng đầu năm nay là 35 vụ.

Còn ở thị xã Điện Bàn và các huyện miền núi, xu hướng ly hôn cũng gia tăng với những nguyên nhân: ngoại tình, nghiện ngập ma túy, rượu bia, cờ bạc... Án hôn nhân gia đình theo thống kê chung của toàn tỉnh chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã có 1.672 vụ. Đó là con số khiến các cơ quan ban ngành đoàn thể cần suy nghĩ để chung tay góp sức hiện trạng đáng buồn này.

AN DÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bạo lực gia đình, nguyên nhân dẫn đến ly hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO