"Bảo mẫu" của học trò vùng cao

DUY THÁI - TUẤN TÚ 30/12/2014 11:41

Với học sinh Xê Đăng tại điểm Trường Mẫu giáo Măng Liệt ở thôn 4, xã Trà Nam (Nam Trà My), cô giáo trẻ Lê Thị Thu Sương như người mẹ hiền luôn ân cần dạy dỗ, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn.

Cô Lê Thị Thu Sương tận tình chăm sóc học trò vùng cao.
Cô Lê Thị Thu Sương tận tình chăm sóc học trò vùng cao.

Công tác ở Trường Mẫu giáo xã Trà Nam một thời gian, đến đầu năm học 2014 - 2015, cô Sương được chuyển lên dạy ở điểm Trường Mẫu giáo Măng Liệt. Cô Sương cho biết, điểm trường này chỉ mới được thành lập từ tháng 2.2014 và hiện có 19 học sinh ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Trong đó có 14 em xa nhà được cô Sương tự nguyện nhận chăm lo bữa ăn, giấc ngủ để các em được ở lại trường tập trung học tập. Cô Sương kể, khi mới đứng lớp, thấy các em luôn đến muộn giờ học vì nhà ở quá xa, một số em phải băng rừng gần 2 tiếng đồng hồ nên rất mỏi mệt. Lo ngại các em sẽ không đủ sức khỏe để tiếp thu bài vở, đến mùa mưa các em bỏ lớp nên đã đề xuất lên ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh và được chấp nhận cho các em ở lại vào ban đêm theo hình thức bán trú tại điểm trường. “Mỗi tháng các em được trợ cấp 120 nghìn đồng tiền ăn trưa nhưng tôi chỉ xin trích được 10 nghìn đồng để mua sữa, kẹo và 10 nghìn đồng dùng vào bữa trưa cho trẻ, số tiền còn lại phải chi trả cho phụ huynh. Do điều kiện sống còn khổ cực, mỗi học kỳ phụ huynh đem đến 20 lon gạo/em cùng rau lá để làm thức ăn nên bữa sáng và tối chỉ toàn cơm trắng với rau, muối. Để bữa ăn cho trẻ được đảm bảo hơn, mỗi tuần tôi xin nhà trường hỗ trợ được 3kg cá, đồng thời xuống xã mua thêm thức ăn, hoặc khi về quê, tôi được gia đình ủng hộ gửi cá, thịt lên làm các em có thêm niềm vui”- cô Sương tâm sự.

Mới gần 6 giờ sáng, lớp học đã rộn rã bởi tiếng nhạc, tiếng hô tập thể dục của cô trò như một thói quen. Cô Sương bảo, đa số các em ở đây đều biết nói tiếng Việt nhưng còn rất rụt rè, tập thể dục là cách giúp các em vận động thân thể và luyện cách phát âm nhanh nhất bằng cách hô theo cô giáo. Em Nguyễn Thành Tuyện (5 tuổi) khá dạn dĩ bộc bạch: “Được ở lại trường có nhiều trò chơi, được học tập với bạn bè với cô nên con rất vui. Khi đau ốm, cha mẹ con đều đi làm ở nương rẫy không đến chăm sóc được thì con được cô lo lắng, nấu cháo cho con ăn, rồi dạy cách tự vệ sinh cá nhân”.

Nhờ học sinh được ở lại trường nên có nhiều thời gian học tập và cách sinh hoạt khoa học làm sự nhận biết của các em được nâng lên nhanh chóng. Đến nay có 80% các em 5 tuổi đã biết viết và học thuộc được bảng chữ cái, và tỷ lệ này ở trẻ 3 tuổi là 70%.

Bà Hà Thị Bích Tường – cán bộ phụ trách mầm non Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My nói: “Việc chăm sóc, nhận nuôi và cho trẻ ở lại ban đêm thì chỉ điểm trường Măng Liệt mới có. Chúng tôi hoan nghênh cách làm và sự nỗ lực vì học trò của giáo viên nơi đây, đồng thời nhắc nhở giáo viên phải đảm bảo tốt an toàn cho các em”.

DUY THÁI - TUẤN TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bảo mẫu" của học trò vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO