(QNO) - Bất chấp căng thẳng leo thang trên biển Đông do Trung Quốc khiêu khích, xâm phạm quyền chủ quyền của một số nước láng giềng tại khu vực, giới chuyên gia nhận định khó xảy ra xung đột biển Đông vì tầm quan trọng của các tuyến đường hàng hải thương mại đối với nền kinh tế các nước liên quan.
Gần 2 tháng qua, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và ngang nhiên gây hấn khi dùng vòi rồng phun nước, tấn công và liên tục đâm va làm nhiều tàu Việt Nam bị thiệt hại nghiêm trọng, trong đó có tàu cá bị đâm chìm. Động thái leo thang căng thẳng mới nhất của Trung Quốc là vào ngày 14.6 vừa qua, Trung Quốc động thổ xây dựng trường học cùng nhiều công trình khác liên quan trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Việt Nam cùng đông đảo bạn bè quốc tế.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng nếu như chủ động “khơi mào” cuộc chiến biển Đông. |
Trước sự hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông, Philippines đã tìm kiếm sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ với việc ký kết thỏa thuận cho phép hàng ngàn lính Mỹ luân phiên hiện diện trong các căn cứ quân sự đối diện với biển Đông, nơi các tàu chiến Mỹ có thể tới neo đậu. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Rosario khẳng định sẽ đệ trình lên Hiệp hội các nước Đông Nam Á về việc yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng trái phép trên biển Đông. Trước đó, Philippines tố cáo Trung Quốc xây dựng các công trình trên đảo Gạc Ma của Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng hay xây dựng nhiều công trình trái phép khác, kể cả ý định xây dựng các cơ sở quân sự trên những hòn đảo nhân tạo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Những động thái đơn phương của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về tự do và an toàn lưu thông hàng hải trong khu vực - tuyến đường biển quan trọng bậc nhất thế giới với hơn một nửa hoạt động thương mại đường thủy lưu hành qua đây. Song, các nhà quan sát cho rằng tất cả các nước liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ làm mọi cách để các động thái quân sự, ngoại giao không ảnh hưởng đến giao thông hàng hải. Chuyên gia Krishna, thuộc công ty tư vấn công nghiệp Drewry Maritimes Services nhận định: Bắc Kinh sẽ bị thiệt hại nhiều nhất, bởi một phần lớn luồng giao thông thương mại qua biển Đông là đến và đi từ Trung Quốc.
Trong bài “Việt Nam đang cân nhắc những chiến lược mới để ngăn chặn Trung Quốc” được đăng trên trang web The Diplomat ngày 28.5, giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về châu Á, thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết, Việt Nam có quan điểm và lập trường nhất quán về việc giải quyết các tranh chấp theo đường lối đối thoại, hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhưng nếu Trung Quốc chủ động “khơi mào” cuộc chiến trên biển Đông thì Việt Nam buộc phải phản ứng tự vệ. Quân đội Việt Nam có tên lửa đạn đạo bắn tới các căn cứ hải quân Trung Quốc ở đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, Hoàng Sa dù không nhằm đánh bại Trung Quốc, mà chỉ đủ gây thiệt hại về vật chất và bất ổn về tâm lý, làm cho giá bảo hiểm hàng hải tăng vọt và giới đầu tư ngoại quốc hoảng sợ, tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Chuyên gia phân tích Shivaji Das, thuộc công ty tư vấn Frost and Sullivan, trụ sở tại Singapore nhận định: “Tất cả các nước đều có vùng đặc quyền kinh tế nhưng họ vẫn cho phép các tàu thương mại tự do qua lại. Và các quyền này không bị ảnh hưởng, trừ phi đang có xung đột vũ trang trong khu vực. Do đó, tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra vì tất cả các nước đều có lợi ích to lớn trong việc duy trì tự do lưu thông hàng hải trong khu vực”.
NAM VIỆT (theo RFI/AFP)