Báo Philippines: "Việt Nam là thế lực công nghiệp mới ở Đông Nam Á"

QUỐC HƯNG 19/07/2018 15:42

(QNO) - Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang một trong những điểm sản xuất ấn tượng nhất tại khu vực.

Nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Ảnh: retailnews.asia
Nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Ảnh: retailnews.asia

Trang business.inquirer (Philippines) số ra ngày 17.7 trích lời của ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang Lasalle (JLL) - tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư bất động sản của Mỹ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang khẳng định vị thế như một quốc gia công nghiệp mạnh của khu vực Đông Nam Á. “Chúng tôi hy vọng thị trường công nghiệp sẽ bước vào một giai đoạn mới và nâng chuỗi giá trị trong tương lai, từ thị trường lấy lao động làm trọng chuyển sang thị trường lấy vốn làm trọng” - Stephen Wyatt nói.

Cũng theo tờ báo này, năm 1986, Việt Nam có 335 héc ta đất dành riêng cho các khu công nghiệp, và bây giờ con số này là 80.000 héc ta. Sự tăng trưởng đột biến này có được nhờ vào Việt Nam đã thiết lập một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, phát triển các khu công nghiệp và khu kinh tế chuyên biệt, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp.

Trong bối cảnh Trung Quốc thay đổi nền công nghiệp lấy lao động làm chủ đạo và tiến lên một bước tiến mới trong chuỗi giá trị đã dẫn dến việc các doanh nghiệp chuyển địa bàn sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam trở thành lựa chọn lý tưởng do lợi thế về vị trí địa lý.

Việt Nam, nằm giữa Trung Quốc và Philippines, với bờ biển dài 3.260km là cửa ngõ giao thông đường thủy kết nối với Biển Đông, một trong những tuyến vận chuyển chính của thế giới. Gần 40% lượng hàng hóa được vận chuyển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương phải qua Biển Đông trước khi tới các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Nhiều chuyên gia nhận định ngành logistics (vận tải và hậu cần) sẽ trở thành một trong những ngôi sao sáng của nền kinh tế Việt Nam trong 5 tới 10 năm tới. Sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp cư dân có mức thu nhập trung bình tạo ra lượng thu nhập sau thuế lớn hơn và sự lớn mạnh của ngành thương mại điện tử giúp thúc đẩy nhu cầu logistics.

Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Việt Nam chi 5,8% GDP (tổng sản phẩm nội địa) vào cơ sở hạ tầng, mức cao nhất trong khu vực. Để bước vào giai đoạn tiếp theo của chu kỳ công nghiệp/logistics và cạnh tranh hơn với các nước khác trong khu vực, Việt Nam vẫn phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm mạng lưới đường cao tốc, cảng biển nước sâu, kể cả năng lượng tái tạo.

Tất cả các sáng kiến về kinh tế đã giúp thu hút lượng lớn đầu tư của các công ty nước ngoài vào Việt Nam. Một ví dụ điển hình nhất là tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) với số tiền đầu tư hơn 17 tỷ USD tại Việt Nam. Điều này đã tạo lòng tin cho các công ty nước ngoài khi muốn tiến hành hoạt động tại Việt Nam.

Dù vậy, trang business.inquirer khẳng định một trong những thách thức đối với Việt Nam trong những năm tới sẽ là khả năng thích nghi và nắm bắt những thay đổi do công nghệ và tự động mang lại, hay còn gọi là nền công nghiệp 4.0.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo Philippines: "Việt Nam là thế lực công nghiệp mới ở Đông Nam Á"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO