Báo quốc ngữ 80 năm trước - Kỳ 4: Các chiêu thức phát hành báo

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 11/06/2015 08:42

Tiếng Dân là cơ quan ngôn luận tư nhân bằng quốc ngữ đầu tiên xuất bản tại miền Trung và phục vụ độc giả khắp 5 xứ Đông Dương suốt hơn 15 năm kể từ năm 1927 đến năm 1943. Ở xứ An Nam, đa số dân trí thức trước khi có Tiếng Dân chỉ đọc Trung Bắc Tân Văn của Nguyễn Văn Vĩnh. Một báo cáo của mật thám Pháp vào tháng 3.1935 cho thấy người đọc báo Tiếng Dân ở riêng tỉnh Quảng Nam vẫn là cao nhất.

  • Báo quốc ngữ 80 năm trước - Kỳ 2: Vui buồn chuyện quảng cáo
  • Báo quốc ngữ 80 năm trước - Kỳ 1: Từ nhật báo đến phong trào báo chí tiến bộ
  • Báo quốc ngữ 80 năm trước - Kỳ 3: Chữ nghĩa báo xưa
Báo Khoa học tạp chí.
Báo Khoa học tạp chí.

Việc phát hành báo từ 80 năm trước, theo Vũ Bằng (40 năm nói láo) đa số báo, tạp chí đều bán theo ký gởi đến các nhà phát hành. Các tiệm sách báo thường mở chung với hàng thuốc Bắc ở các tỉnh thành, nhận báo qua bưu điện và được trả lại 10% báo ế, thường sau 3 kỳ trả tiền một lần bằng mandat. Tại Hà Nội, Sài Gòn lúc đó đã có nhiều trẻ em, người lớn bán báo dạo. Nhiều tiệm thuốc Bắc kiêm luôn việc phát hành, bán lẻ báo đã đành, hồi đó tại Sóc Trăng lại có cả tiệm hớt tóc Hồng Điều ở số 5 đường Đại Ngã cũng làm đại lý báo và nhận đăng quảng cáo cho tờ Khuyến học ở lục tỉnh!

Nay đọc lại các báo lúc đó, mới biết thêm các tòa soạn có khá nhiều chiêu thức phát hành hơn thế nữa. Tuần báo văn học của Dương Bá Trạc khuyến mãi: bạn đọc giới thiệu được 10 người đặt mua báo năm sẽ được biếu không 1 năm báo. Cũng chiêu này, nhưng tạp chí Khuyến học của nhà Nam Ký thì rao: “Mua báo có thể trả bằng tem nếu không gởi được mandat và “Bạn nào cho được 3 độc giả mua năm báo mà trả tiền ngay, nhà báo xin kính biếu một năm báo Khuyến học không lấy tiền, còn bạn nào vận động được 2 độc giả mua năm cũng trả tiền ngay thì được tặng nửa năm báo”.

Nhìn chung, tạp chí Khuyến học của Bùi Xuân Tiếu, Nguyễn Tường ra mỗi tháng 2 kỳ đã có một “chiến lược” phát hành rất rõ ràng. Vì vậy, chỉ sau 6 tháng ra mắt đã có số phát hành trên 8 nghìn bản cả 3 miền Nam, Trung, Bắc và 2 xứ Lào, Cao Mên thuộc Đông Dương; trong đó lượng mua báo dài hạn qua bưu điện rất được chú trọng. Tuy vậy đến tháng thứ 6, số người đăng ký mua báo đã trả tiền mới được 1/3, nên Khuyến học lại dùng 2 chiêu thức mới là nhờ thu tiền qua bưu điện và lập mạng lưới cộng tác viên phát hành, lúc đó gọi là “cổ động viên” ở khắp các tỉnh, phủ huyện 3 miền.

“Ai muốn làm phải gởi 2 cái ảnh và giấy hạnh kiểm, đàn ông hay đàn bà muốn xin cũng được. Nhưng phải có bằng sơ học trở lên thì báo mới nhận. Nếu kiêm cả việc thu tiền thì phải ký quỹ 10$00. Ai muốn biết thể lệ xin kèm 5 xu tem trả lời, gởi về hỏi nhà báo: 17 Francis Garnier, Hanoi.”.

Sau đó họ tuyển dụng 4 người chuyên trách “cổ động và thu tiền” ở Nam kỳ, Trung kỳ, Lào và Cao Mên. Những nhân viên này phải được các chủ tiệm lớn hay người có uy tín xã hội ở địa phương bảo lãnh. Theo đó, khai thác quảng cáo sẽ được hưởng hoa hồng 20%, thu tiền báo được hưởng 3%, nhưng chi phí đi lại phải tự lo liệu…

Từ số 12 trở đi, Khuyến học lại có sáng kiến đăng danh tính, địa chỉ những độc giả đặt báo dài hạn từ 6 tháng trở lên, trả tiền trước lên trang áp chót mỗi kỳ báo, trong mục gọi là: “Tấm lòng sốt sắng của bạn đọc đối với Khuyến học” và mục trả lời thư bạn đọc. Đây không chỉ là việc minh bạch trong mua bán đơn thuần, mà còn là miếng đánh vào tâm lý “được lên báo” của nhiều người lúc đó. Đến tháng 4.1936, báo lại tặng 2 cuốn sách của nhà Nam Ký dành cho bạn đọc đặt mua báo dài hạn 1 năm trả tiền trước…Nhờ đó, theo chủ bút Nguyễn Tường, đến số 17 (tháng 5.1936), lượng phát hành riêng ở Hà Nội đã lên đến 4.700 số. Tuy vậy, đến số 23 (1.8.1936), Khuyến học vẫn đăng “khải sự”:

“Bổn báo khải sự

Khuyến học đến số này vừa đúng một năm, vậy bạn đọc nào chưa trả tiền báo xin gởi về cho. Chân thật mấy lời tưởng độc giả cũng đã thấu tình cho nhà báo rồi. Kể từ nay quý ngài nào định mua báo đồng niên, xin gởi mandat 1$20 về một lượt với thơ thì chúng tôi mới có thể gởi báo. Hoặc giả lúc ký giấy mua báo xin trả luôn tiền cho phái viên…”.

Tình trạng thất thu trong khâu phát hành có lẽ là áp lực của nhiều tờ báo lúc đó và thể hiện rõ nhất trong những thông tin trị sự liên tục trên báo Phụ Nữ của nhóm: Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Vỹ, Lê Tràng Kiều; tuy đây là tờ báo có lượng bạn đọc đông và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với tờ Ngày Nay của nhóm Tự Lực. “Nói chuyện đòi tiền trên mặt báo thực là một sự bất đắc dĩ. Nhưng chúng tôi không thể không phàn nàn được về những bạn không chịu trả tiền báo. Mong rằng khi các bạn mong mỗi tờ báo chóng đến tay để đọc thì xin nhớ đến sự sống của nó. Mỗi người chỉ “nhớ” một tí là chúng tôi có thể vui vẻ làm việc. NGUYỄN THỊ THẢO (Chủ nhiệm kiêm chủ bút)...

Ngẫm ra, nếu tính khoảng trên dưới 100 tờ báo và tạp chí có mặt trên thị trường vào lúc cả ba miền chỉ có 20 triệu dân, ta có thể hình dung sự cạnh tranh về phát hành lúc đó là khá căng thẳng. Chủ báo nào cũng phải lo có bài hay, giấy tốt, nhiều cộng tác viên tên tuổi; và như Vũ Bằng mô tả Nguyễn Doãn Vượng khi về làm chủ bút tờ Trung Bắc Chủ nhật: “Vượng mất ăn mất ngủ để nghĩ cách trình bày... Về nội dung, thay vì cứ mua bài chất đống rồi mỗi kỳ lấy ra vài bài tương đối có tính thời sự để lên đầu... như trăm tờ báo khác lúc bấy giờ, Vượng chủ trương mỗi kỳ đề cập một vấn đề nhất định, thiết thực, sát với thực tế và nếu đi trước thời cuộc mới hay... Có khi Vượng thức trắng đêm như con ma...”.

_____________________________
Kỳ cuối: Chủ bút Tiếng Dân viết về Hoàng Sa

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Báo quốc ngữ 80 năm trước - Kỳ 4: Các chiêu thức phát hành báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO