(QNO) - Nhiều trang báo quốc tế ấn tượng về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, cao nhất kể từ năm 1997.
Hãng tin Reuters (Anh) viết, tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Năm năm 2022 cao hơn mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đề ra trước đó, từ 6-6,5%.
Mức tăng trưởng GDP năm ngoái chỉ đạt 2,58%, khi các đợt phong tỏa do COVID-19 để lại nhiều khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy.
Như vậy, đây là tỷ lệ tăng trưởng hằng năm cao bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động đối với nhu cầu xuất khẩu từ Việt Nam - nhà sản xuất chính các mặt hàng như dệt may, giày dép và điện tử cho các thương hiệu quốc tế lớn.
Reuters trích báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, kết quả kinh tế Việt Nam đáng chú ý trong bối cảnh bất ổn và thách thức về kinh tế và chính trị toàn cầu.
Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2022 tăng 7,78%, trong khi khu vực dịch vụ tăng 9,99% và khu vực nông nghiệp tăng 3,36%.
Xuất khẩu tăng 10,6% lên 371,85 tỷ USD, trong khi doanh số bán lẻ tăng 19,8%, giá tiêu dùng tháng 12 tăng 4,55% so với một năm trước đó.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam - một trong những động lực kinh tế chính của đất nước, tăng 13,5% trong năm nay lên 22,4 tỷ USD.
Reuters nhận định, mặc dù nền kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, các nhà kinh tế cảnh báo rằng những "cơn gió ngược" đang ở phía trước, với nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ ảnh hưởng đến các chuyến hàng xuất khẩu Việt Nam.
Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và lạm phát 4,5% trong năm 2023.
Tạp chí Tái chính - kinh doanh Bloomberg (Mỹ) ca ngợi, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm nay, vượt ngoài mong đợi.
GDP của Việt Nam tăng 8,02% vào năm 2022, tốc độ hằng năm nhanh nhất kể từ năm 1997, được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ trong nước và xuất khẩu mạnh mẽ.
Bloomberg nhắc lại báo cáo giữa tháng 12 này của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam đang hoạt động tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, rủi ro đối với triển vọng kinh tế tăng lên.
Bloomberg trích phát biểu của bà Bùi Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại một diễn đàn kinh tế ở Hà Nội vào ngày 17/12 vừa qua, Việt Nam sẽ đấu tranh để kiểm soát lạm phát trong năm tới.
Trước đó, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, là điểm sáng kinh tế của khu vực châu Á.
Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động, tương đương 8.083 USD, tăng 622 USD so với năm 2021.