(QNO) - Sáng nay 15.15, bão số 11 đổ bộ vào đất liền đã khiến hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, nhiều tàu thuyền của ngư dân bị chìm, cây cối ngã đổ hàng loạt, có ít nhất 4 người chết trong bão... Đó là Đã có nhiều nhà dân bị sập hoàn toàn, hàng chục căn nhà khác bị tốc mái tại xã Điện Dương (H.Điện Bàn) khi bão Nari đổ bộ vào rạng sáng 15.10.
Hội An: Ước thiệt hại ít nhất 42 tỷ đồng
* Tính đến 15 giờ chiều nay 15.10, theo thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 11 của Ban PCBL TP.Hội An cho biết chưa có thiệt hại về người. Có 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 5 cửa hàng buôn bán và 13 trại nuôi tôm, gần 1.300 nhà bị tốc mái, cùng 58 phòng học. Sóng lớn làm chìm 12 tàu thuyền các loại, và 25 bè cá. Sóng lớn cũng đánh vỡ và cuốn trôi hệ thống kè biển tại thôn Bãi Làng xã đảo Tân Hiệp và gần hơn 900m đê biển Cửa Đại.
Tối 15.10, tại Hội An mực nước lũ đang ở mức báo động II và tiếp tục lên, UBND thành phố đã chỉ đạo cho 8 xã, phường ven sông di dời cục bộ tại chỗ. (MINH HẢI)
* Tối nay 15.10, lãnh đạo Văn phòng UBND huyện Hiệp Đức cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trong cơn bão số 11 toàn huyện có 7 ngôi nhà bị sập, 2.495 ngôi nhà khác bị tốc mái và nhiều trường học, cơ quan, công sở bị hư hỏng nặng. Về nông nghiệp, có 178ha cao su, 474ha keo lai, 2 nghìn cây ăn quả các loại bị gãy đổ nghiêm trọng. Ngoài ra, tại nhiều địa phương còn có 90ha khoai, sắn chưa thu hoạch bị ngập úng, 1 tấn lúa bị ướt, hơn 600 con gia súc, gia cầm bị chết. Bão lũ cũng đã làm một số tuyến giao thông huyết mạch bị sạt lở nặng với tổng khối lượng 2 nghìn mét khối đất đá.
Ước tổng giá trị thiệt hại mà cơn bão số 11 gây ra cho chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp ở huyện Hiệp Đức ít nhất 42 tỷ đồng.(VĂN SỰ)
* Ngành điện thiệt hại hơn 5,7 tỷ đồng
Theo báo cáo nhanh của Công ty Điện lực Quảng Nam, tính đến 15 giờ chiều ngày 15.10, thiệt hại ban đầu do bão Nari gây ra đối với hệ thống điện ước tính khoảng trên 5,7 tỷ đồng (chưa tính sản lượng điện).
Cán bộ nhân viên Công ty Điện lực Quảng Nam khắc phục sự cố lưới điện ngay sau bão số 11. Ảnh: P.GIANG |
Tổng số TBA phụ tải khôi phục cung cấp điện trở lại vào thời điểm trên là 67 trạm, với công suất toàn hệ thống khôi phục được khoảng 15MW. Hiện nay, Công ty chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tập trung kiểm tra các đường dây và TBA phụ tải cấp điện cho các khu vực trung tâm huyện, các phụ tải ưu tiên như Bệnh viện, Nhà máy nước… Dự kiến, trong ngày hôm nay sẽ khôi phục cấp điện các trung tâm huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, và TP.Hội An.
Cụ thể, đã có 58 trụ điện thuộc dường dây 22kV bị ngã đổ, nghiêng 3 TBA, đứt dây trung thế, cong xà, vỡ sứ nhiều vị trí; ngã, gãy 69 trụ điện hạ thế. Riêng công suất và sản lượng mất đến 15 giờ ngày 15.10.2013 là 1,8 triệu kWh. (PHƯƠNG GIANG)
Trụ ăng ten trạm phát sóng của VNPT tại xã Duy Hải gãy sập xuống trường mẫu giáo và nhà dân, rất may không có thiệt hại về người. Ảnh: TẤN CHÂU |
* Tiên Phước: ước tính thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng
Sau khi cơn bão số 11 đi qua vào đêm 14 rạng sáng 15.10, hậu quả cơn bão gây ra tại huyện Tiên Phước khá nặng nề. Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Tiên Phước, bão số 11 đã khiến 3 người dân bị thương, 30 ngôi nhà bị sập, hơn 1.500 ngôi nhà bị tốc mái, ngầm sông Tiên bị hư hỏng hoàn toàn, trạm y tế xã Tiên Lãnh bị sập gây hư hại 100%, toàn bộ thuốc men bị ướt, hỏng, hiện không có chỗ để cấp cứu ban đầu cho người dân của xã Tiên Lãnh; trạm y tế các xã Tiên Sơn, Tiên Thọ, Tiên Hà bị hư hỏng tường rào, bay mái tôn.
Toàn huyện có 10 ngôi trường bị tốc mái 50%, điểm giết mô gia súc tập trung của huyện bị tốc mái 50%; 218 đập bổi, đập thời vụ và hơn 22 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, đường tránh Nam Quảng Nam nhiều đoạn bị sạt lở. Đặc biệt, những khu vườn có giá trị kinh tế cao của người dân bị ngã đổ, gây thiệt hại nặng nề vì hầu hết là những loại cây có giá trị. Toàn huyện có hơn 2.200 ha keo, hơn 2.000 cây cau, 2.500 cây lòn bon, gần 7.000 cây dó bầu, 1.200 choái tiêu, hơn 60.000 cây chuối bị gãy, đổ, trốc gốc. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 120 tỷ đồng.
Trong buổi sáng ngày 15.10, hàng loạt cây cối ngã đổ ngang đường đã được người dân và lực lượng thanh niên, dân quân các xã ra quân dọn dẹp để thông thương các tuyến đường liên xã. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão của huyện Tiên Phước đã đi kiểm tra thiệt hại ban đầu tại các địa phương, và trực báo các ngành, nhằm giúp nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra. (D.LỆ)
* Trưa 15.10, phóng viên Báo Quảng Nam có mặt tại thôn Quảng Gia, xã Điện Dương, dù tâm bão đã đi qua nhưng gió vẫn rít giật mạnh, tôn, ngói của nhà dân bị gió giật bung, vương vãi khắp hai bên đường. Nhiều người dân vẫn trú ẩn tại các trường học, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã, chỉ có một số ít trở về nhà để thu dọn đống đổ nát.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn 315, QK5 giúp dân thu dọn đồ đạc sau bão. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Dù đã được thông báo từ 2 giờ chiều hôm trước, ông A Tân (42 tuổi), trú tại thôn Quảng Gia vẫn không kịp di dời đồ đạc để trong nhà. “Gió lớn, nhìn ra thấy toàn bộ mái tôn bị dỡ bung mà không dám ra, khoảng 5 giờ sáng thì cả căn nhà bị giật sập”, ông Tân kể. Xe đạp, xe máy, nhiều vật dụng trong nhà a Tân bị vùi lấp dưới đống gạch vụn. Bên kia đường, những tấm tôn lợp nằm ngổn ngang do gió cuốn. Chỉ riêng thôn Quảng Gia, đã có hàng chục nhà dân bị tốc mái, nhiều nhà sập hoàn toàn.
Bà Đinh Thị Năm (thôn Hà My Đông B) cố gắng nhặt nhạnh những vật dụng còn sót lại sau trận bão. Ảnh:THÀNH CÔNG |
Dọc theo tuyến đường ven biển thuộc xã Điện Dương, cây bị quật gãy, tường rào đổ sập, nhiều người dân vẫn phải tất tả thu dọn đồ đạc từ trong đống đổ nát. Bà Đinh Thị Năm (50 tuổi), người dân thôn Hà My Đông B gồng mình dỡ từng mảng bê tông, nhặt nhạnh những đồ đạc hiếm hoi còn sót lại do bức tường bị đổ sập vào rạng sáng. “May mà tui nhanh chân chạy, chứ không thì bị gạch đá đè rồi”, bà Năm nói, trên mặt vẫn chưa hết bàng hoàng.
Hội An hoang tàn sau bão. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Tại Hội An, đường phố như vừa trải qua một trận bom. Cây cối ngã đổ, cành lá phủ kín mặt đường. Khu vực phố cổ dọc đường Bạch Đằng nước vẫn ngập sâu. Những chiếc đèn lồng tả tơi nằm vương vất khắp nơi. Cả thành phố bị mất điện. Trong khuôn viên các trụ sở, trường học, cành lá phủ kín mặt sân. Cột đèn, cột tên đường, bảng hiệu đổ gãy khắp nơi. Từng đợt sóng lớn đánh mạnh vào Cửa Đại, có nơi cột sóng cao đến vài mét. 150 chiến sĩ của Tiểu đoàn 143, Sư đoàn 315, Quân khu 5 tất tả giúp dân thu dọn nhà cửa, khiêng cát gia cố đê biển. Chiều 15.10, mưa đã ngớt nhưng gió vẫn thổi rất mạnh, người dân hầu như không ra khỏi nhà sau bão. Phía sông Hoài, nước lũ đang có xu hướng lên chậm.
* Đã có 20 nhà dân tại thôn Phú Son, xã Ba, huyện Đông Giang bị tốc mái hoàn toàn, toàn bộ người dân hai thôn Phú Son và Dốc Kiền được sơ tán khẩn cấp tránh trú bão từ rạng sáng 15.10. Đến thời điểm hiện tại, xã Cà Dăng (Đông Giang) vẫn bị cô lập. Mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt. Bước đầu chưa thống kê được con số thiệt hại.những thiệt hại đầu tiên mà phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận được cho đến giờ phút này. (THÀNH CÔNG)
Nông Sơn: nhiều nơi bị cô lập
Bão số 11 gây gió mạnh tại Nông Sơn làm 1 người chết, 1 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, mạng lưới điện bị gãy đổ, thông tin liên lạc chập chờn và nhiều tuyến đường bị cô lập.
Đường ĐT611 qua đèo Le bị sạt lỡ nghiêm trọng đang được sửa chữa. Ảnh: DUY THÁI |
Chiều 15.10, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng ban PCLB huyện Nông Sơn xác nhận, 1 học sinh lớp 3 trường tiểu học Phước Ninh thiệt mạng và người chị bị thương nặng do sạt lỡ đất. Hiện tất cả địa phương trong huyện đã bị nước lũ, và cây ngã đổ cô lập hoàn toàn. Hiện thống điện, thông tin bị tê liệt.
Đường ĐT611 từ Quế Sơn lên Nông Sơn qua đoạn đèo Le bị sạt lỡ nghiêm trọng gây rất nhiều nguy hiểm cho người qua lại, hàng trăm héc ta keo lá tràm gãy đổ và ngã ra đường. Rất nhiều cán bộ, lực lượng xung kích huyện Nông Sơn và 18 công nhân xí nghiệp sửa chữa quốc lộ 14E tham gia dọn dẹp, giải phóng cây ngã đổ nhưng đến nay vẫn chưa thông xe. Đoạn đường từ xã Quế Lộc lên trung tâm huyện bị nước lũ chia cắt.
Cán bộ huyện Nông Sơn dọn đường và khiên xe giúp người dân qua lại. Ảnh: DUY THÁI |
Ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch huyện Nông Sơn cho biết, đến nay do nhiều địa phương trong huyện bị chia tách, không có tín hiệu liên lạc nên chưa tổng hợp được mức độ thiệt hại. Riêng tại xã Quế Lộc và Sơn Viên hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, cây ngã đổ đè nhà cửa, hoa màu bị ngập úng.
Từ sáng sớm ngày 15.10 tất cả lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống các thôn, xã chỉ đạo khắc phục hậu quả, thành lập nhiều đoàn phối hợp với quân đội, công an và lực lượng xung kích địa phương tiến hành dọn dẹp cây cối để thông đường, ổn định đời sống người dân. (DUY THÁI)
* Phú Ninh: hơn 1.450ha rừng trồng cây lâm nghiệp bị ngã đổ
Theo BCH Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) huyện Phú Ninh, tính đến 11 giờ ngày 15.10 trên địa bàn huyện có 11 phòng học bị tốc mái, hư hỏng và ngã đổ 105m tường rào trường học. Về giao thông: cầu Bằng Lăng - Tam Lộc bị hư hỏng, cây cối ngã đổ gây ách tắc giao thông tại các tuyến Tam Dân - Tam Lãnh, đường ĐT615, ĐT616 và sạt lở 3.000m3 đường. Ước tính, thiệt hại về sản xuất là khá lớn: 1.450ha rừng trồng cây lâm nghiệp bị ngã đổ hoàn toàn, hơn 675ha rau, ngô, khoai lang và sắn bị ngập nước, hư hại. Hàng loạt các hệ thống điện sinh hoạt bị ngã đổ, làm mất điện từ tối 14.10 và đến nay chưa khắc phục được. Có 11 nhà dân bị sập, tốc mái 436 nhà.
Nhiều nhà dân ở Phú Ninh bị tốc mái. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Ghi nhận tại hiện trường, ngôi nhà của bà Huỳnh Thị Tân (tổ 3, Phú Mỹ, Tam Đàn) bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng 100% và sập hoàn toàn ngôi nhà kho. Bà Tân cho hay: “Khoảng 2 giờ sáng thì gió thổi bật cửa sắt (cửa chính) của nhà tôi rồi hất tung mái tôn ngôi nhà đi. Đồ đạt trong nhà bị hư hỏng hoàn toàn”.
Gió bão đẩy tung cánh cửa sắt của bà huỳnh Thị Tân, Phú Ninh. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Đến 10 giờ trưa ngày 15.10 các tuyến giao thông quan trọng tại Phú Ninh đã thông suốt khi chính quyền và người dân đã dọn dẹp các cây ngã đổ. Các hộ dân cũng đã bắt đầu khắc phục hư hỏng nhà cửa do ảnh hưởng của bão. Ông Nguyễn Hữu Bình - Chánh văn phòng UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Ngay trong buổi sáng 15.10 các thành viên đứng điểm của BCH PCLB của huyện đã báo cáo nhanh thiệt hại tại các địa phương và triển khai thực hiện khắc phục tạm thời sự cố do bão gây ra, ổ định nơi ăn chốn ở cho nhân dân. Chính quyền các xã, thị trấn cũng đã huy động lực lượng khắc phục đường sá bị hư hỏng, thu dọn, sửa chữa các hệ thống điện… Chiều nay, UBND huyện sẽ tổ chức họp BCH PCLB để có phương án khắc phục hậu quả của cơn bão số 11”. Cũng theo ông Bình, tuy tình hình mưa gió trên địa bàn không còn diễn biến phức tạp nhưng BCH PCLB huyện cũng sẽ tiếp tục theo dõi, tránh các sự cố do lũ lụt tại các khu vực ven sông suối trên địa bàn huyện.(ĐOÀN ĐẠO)
* Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCGNTT&TKCN) huyện Bắc Trà My, toàn huyện đã có 14 nhà dân bị tốc mái, hàng trăm cây cối, cây ăn trái bị gãy đỗ. Trong đó, có 8 căn nhà tại các thôn Định Yên, Thanh Trước xã Trà Đông và thôn 1, thôn 4 xã Trà Nú bị tốc mái hoàn toàn. Nặng nhất là hộ ông Bùi Văn Xướng, tại thôn Định Yên, căn nhà cấp bốn lợp tôn bị bay sạch vào lúc ba giờ sáng, gia đình lâm vào cảnh màn trời chiều đất, toàn bộ gần 1 tấn lúa vừa mới thu hoạch phơi khô và tất cả các đồ dùng trong gia gia đình bị dầm nước mưa. Lực lượng xung kích xã Trà Đông đã ra quân giúp gia đình ông Xướng vận chuyển, di dời tài sản đến nơi khô ráo. Ngay trong sáng 15.10, Ban Chỉ huy phòng chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Trà My đã đến tận từng nhà dân bị tốc mái, kiểm tra thực tế, thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại. Theo ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Trà My, trước mắt huyện hỗ trợ mỗi hộ bị tốc mái hoàn toàn 3 triệu đồng để khắc phục tạm; đối với những hộ bị tốc mái một phần, huyện giao cho địa phương rà soát và sẽ có biện pháp hỗ trợ hợp lý theo mức độ thiệt hại.
Lượng mưa trong đêm 14 và ngày 15.10 có tăng, song không gây ngập lụt, chia cắt kéo dài như đợt mưa lũ hồi đầu tháng 10. Tại thủy điện Sông Tranh 2, lúc đầu giờ chiều nay 15.10, lượng nước đổ về hồ chứa trên 1.500m3/s, mực nước hồ chứa ở mấp mé cửa xả tràn (cao trình 161m). Tính đến hết ngày 15.10, điện lưới và các mạng di động Vina, Mobie phone tại Bắc Trà My vẫn chưa hoạt động trở lại.(VĂN BÌNH)
* 9 giờ sáng 14.10, tuyến đường Nam Quảng Nam từ xã Tam Phú lên nội thị Tam Kỳ hầu như bị ách tắc do cây cối đổ ngã ngổn ngang ra lòng đường. Tại các thôn Tân Phú, Phú Đông, Phú Thạnh, Phú Quý (xã Tam Phú), hàng trăm cây trụ điện đổ ngã, kéo theo đường dây điện bị cắt đứt vướng trên các thân cây và các đường giao thông liên xã, liên thôn. Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm, chính quyền xã Tam Phú đã huy động lực lượng công an, dân phòng phối hợp với hàng chục thanh niên địa phương dùng cưa tay dọn dẹp cây đổ ngã ra đường.
Xe chuyên dụng của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Quảng Nam thu dọn cây cối đổ ngả trên đường phố. Ảnh: H.PHÚC |
Đến 10 giờ sáng nay, đường Nam Quảng Nam qua địa bàn Tam Kỳ mới thông suốt trở lại. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường thảm nhựa về các thôn Phú Đông, Tân Phú - xã Tam Phú cây đổ ngã chằng chịt qua đường, song việc khắc phục đang gặp khó khăn, do số lượng cây nhiều và người dân thiếu phương tiện cưa cắt. Đường từ các địa phương này lên nội thị Tam Kỳ vẫn bị tắc trách đến trưa nay. Báo cáo ban đầu của UBND xã Tam Phú cho biết, bão số 11 đã làm tốc mái 122 nhà, 3 nhà bị sụp hoàn toàn, hơn 40 ghe thuyền đánh bắt của ngư dân bị đắm chìm và hư hại. Ngoài ra, có khoảng 3ha nuôi thả tôm của 9 hộ dân cũng bị nước cuốn trôi.
Trong khi đó, dù nằm ở “họng gió” nhưng do chủ động ứng phó, chằng chống nhà cửa trước khi bão đến nên xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) thiệt hại không đáng kể. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh thông tin, có hơn 80 ngôi nhà bị tốc mái một phần và 14 nhà tốc mái toàn bộ. Đáng nói, hầu hết nhà hư hỏng nặng là do người dân chủ quan không tổ chức chằng chống. “Sức gió bão có thời điểm lên cấp 13 cực mạnh nhưng điều đáng mừng là thiệt hại của địa phương không lớn” - ông Lâm nói.
Lực lượng chức năng xã Tam Phú giải tỏa cây cối đổ ngã trên đường Nam Quảng Nam. |
Mưa bão cũng làm đổ gãy một cột điện hạ thế trên đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ.
Hiện, chưa có thống kê chính thức nào về thiệt hại của cây cao su nhưng ở nhiều vùng trồng cao su trong tỉnh, cây đổ gãy hàng loạt. Có mặt tại Nông trường Cao su Đức Phú (Núi Thành) vào sáng 15.10, chúng tôi ghi nhận sức tàn phá của bão số 11 với cây cao su rất nghiêm trọng. Sáng sớm, bất chấp cơn bão đang “lại nờm”, hàng chục công nhân của nông trường vẫn khẩn trương dùng dây chằng chống, dựng lại những cây cao su bị ngã nghiêng do bứng gốc. Ông Dương Phú Tân - Giám đốc Nông trường Cao su Đức Phú (Núi Thành) cho biết, nông trường đang kiểm đếm số cây hư hại nên chưa có con số chính xác. Tuy vậy, theo nhẩm tính ít nhất có hơn 200ha trong tổng số 1.000ha cây cao su của nông trường bị ảnh hưởng nặng do bão gây ra. Trong đó có hàng chục héc ta trong độ tuổi khai thác. “Nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là khắc phục hậu quả. Cây nào có thể cứu sống được thì triển khai dùng dây níu lại, còn bị đổ gãy thân cây thì chặt bỏ lấy củi” – ông Tân nói.
Hiện trường cây cao su đổ gãy tại Nông trường Cao su Đức Phú. Ảnh: H.PHÚC |
Theo Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam, cơn bão số 11 này đã gây ảnh hưởng cả nghìn héc ta cao su đang trồng ở các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Núi Thành và Nông Sơn. Thiệt hại nghiêm trọng nhất vẫn là cây trong độ tuổi khai thác. (H.PHÚC)
* Đêm qua và rạng sáng nay (15.10), bão số 11 đã gây gió to và mưa lớn trên địa bàn Đại Lộc. Khi đổ bộ vào đất liền, gió kéo dài nhiều giờ liền đã gây thiệt hại rất lớn cho địa phương. Ông Phạm Thúy - Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Đại Lộc cho biết, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức, song bão số 11 đã làm tốc mái, khiến hàng nghìn ngôi nhà hư hỏng, cây cối gãy đổ nằm la liệt. Mạng viễn thông bị ảnh hưởng làm cho thông tin liên lạc luôn trong tình trạng chập chờn; trong đó, một số trụ ăng ten thu sóng Viettel ngã đổ. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, công sở…bị hư hỏng. Khoảng 600ha chuối bị ngã đổ, hư hại. Rạng sáng ngày 15.10, trên địa bàn huyện mất điện. Trưởng Đài truyền thanh - truyền hình Đại Lộc, ông Nguyễn Hùng Ánh cho hay, bão mạnh đã làm ngã sập trụ ăng ten cao 40m của đơn vị. Các thiết bị ăng ten phát hình và sóng phát thanh FM hư hỏng hoàn toàn, ước tính thiệt hại 1 tỷ đồng. Các trạm truyền thanh cơ sở bị đứt 15km dây, 1 trụ ăng ten tại xã Đại Hồng ngã đổ, 85 loa phát thanh và 35 bộ thu FM hư hỏng có giá trị khoảng 400 triệu đồng. Đi khảo sát thực tế sau bão, chúng tôi nhận thấy cảnh hỗn độn, xơ xác do bão gây ra hiện rõ nơi nhiều hộ gia đình, tổ dân cư, khắp đường làng, ngõ xóm. Nhà bà Phạm Thị Xuân ở thôn Mỹ Liên (xã Đại Nghĩa) bị tốc mái, chỉ còn 4 bức tường trống trơn. Bà cho biết: “Lúc đó khoảng 5 giờ rưỡi sáng, tôi nghe một tiếng rào liền vội nhìn lên thì thấy mấy cây đòn tay “cõng” theo mái tôn bay qua sân nhà hàng xóm. Không còn vật che chắn, vật dụng trong nhà ướt hết. Chỗ để gia đình tôi thờ ông bà, người chú chồng là liệt sĩ đẫm nước mưa”. Sống cảnh đơn chiếc, bà Trương Thị Tám (trú thôn Mỹ Liên) nước mắt chảy dài than rằng, đang nửa đêm thì mấy tấm tôn bị gió bão xé toang và cuốn bay đi. Không biết đến bao giờ, mái ấm của bà mới được sửa chữa lại. Tại các vùng trồng chuối nổi tiếng của thị trấn Ái Nghĩa, nhiều bà con nông dân thẫn thờ không nói nên lời khi trông thấy cảnh tượng gần 100% diện tích cây bị gãy ngã. Nhìn ruộng chuối gần 1ha của gia đình mình nằm la liệt dưới nước, lão nông Dương Văn Bảo khổ tâm nói: “Cây mẹ, cây con bị hư hại hết rồi. Thời gian tới đây, vợ chồng tôi lấy chi bán kiếm tiền để nuôi con đang ăn học”. Theo ông Phạm Thúy, trước mắt, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện Đại Lộc đang chỉ đạo cho các địa phương khẩn trương vừa thống kê thiệt hại, vừa vận động nhân dân sửa sang lại nhà cửa để tránh bị dột ướt. Đồng thời, các xã, thị trấn tiếp tục khảo sát để di dời hộ dân nào có nguy cơ bị đe dọa bởi lũ lụt. Trước đó, vào lúc 17 giờ chiều ngày 14.10, toàn huyện đã tổ chức sơ tán, di dời 916 hộ dân với 2.750 nhân khẩu đến nơi ở an toàn, tránh xa vùng có nguy cơ cao bị sạt lở núi, sạt lở ven sông và vùng thấp lụt. Trong lúc nguy cấp, huyện đã trích 1 tấn gạo cho Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc để hỗ trợ bữa ăn cho bệnh nhân và người nhà đang ở tại bệnh viện. Gánh chịu hậu quả nặng nề do bão số 11 gây ra, trong trạng thái mệt mỏi và chán chường, người dân Đại Lộc nói riêng lại phải gồng mình chuẩn bị đối phó với lũ lụt đang cận kề. Theo thông tin chúng tôi nhận được, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đo được là 8,61m, dưới mức báo động 3 là 0,39m và sẽ vượt báo động 3 ngay trong đêm nay. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến thời điểm này, nước lụt đã băng qua qua khu vực cầu Gò Quan Âm (Đại Quang - Đại Nghĩa), cầu Ba Khe (Đại Lãnh) trên tuyến ĐT609; cầu Ngoại Thương, đường nội thị thị trấn Ái Nghĩa; cầu Lừ trên tuyến ĐH3 (xã Đại Phong)… (CÔNG TÚ) * Sáng nay 15.10, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - Bùi Quốc Đinh và Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Nguyễn Văn Lúa đã xuống Đồn Biên phòng Tam Thanh để động viên, thăm hỏi người dân đang sơ tán tới tránh bão tại Đồn. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Thanh - Đại úy Đinh Ngọc Anh cho biết từ chiều qua đến sáng nay, công tác chăm lo sức khỏe, ăn uống cho người dân được đảm bảo; đến 9 giờ sáng nay, người dân đã về lại nhà để dọn dẹp nhà cửa. Địa phương đã làm tốt công tác sơ tán nên không để xảy ra sự cố nào. Theo thống kê của Đồn Biên phòng Tam Thanh, đến 10 giờ sáng nay, 3 địa phương thuộc Đồn quản lý có 133 căn nhà bị tốc mái: xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) là 103 nhà, xã Tam Hòa (Núi Thành) là 13 nhà, Tam Tiến (Núi Thành) là 17 nhà, trong đó có 48 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn; có 20 chiếc ghe máy bị đánh chìm. Ngay sớm sáng nay, Đồn Biên phòng Tam Thanh đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ xuống giúp dân khắc phục sơ bộ, dọn dẹp cây ngã đổ. Trưa nay, xã Tam Thanh đã thông xe, Tam Hòa và Tam Tiến đang được chính quyền địa phương cùng bộ đội khẩn trương dọn dẹp cây cối để phục vụ đi lại. (VĂN HÀO) * Lúc 13 giờ chiều nay 15.10, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Duy Phúc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam cho biết: theo thống kê ban đầu, hiện trên địa bàn huyện Hiệp Đức và Núi Thành đã có hơn 200 ha cao su đại điền của đơn vị này bị bão quật trốc gốc, gãy thân. Trong đó, khoảng 100 ha đã và đang bước vào thời kỳ khai thác mủ. Ông Phúc nói: “Với số diện tích cao su bị gãy đổ vừa nêu thì ước tính tổng giá trị thiệt hại không dưới 30 tỷ đồng”. Trong khi đó, tại Thăng Bình, theo ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện thì tại các xã Bình Quế, Bình Phú, Bình Trị cũng có khoảng 30-40 ha cao su tiểu điền của hàng trăm hộ dân bị trốc gốc, gãy thân trước sự hoành hành dữ dội của cơn bão số 11. (VĂN SỰ) * Cho đến 10 sáng nay, những thiệt hại do bão số 11 chưa thể thống kê được. Dù bão tan, gió vẫn còn giật mạnh, khiến nhà cửa, cây cối bị bão vùi dập, thêm triều cường dân cao thành lũ. Hệ thống điện bị tê liệt hoàn toàn. (MINH HẢI) * Đến 9 giờ 30 phút sáng, tuyến đường ĐH3 từ xã Tam Anh Nam đi các xã Tam Sơn, Tam Trà của huyện Núi Thành giao thông vẫn còn ách tắc để chờ lực lượng xã đội địa phương chặt hạ, dọn dẹp để khai thông. Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Ban PCLB huyện Núi Thành cho biết: “Địa phương ưu tiên tập trung cho công tác giúp các hộ dân có nhà bị sập, tốc mái ổn định cuộc sống, bảo vệ tài sản. Đồng thời, tiếp tục triển khai các phương án di dời người dân ở các địa điểm xung yếu, có nguy cơ cao về ngập lụt cục bộ, gây chia cắt, chế đến mức thấp nhất các tổn thất do bão gây ra”. Trước đó, vào ngày 14.10, trong khi chằng chống nhà cửa, hộ ông Đặng Văn Nam (thôn Tiên Xuân 1, Tam Anh Nam) đã bị ngã té, chấn thương sọ não, ông Nguyễn Văn Mười (khối 7, thị trấn Núi Thành) bị ngã đa chấn thương vùng đầu phải đưa đi cấp cứu. (NGUYỄN ĐOAN) * Từ 11 giờ đêm qua 14.10, trên địa bàn các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn đã có mưa to kèm theo gió mạnh, giật cấp 11, cấp 12, cao điểm là trong khoảng thời gian từ 3 giờ sáng nay 15.10 đến 6 giờ và từ 7 giờ đến 9 giờ 30, khiến hàng chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập, nhiều cây xanh nằm dọc hai bên quốc lộ 1, các trục đường ĐT 610, ĐT 611 bị ngã đổ, khiến giao thông đi lại hết sức khó khăn, đặc biệt một số đường dây điện cũng đã bị đứt do cây cối ngã đổi. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông tỉnh huy động lực lượng túc trực thường xuyên trên các tuyến đường, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phan Thanh Hồng - Đội trưởng đội tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Phòng cảnh sát giao thông tỉnh cho biết, từ đêm qua đến sáng nay 15.10, đơn vị huy động hơn 50 cán bộ, chiến sĩ và chia làm nhiều đội dùng cưa máy cưa các cây cối ngã đổ, đảm bảo thông các tuyến đường. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Quế Sơn đến 9 giờ sáng nay 15.10 gió vẫn còn rất mạnh, người dân vẫn đóng kín cửa ở trong nhà tránh trú bão. Bão số 11 đã làm 5 người bị thương, gần 400 căn nhà bị tốc mái, cây cối ngã đổ và hàng ngàn hecta hoa màu bị ngập úng. Ban PCLB huyện đã chỉ đạo các địa phương di dời 887 hộ dân với 3111 nhân khẩu ở lưu vực sông Ly Ly và sông Bà Rén đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Văn Chín – Phó Ban trực phòng chống lụt bão huyện Quế Sơn cho biết, bão làm 5 người bị thương gồm 2 người ở Hương An, 1 người ở Quế Hiệp và 2 người ở xã Quế Long, 350 căn nhà bị tốc mái. Quế Sơn còn 1.800ha sắn và 500ha khoai lang chưa thu hoạch nhưng phần lớn đã bị hư hại, ngập úng. Hệ thống điện cáp quang và điện thoại không thể kết nối được. Trường tiểu học Quế Hiệp bị tốc mái 2 phòng học và hàng ngàn ha cây cối bị ngã đổ. Các hồ chứa trên địa bàn an toàn riêng đập An Long vượt tràn 20cm đang gây lo ngại. Hầu hết các đường giao thông nông thôn bị cây ngã đổ không lưu thông được. Trước tình hình đó ngay từ 4 giờ sáng lực lượng công an, quân đội, và các lực lượng xung kích của các xã đã ra quân dọn dẹp cây cối ngã đổ, giúp người dân chống đỡ, để sớm ổn định tình hình. NGUYỄN ĐOAN - VĂN SỰ - PHI THÀNH - DUY THÁIBà Xuân với nơi thờ bị ướt đẫm. Ảnh: CÔNG TÚ Hàng trăm ha chuối bị gãy đổ. Ảnh: CÔNG TÚ Nhà cụ Võ Thị Châu (83 tuổi, thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh) bị tốc mái hoàn toàn. Ảnh: VĂN HÀO Những mái nhà của người dân ở Hội An bị bão tốc mái. Ảnh: MINH HẢI