Được xem là bảo tàng tư nhân lớn nhất ở Quảng Nam, Bảo tàng Văn hóa Chăm - Óc Eo (xã Tam Nghĩa, Núi Thành) từng được kỳ vọng là điểm nhấn trên tuyến du lịch ven biển của huyện Núi Thành. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm đưa vào khai thác, thực tế chỉ là sự hoang tàn, hiu hắt.
Hiện vật tại Bảo tàng Chăm - Óc Eo chủ yếu là phiên bản và trưng bày lộn xộn. |
BẢO tàng văn hóa Chăm - Óc Eo nằm trong Khu liên hợp resort Thiên Đàng - Chu Lai - Phi Trường gồm hai tầng, bên trong trưng bày hàng trăm hiện vật các loại, chủ yếu thuộc thời kỳ văn hóa Champa như tượng thần siva, makera, ganesa, ngẫu tượng linga - yoni… bằng chất liệu sa thạch, gốm, kim loại. Đập vào mắt du khách khi bước chân vào bảo tàng là tượng quái vật makara được sơn son thếp vàng nằm chễm chệ chính giữa, xung quanh là 4 tượng bò thần nandin cũng được sơn son thếp vàng, còn bên dưới là các… cối xay bằng đá. Đi sâu vào bên trong, sự lộn xộn càng được thể hiện rõ nét thông qua cách thức trưng bày, nhất là sự hoài nghi về số lượng hiện vật gốc. Theo lời của nhân viên thuyết minh nơi đây, tất cả hiện vật tại Bảo tàng Văn hóa Chăm- Óc Eo đều là nguyên gốc, tuy nhiên, chỉ cần để ý du khách sẽ dễ dàng nhận thấy sự thô cứng, vụng về trong từng đường nét điêu khắc cũng như kích thước bất hợp lý của những hiện vật là ngẫu tượng hay các tượng thần Ấn Độ giáo đang được trưng bày dày đặc tại 2 tầng.
Mới đây, trong chuyến khảo sát tuyến điểm du lịch các huyện phía nam của tỉnh do Sở VH-TT&DL tổ chức, hầu hết doanh nghiệp du lịch đều phản ứng bất bình với các hiện vật “nhái” này khi được đưa đến tham quan. Ông Nguyễn Phái - Câu lạc bộ Hướng dẫn du lịch Đà Nẵng nhận xét, bảo tàng là sự tổng hợp của những lộn xộn và không thật nên chỉ phù hợp minh họa cho việc học của học sinh chứ không thể là một điểm đến du lịch được. “Du khách không thể bỏ tiền và thời gian để đến đây xem đồ giả”- ông Phái nói. Theo ông Phạm Văn Quyện - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, sẽ không ai đem hiện vật gốc ra trưng bày, trừ các yêu cầu đặc biệt, còn hiện vật tại Bảo tàng Văn hóa Chăm - Óc Eo là gốc hay phiên bản phải có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn, huyện không có chức năng. Tuy vậy, từ khi trưng bày đến nay, hầu như không có cơ quan chuyên môn nào của tỉnh đến thẩm định. “Tôi nghĩ Sở VH-TT&DL cần kiểm tra xem bảo tàng có đáp ứng các tiêu chuẩn quy định hay chỉ là kho chứa đồ, chứ không thể lập lờ như hiện nay, tránh gây hiểu nhầm cho người dân và du khách khi đến tham quan” - ông Quyện kiến nghị.
Thực tế, việc trưng bày hiện vật phiên bản không chỉ xuất hiện tại Bảo tàng Văn hóa Chăm - Óc Eo mà còn xuất hiện tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên, khi số lượng hiện vật được trưng bày nơi đây chiếm khoảng 1/12 trong tổng số hơn 200 hiện vật. Tuy nhiên, do ghi bên dưới là hiện vật phiên bản nên du khách dễ dàng chấp nhận. Theo ông Trần Văn Đức - Phó Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản hiện vật (Bảo tàng Quảng Nam), việc trưng bày hiện vật phiên bản vẫn được Luật Di sản cho phép nhưng chỉ đối với các hiện vật quý hiếm, dễ hư hại nhằm giữ lại các hiện vật độc bản, chống mất mát hoặc minh họa cho một hiện vật gốc đã từng hiện diện nhưng đã không còn nhưng phải có chú thích rõ ràng phía dưới. Riêng việc lập lờ giữa thật và giả như các hiện vật tại bảo tàng Văn hóa Chăm - Óc Eo dễ gợi cho du khách cảm giác bị lừa dối. “Hiện vật đang trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Chăm - Óc Eo phần lớn là đồ giả” - ông Đức khẳng định.
Dù không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự hiu hắt của bảo tàng nhưng điều đó cũng phần nào giải thích lý do vì sao các công ty du lịch không mặn mà đưa khách đến dù nơi đây đã từng được kỳ vọng rất nhiều. Đặc biệt, về mặt thẩm mỹ, sự trưng bày các hiện vật “nhái” tại Bảo tàng Văn hóa Chăm - Óc Eo mà không chú thích rõ ràng, vô tình sẽ tạo cho du khách và người xem những cảm nhận mơ hồ và không chính xác về giá trị nghệ thuật điêu khắc Chăm cũng như nền văn hóa Champa đã từng hiện diện trên dải đất miền Trung trong hơn nghìn năm lịch sử.
VĨNH LỘC