Bảo tàng Quảng Nam: Bao giờ được đánh thức?

LÊ QUÂN 18/08/2015 08:49

Khánh thành đã gần 5 tháng, nhưng đến nay Bảo tàng Quảng Nam vẫn chưa chính thức bàn giao, công trình chưa được nghiệm thu… Làm cách nào để bảo tàng thật sự trở thành điểm nhấn văn hóa của một thành phố trẻ?

Bảo tàng tỉnh với cơ ngơi bề thế nhưng hiện vật trưng bày bên trong rất ít. Ảnh LÊ QUÂN
Bảo tàng tỉnh với cơ ngơi bề thế nhưng hiện vật trưng bày bên trong rất ít. Ảnh LÊ QUÂN

Chờ hoàn thiện

Cuối tháng 3.2015, Bảo tàng Quảng Nam tổ chức lễ khánh thành nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng quê hương (24.3.1975 - 24.3.2015). Đây là công trình công cộng cấp 1, nhà 3 tầng, có tổng diện tích sàn xây dựng hơn 7.300m2. Khu trưng bày ngoài trời có diện tích 1.305m2; vườn tượng danh nhân 1.004m2; khu phục dựng kiến trúc truyền thống một số dân tộc ở Quảng Nam 2.164m2; bồn hoa cây cảnh 4.619m2... Công trình được xây dựng với kinh phí hơn 65 tỷ đồng. Tuy nằm trên khu “đất vàng” với mặt tiền đường Phan Bội Châu, nhưng từ khi khánh thành đến nay, lượng khách đến với bảo tàng vẫn rất ít. Một nữ cán bộ ở đây cho biết vào mùa dạy học thì lâu lâu có đoàn học sinh đến tham quan, riêng dịp nghỉ hè vắng bóng. Du khách cũng lai rai vài người, có nhiều ngày chẳng có ai ghé thăm. Hiện tại, tầng 3 và hệ thống điện chiếu sáng, quạt, điều hòa vẫn chưa hoàn thiện nên bảo tàng chỉ mới trưng bày được một ít hiện vật ở tầng 2.

Ông Nguyễn Nay - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, tuy đã khánh thành nhưng đến nay bảo tàng vẫn chưa được bàn giao chính thức. Hiện nay còn phải chờ thời gian trưng bày rất lâu. Cuối năm 2014, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án đầu tư trưng bày Bảo tàng Quảng Nam với mục đích thu thập, trưng bày những tài liệu, hình ảnh, hiện vật nhằm giới thiệu cho nhân dân và du khách tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương… Toàn bộ kinh phí đầu tư cho việc trưng bày là hơn 24 tỷ đồng bao gồm các hạng mục xây lắp, quản lý, tư vấn đầu tư xây dựng… Trong đó nội dung trưng bày về đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, văn hóa tộc người, lịch sử xã hội Quảng Nam… Đặc biệt, các chuyên đề trưng bày cố định như tàu cổ đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm và sưu tập gốm sứ Chu Đậu; truyền thống hiếu học, danh nhân Quảng Nam… hứa hẹn sẽ là không gian trưng bày hấp dẫn.

“Qua các tư liệu, bảo tàng phải biết cách chọn lọc nội dung trưng bày để những cảm xúc, những câu chuyện trong những bối cảnh lịch sử, với các mối quan hệ xã hội làm cho các tư liệu ấy trở nên có hồn mới tạo nên sự hấp dẫn. Đây cũng là điều mà rất ít bảo tàng ở Việt Nam hiện nay làm được”.
(PGS-TS. Nguyễn Văn Huy - Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa)

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết việc xây dựng Bảo tàng tỉnh là thiết thực, có ý nghĩa gắn kết giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Đây cũng là nơi để nghiên cứu, lưu giữ, trưng bày và giới thiệu các hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất xứ Quảng. Hiện nay bảo tàng chưa chính thức đi vào hoạt động nên không thể đánh giá là hiệu quả hay không” - ông Hài nói. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận khá nhiều hiện vật từ các cuộc khai quật khảo cổ cũng như các đợt hiến tặng của cá nhân, tập thể trên cả nước. Nhưng câu chuyện trưng bày như thế nào để thu hút khách vẫn khó trả lời. Ông Nguyễn Nay cho biết thêm, sau khi chính thức được bàn giao, để thu hút du khách, bảo tàng sẽ có các chương trình quảng bá, giới thiệu và cũng đang định hướng sẽ có hàng loạt dịch vụ khác phục vụ du khách như lưu trú, ăn uống giải khát, cho thuê hội trường…

Tìm hướng thu hút khách

Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, một đội ngũ thuyết minh năng động, cộng với sự đa dạng hóa của phòng trưng bày chuyên đề sẽ là cách giúp cho bảo tàng luôn là một điểm đến của người dân địa phương cũng như du khách. Tuy nhiên, để có được một đội ngũ thuyết minh lành nghề không phải là chuyện dễ. Những người có năng lực, ngoại hình xinh xắn thường tìm kiếm những công việc với mức lương tương xứng, trong khi ngân sách nhà nước dành cho hoạt động bảo tàng thường không thể đáp ứng yêu cầu tiền lương thỏa đáng của họ. Ông Tịnh cũng cho biết, đội ngũ hoạt động hiện tại ở Bảo tàng tỉnh, cách đây 10 năm cũng là những người được đào tạo bài bản, có khả năng thuyết minh nhưng sau chừng ấy năm làm công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật, chờ đợi xây dựng cơ sở vật chất…, họ đã “phôi pha” ít nhiều nghề nghiệp. Hiện tại, muốn khai thác hết các giá trị của Bảo tàng tỉnh, cần phải có một đội ngũ thuyết minh chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, trưng bày hiện vật theo lớp lang lịch sử, các giai đoạn và phải làm sao để sinh động hóa hiện vật thì mới mong tạo điểm nhấn với người dân và du khách.

Trong khi Bảo tàng tỉnh đang loay hoay tìm đủ mọi cách để làm sao khi đi vào hoạt động sẽ thu hút người dân, thì một số bảo tàng tư nhân của Quảng Nam lại hoạt động rất hiệu quả ngay cả khi có bán vé phụ thu, như Bảo tàng Nhà cổ Việt Nam (Vinahouse, Điện Bàn), hay Bảo tàng Chu Lai, Làng lụa Hội An… Ở những bảo tàng chuyên đề tại Hội An, các hiện vật được trưng bày tạo thành một chuỗi thời gian, không gian liên hoàn, giúp du khách dễ dàng hình dung về lai lịch, giá trị cũng như mối tương quan trong sự phát triển của phố cổ. Việc tổ chức, gắn sưu tầm hiện vật với tạo không gian riêng biệt về văn hóa khiến các bảo tàng ở Hội An, tuy khá nhỏ nhưng vẫn là điểm thu hút khách. Bảo tàng Điện Bàn cũng đang trở thành một điểm đến trên cung đường du lịch Mỹ Sơn - Hội An. Ngay tại TP.Đà Nẵng, với Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm đã tìm mọi cách để gắn các hoạt động của bảo tàng với các sự kiện kết nối cộng đồng, liên kết các doanh nghiệp du lịch, cơ quan, trường học. Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm chia sẻ: “Có rất nhiều bảo tàng trên cả nước xây dựng cơ sở hoành tráng nhưng vắng khách vì không chú trọng đến sưu tầm, trưng bày hiện vật. Chúng tôi làm được điều này khi có hơn 3.000 hiện vật quý hiếm về nền văn hóa, nghệ thuật Chăm. Ngay cả ngôi nhà hơn 100 tuổi làm nơi trưng bày với kiến trúc độc đáo cũng là hiện vật vô giá luôn được tôn tạo, giữ gìn”.

Hôm nay 18.8, Bảo tàng tỉnh được chọn để tổ chức Triển lãm mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XX năm 2015. Hy vọng qua những hoạt động tương tự như thế này, Bảo tàng tỉnh sẽ có thêm cơ hội để thu hút người dân và du khách.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tàng Quảng Nam: Bao giờ được đánh thức?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO