Bảo tàng Quảng Nam linh hoạt sưu tầm bổ sung hiện vật

TRẦN VŨ 30/10/2022 09:02

Để có hiện vật phù hợp với loại hình, nội dung và tình hình thực tế, Bảo tàng Quảng Nam linh hoạt sưu tầm hiện vật nhằm làm phong phú kho hiện vật.

Đồ dùng trong sinh hoạt của người Kinh được sưu tầm năm 2022. Ảnh: T.VŨ
Đồ dùng trong sinh hoạt của người Kinh được sưu tầm năm 2022. Ảnh: T.VŨ

Hơn 25 năm qua, Bảo tàng Quảng Nam triển khai rất nhiều đợt sưu tầm, với các chủ đề và bằng các phương pháp sưu tầm như điền dã, khảo sát, vận động hiến tặng, khai quật khảo cổ học, trao đổi hiện vật với bảo tàng bạn, làm bản sao…

Hiện bảo tàng lưu giữ và trưng bày hàng chục nghìn hiện vật về lịch sử tự nhiên và xã hội, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân; tổ chức hàng chục cuộc trưng bày lưu động, triển lãm chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị. Hằng năm, bảo tàng chủ động tham mưu kế hoạch và kinh phí sưu tầm hiện vật nhằm bổ sung kho hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.

So với trước đây, cơ chế sưu tầm đã cởi mở hơn, cho phép bảo tàng sưu tầm theo hình thức mua bán, trao đổi hiện vật phù hợp với nội dung trưng bày bảo tàng theo Thông tư 11/2013 của Bộ VH-TT&DL quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập.

Thế nhưng, hoạt động sưu tầm gặp nhiều khó khăn do quá trình đô thị hóa nhanh, người lớn tuổi biết và lưu giữ hiện vật có giá trị về mặt lịch sử văn hóa dần ít đi, vật dụng làm từ vật liệu có sẵn từ tự nhiên, không được bảo quản nên hư hỏng…

Hiện vật của cựu chiến binh là người Quảng Nam tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia được sưu tầm trong năm 2022.
Hiện vật của cựu chiến binh là người Quảng Nam tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia được sưu tầm trong năm 2022.

Trước khi tái lập tỉnh, trên địa bàn Quảng Nam, Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng và các bảo tàng chuyên ngành đã tổ chức rất nhiều đợt sưu tầm. Một số nhà sưu tập tư nhân đi thu gom vật dụng xưa cũ để bán kiếm lời làm cho hiện vật có nguy cơ thành “hiện vật chết” - hiện vật không được ghi chép nguồn gốc nên khó cho công tác lập hồ sơ khoa học để đưa hiện vật về bảo tàng.

Khi tìm được hiện vật thì phần lớn hiện vật bị hư hỏng hoặc mất đi. Đưa hiện vật ra lấy ý kiến hội đồng khoa học để sưu tầm gặp phải vấn đề nguyên tắc: hiện vật sưu tầm phải tiêu biểu, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và có thể bảo quản lâu dài mới đủ điều kiện sưu tầm...

Bồ đập lúa - nông cụ được người Kinh dùng để đập lúa chín trước đây được sưu tầm trong năm 2022.
Bồ đập lúa - nông cụ được người Kinh dùng để đập lúa chín trước đây được sưu tầm trong năm 2022.

Trước thực tế trên, Bảo tàng Quảng Nam linh hoạt trong việc xác định chính sách và các tiêu chí đánh giá hiện vật sưu tầm; không chỉ sưu tầm hiện vật tiêu biểu có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học mà còn sưu tầm những hiện vật đồng thời, tư liệu liên quan và cả hiện vật về cuộc sống đương đại, văn hóa phi vật thể…

Điều quan trọng là người làm công tác sưu tầm phải nghiên cứu, xác minh, sau này khi có điều kiện phục dựng hoặc thông qua câu chuyện, tư liệu tham khảo liên quan giúp công chúng hiểu sâu hơn thông tin về hiện vật.

Khi tham quan các bảo tàng, đôi khi chúng ta bắt gặp hiện vật gốc không còn nguyên vẹn nhưng thông qua câu chuyện thuyết minh về hiện vật góp phần bổ sung phần khiếm khuyết ấy. Điều đó cũng phù hợp với tinh thần của bản “Quy tắc đạo đức bảo tàng của ICOM” - để làm tốt việc sưu tầm hiện vật, mỗi bảo tàng cần thường xuyên xem xét chính sách để điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tàng Quảng Nam linh hoạt sưu tầm bổ sung hiện vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO