Bảo tàng Quảng Nam (TP.Tam Kỳ) là nơi lưu giữ, trưng bày giới thiệu các tài liệu, hiện vật phản ánh truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, với hơn 30 nghìn đơn vị hiện vật gắn với nhiều giai đoạn lịch sử từ thời tiền sơ sử đến giai đoạn đổi mới.
Căn cứ đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và văn bản của các ngành về sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, thời gian qua, Bảo tàng Quảng Nam chủ động liên hệ với các trường học để đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng.
Ông Phan Ngọc Bích - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam chia sẻ: “Công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối với du khách, đặc biệt là các doanh nghiệp, trường học là vấn đề then chốt.
Trên cơ sở khảo sát nắm bắt nhu cầu của khách tham quan và tiềm năng thực tế của Bảo tàng Quảng Nam, lãnh đạo cơ quan đã tích cực chỉ đạo đội ngũ cán bộ, viên chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các bài viết chuyên sâu và các tin tức mới... Chú trọng từ khâu đón tiếp khách, hướng dẫn, thuyết minh, giới thiệu du khách tham quan bảo tàng cho đến cung cách ứng xử với khách”.
Bám sát nội dung giáo dục địa phương trong trường học, Bảo tàng Quảng Nam chủ động xây dựng các chuyên đề, chương trình học tập phù hợp với lứa tuổi, cấp học, đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng tham quan.
Đưa con tham quan bảo tàng, chị Trần Thảo Trinh (ở Tam Kỳ) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đưa các con đến thăm Bảo tàng Quảng Nam, thực sự rất thú vị. Tôi và các con đều ấn tượng. Tôi sẽ đưa các con đến đây nhiều hơn để tìm hiểu về văn hóa, con người, truyền thống xứ Quảng”.
Hiểu được thực tế giờ đây khách du lịch không còn hài lòng với việc đến Bảo tàng chỉ đơn giản là nhìn ngắm nhìn các hiện vật quý được trưng bày trong các tủ kính, họ mong muốn được tham gia, được thực hành, trải nghiệm cùng hiện vật, để tìm hiểu kiến thức, thông tin và giải trí, gần đây, Bảo tàng Quảng Nam đã nghiên cứu, xây dựng các chương trình trải nghiệm mới theo từng chủ đề, đặc biệt là các dịp lễ, ngày kỷ niệm..., như làm gốm cùng nghệ nhân, làm lồng đèn ông sao, làm bánh ít lá gai truyền thống…
“Chúng tôi đang trong những bước đầu tiên để đi tới mục tiêu xây dựng Bảo tàng Quảng Nam trở thành điểm đến hấp dẫn. Thực sự còn rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ, từ việc chú trọng môi trường cảnh quan bên ngoài đến đa dạng hóa hình thức, phương thức phục vụ...
Song, làm thế nào để những giá trị đó được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ biết đến thì vẫn cần những thay đổi phù hợp” - chị Nguyễn Thị Minh Lê, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Bảo tàng Quảng Nam chia sẻ.