(VHQN) - Nay đã 87 tuổi, nghệ nhân ưu tú Lê Văn Minh (thôn Đông Tân, xã Tam Hòa, Núi Thành) vẫn miệt mài gìn giữ nghệ thuật hát múa bả trạo.
Hát múa bả trạo huyện Núi Thành được Bộ VH-TT&DL trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có đóng góp lớn của Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Minh.
Theo giải thích của ông Minh, “bả” là cầm chắc còn “trạo” là mái chèo; “bả trạo” là cầm chắc mái chèo để đưa thuyền ra khơi... Đây là hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian đan xen nhuần nhuyễn các yếu tố múa, hát cùng đạo cụ là mái chèo.
Nghiệp bả trạo
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Minh là chân chất. Ông hỏi: Có nhớ câu ca “Ai về đất mẹ Tam Hòa. Say điệu bả trạo, bài chòi Đông Tân” không? Bả trạo là niềm kiêu hãnh của người dân bên dòng Trường Giang yên ả.
Cụ Lê Văn Minh đã góp phần gầy dựng, vun đắp nên niềm tự hào đó. Ông kể, mẹ ông ngày trước rất hay dùng các làn điệu dân gian nên theo lẽ tự nhiên, ông yêu thích, gắn bó, đuổi theo nghiệp bả trạo.
“Hễ nơi đâu có hội hè dân gian miền biển là tôi xin mẹ tìm đến. Tôi gần gũi với bả trạo. Rất ấn tượng về sự hòa quyện của nghi lễ, múa dân gian, dân ca truyền thống” - ông Minh nói.
Người hát múa bả trạo cần đồng cảm với cảnh dãi dầu mưa nắng, bám biển quanh năm để thể hiện trọn vẹn và gửi gắm linh thiêng. Nghệ thuật bả trạo tốn nhiều công sức và thời gian nhưng người tham gia không sống được với nghề nên càng kén người theo đuổi. Ông Huỳnh Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Núi Thành cho biết, cần sự chung tay của các nghệ nhân, sự tâm huyết của giới trẻ để nghệ thuật truyền thống bả trạo được kế thừa và phát huy, truyền đời nét văn hóa miền duyên hải.
Nhìn lại cuộc đời mình, ông Lê Văn Minh nói chỉ có nghề đi biển. Phải chăng ông đã phả gian nan của người ngư dân vào trong từng làn điệu bả trạo. Trong câu chuyện với ông Minh, tôi mường tượng: Ngay tại bãi biển người ta đặt một chiếc thuyền rồng rực rỡ.
Màn múa hát bả trạo được trình diễn bởi 3 tổng mũi, khoang, lái và hơn chục con trạo là các bạn biển đầu chít khăn đỏ, lưng thắt vải đỏ, tay cầm chèo được phết sơn đủ màu... Con thuyền rồng chở đầy khát vọng của các ngư dân về an lành, no ấm, bình yên.
Tổng mũi bắt đầu hô to: “Bớ bả trạo”, lập tức, các bạn chèo đồng thanh hô vang: “Dạ” và hát múa bả trạo bắt đầu: “Hôm nay là ngày lễ Ông/ Con cháu ta tụ họp về đây/ Chỉnh đốn xiêm y trang phục/ Tưởng niệm và tôn kính thần linh Nam Hải chở che”.
Hòa theo lời hát của tổng mũi, các tổng khoang và lái nhảy theo nhịp, các bạn chèo nhanh tay chèo cho thuyền vượt sóng. Tất cả đồng loạt, nhịp nhàng, sống động, như rõ con thuyền lúc thì chồm về phía trước, khi thì nghiêng sang hai bên, lúc khác thì ngả ra sau, mặc sóng đẩy vẫn vững vàng tiến về phía trước.
Ông Lê Văn Minh nói, cười, khua chân, múa tay, như rằng hát múa bả trạo trong người ông lan ra, tự nhiên và nhẹ nhõm. Câu chuyện kể của ông còn giúp tôi “phác thảo” cảnh các tổng, các bạn chèo đều nghiêm trang, nhịp nhàng chèo chiếc thuyền linh thiêng đưa cá Ông về miền cực lạc.
Niềm đau đáu
Ông Lê Văn Minh đã để lại nhiều dấu ấn trong bảo lưu nghệ thuật diễn xướng bả trạo ở Quảng Nam. Ở các lễ hội cầu ngư trên địa bàn huyện Núi Thành, ông đều tham gia trình diễn bả trạo. Ở các cuộc thi hát múa bả trạo trên toàn tỉnh, đội bả trạo Đông Tân do ông dẫn dắt đều đoạt giải lớn.
Năm 2011, ở Liên hoan làng biển Việt Nam được Bộ VH-TT tổ chức ở tỉnh Ninh Thuận, ông Minh dẫn dắt đội bả trạo Đông Tân đại diện cho đoàn Quảng Nam trình diễn đã đoạt giải xuất sắc. Nhiều cống hiến trong vun đắp hát múa bả trạo của ông Minh đã được Chủ tịch nước vinh danh danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2019.
Tuổi đã cao, ông Lê Văn Minh mong mỏi có người thay thế làm tổng mũi dẫn dắt đội bả trạo Đông Tân nhưng chưa có người tiếp nối. Ông đã gầy dựng, dìu dắt nhiều đội hát múa bả trạo trẻ là học sinh ở các làng biển Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải... nhưng chỉ duy trì một thời gian rồi tan rã vì các em phải theo đuổi chuyện học hành.
Ông canh cánh ước ao trao truyền các làn điệu hát múa bả trạo đã sưu tầm, ghi chép, gìn giữ hơn 50 năm qua đến nay chưa thực hiện được. Ông bảo rằng, bả trạo chính là tâm tư, đời sống tinh thần của cộng đồng ngư dân, cũng là tình cảm của những người theo nghề biển trước cảnh hùng vĩ, bao la, trù phú của quê hương nhưng nay không ít người lơ là nên mai một dần.
“Làm sao lan tỏa tính nhân văn của nghệ thuật bả trạo trong đời sống của người dân? Có cách nào truyền sự kế tục, tiếp nối để lưu giữ, bảo tồn vốn liếng văn hóa hát múa bả trạo để không lãng quên trong dòng chảy hiện đại?” - Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Minh trăn trở.