Bảo tàng "thông minh"

QUỐC HƯNG 19/08/2023 04:55

Ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng phần mềm công nghệ, các bảo tàng ở Hàn Quốc có cách làm độc lạ: tạo hương thơm khác biệt cho từng tác phẩm nghệ thuật để thu hút người tham quan.

Khách tham quan bảo tàng SAN của Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times
Khách tham quan bảo tàng SAN của Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times

Trang tin Korea Times (Hàn Quốc) cho biết, số lượng người trẻ tuổi đam mê nghệ thuật ngày càng tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Họ đắm chìm trong thế giới triển lãm nghệ thuật, di sản hay điểm đến cùng các ứng dựng thông minh mà các bảo tàng mang lại.

Các triển lãm trước đây thường thu hút những chuyến tham quan theo nhóm, đoàn do bảo tàng hoặc công ty du lịch độc lập cung cấp với hướng dẫn viên sử dụng micro thuyết minh về tác phẩm nghệ thuật trưng bày.

Ngày nay, chuyến trải nghiệm nghệ thuật như vậy trở nên riêng tư hơn, yên tĩnh hơn khi nhiều du khách chọn tập trung vào trải nghiệm cá nhân với việc sử dụng phần mềm thuyết minh tự động qua âm thanh (audio guide) do bảo tàng cung cấp.

Hai chương trình triển lãm đang thu hút lượng lớn khán giả là “Edward Hopper: From City to Coast” (Edward Hopper: Từ thành phố đến bờ biển) tại bảo tàng nghệ thuật Seoul và “Tadao Ando: Youth” (Tadao Ando: Tuổi trẻ) tại bảo tàng SAN ở tỉnh Gangwon.

“Tadao Ando: Youth” chào đón 100 nghìn lượt khách tham quan kể từ khi khai trương vào tháng 4/2023 và xác nhận rằng ứng dụng thuyết minh tự động qua âm thanh tại bảo tàng có ít nhất 70 nghìn lượt truy cập. Tương tự, triển lãm “Edward Hopper: From City to Coast” thu hút 220 nghìn lượt khách, phần lớn khách tham quan sử dụng phần mềm này.

Chị Choi So-ra - nhân viên văn phòng ở độ tuổi 20 thường xuyên lui tới các cuộc triển lãm khắp Seoul, nói: “Với ứng dụng thuyết minh âm thanh trực tuyến, tôi có thể thưởng thức các câu chuyện nghệ thuật trong thời gian tùy thích. Nếu bỏ lỡ bất cứ phần nào, tôi luôn có thể quay lại xem trực tuyến.

Sự tiện lợi của việc sử dụng các thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh và tai nghe cũng hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ - những người quen thuộc với các dịch vụ phát trực tuyến trên thiết bị di động”.

Ông Choi Yong-june - người phụ trách chính tại bảo tàng SAN lưu ý: “Dường như thế hệ trẻ đánh giá cao việc có những trải nghiệm phù hợp cá nhân khi tham quan triển lãm nghệ thuật. Người trẻ có xu hướng tự do thưởng thức tác phẩm nghệ thuật theo tốc độ riêng và chụp ảnh.

Chuyến tham quan bằng thuyết minh tự động phù hợp với nhu cầu đó”. Nắm bắt nhu cầu, nhiều nhà tổ chức triển lãm mời gọi những người nổi tiếng như diễn viên điện ảnh, ca sĩ... ghi lại lời tường thuật để thu hút sự chú ý nhiều hơn của khách tham quan.

Ngoài ra, một số nhà triển lãm tại Hàn Quốc còn giới thiệu cách làm thú vị để hấp dẫn hơn nữa cảm giác đắm chìm trong nghệ thuật của người xem: hương thơm được thiết kế đặc biệt đi kèm với từng tác phẩm nghệ thuật trưng bày.

“Bliss Pool” (Hồ bơi hạnh phúc), triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ Donna Huanca vừa diễn ra tại Hàn Quốc giới thiệu mùi hương huyền bí do chính nghệ sĩ người Mỹ gốc Bolivia này tạo ra từ loại gỗ trắc sanh...

Tương tự, triển lãm “Kiki Smith - Free Fall” (Kiki Smith - Cú ngã tự do) lấp đầy không gian bằng hương thơm hỗn hợp của hổ phách, hoa phong lữ thảo và rễ cỏ vetiver để tượng trưng cho chủ đề chính của buổi triển lãm.

Lee Bo-bae, người phụ trách triển lãm “Kiki Smith - Free Fall” nói: “Bằng cách đánh thức khứu giác, bảo tàng mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm vượt xa các yếu tố thị giác - cơ hội cảm nhận triển lãm theo một cách mới. Điều này cho phép họ lưu giữ những ký ức và ấn tượng đặc biệt về tác phẩm nghệ thuật cũng như không gian trưng bày một thời gian dài hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tàng "thông minh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO