Bảo tàng thuốc phiện ở Tam giác vàng

NHẬT QUANG 06/01/2024 10:30

Bảo tàng “Nhà thuốc phiện” ở quận Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan do bà Patcharee Srimatyakul lập nên vào năm 1989 góp phần mang đến cái nhìn toàn diện về tác hại của ma túy đối với con người từ vùng Tam giác vàng nổi tiếng một thời.

Bảo tàng Nhà thuốc phiện tại Thái Lan.
Bảo tàng Nhà thuốc phiện tại Thái Lan.

Nạn buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp bắt đầu nở rộ ở Thái Lan từ năm 1959. Theo khảo sát từ Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, lúc bấy giờ Thái Lan sản xuất 145 tấn thuốc phiện/năm, chiếm một phần rất đáng kể tổng lượng thuốc phiện toàn cầu.

Vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 20, nhà vua Thái Lan - Bhumibol trong một chuyến thực tế đến vùng này đã trăn trở phải triển khai dự án xóa bỏ cây thuốc phiện, thay vào đó trồng cây ăn quả và cây vải.

Từ khi bắt đầu, vua Bhumibol đã dự đoán sẽ phải mất 3 thập niên để loại bỏ hoàn toàn thuốc phiện ở khu Tam giác vàng. Dự án xóa bỏ thuốc phiện của nhà vua gây được sự chú ý trên thế giới.

Hiện nay, việc trồng cây anh túc, sản xuất buôn bán thuốc phiện ma túy được các quốc gia trong khu vực bài trừ quyết liệt, vùng đất Tam giác vàng đã trở thành khu du lịch nổi tiếng. Vào những năm 70 của thế kỷ 20, đây từng là đại bản doanh của trùm buôn lậu ma túy nổi tiếng Khun Sa, là điểm nóng thường xuyên xảy ra các cuộc thanh trừng đẫm máu của các băng đảng ma túy.

Bảo tàng thuốc phiện nằm bên bờ sông Mê Kông, thuộc quận Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Chủ nhân của bảo tàng là bà Patcharee Srimatyakul, một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Chiang Saen Chiang Rai. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm việc, sinh sống ở Bangkok và Chiang Mai. Bà trở về Chiang Rai và mở một cửa hàng đồ cổ vào năm 1987.

Bà bắt đầu sưu tầm nghiên cứu các đồ vật liên quan đến thuốc phiện ở khu vực Tam giác vàng. Bà sống cùng với những người dân tộc Hill, Shan, Lu và đến với bản làng của những người dân di cư từ Lào và Myanmar tại Chiang Rai.

Bà nhận ra những món đồ đó có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Năm 1989, bà Phatcharee cho trưng bày các hiện vật về thuốc phiện, kết hợp với những câu chuyện thú vị, những tác hại của thuốc phiện. Tên “Nhà thuốc phiện” được đặt bởi Khun Rong Wongsawan, một nhà văn Thái Lan.

Thời gian đầu, Nhà thuốc phiện chỉ trưng bày triển lãm đơn giản những món đồ, công cụ về thuốc phiện, những bức tranh về cuộc sống, mối quan hệ thuốc phiện với các dân tộc sinh sống trong vùng Tam giác vàng. Năm 2007, Bảo tàng “Nhà thuốc phiện” được thành lập. Hiện nay bảo tàng trưng bày hơn 1.500 đồ vật được sưu tầm trong 20 năm, là một điểm du lịch nổi tiếng trong vùng, thu hút khách du lịch từ khắp nơi.

Bảo tàng có nhiều bộ sưu tập, với những hiện vật đặc sắc như bộ sưu tập “dao thuốc phiện”, “cân thuốc phiện” với những chất liệu đồng, vàng, chạm khắc tỉ mỉ, nhiều hình dáng độc đáo mang ý nghĩa khác nhau như 12 con giáp, voi, sư tử…

Bộ sưu tập “ống hút thuốc phiện” được làm bằng nhiều vật liệu như tre, bạc, xương động vật… của các bộ tộc miền núi và người Trung Quốc. Bộ sưu tập “gối” của người nằm hút thuốc phiện cũng được làm bằng nhiều chất liệu đa dạng tinh xảo như gốm, da, gỗ hoặc bạc.

Ngoài ra, ở bảo tàng có bộ sưu tập về những tẩu thuốc lá làm bằng đất nung, có tuổi đời 100 - 200 năm, của vương quốc cổ Lan Na, một vương quốc cổ từng tồn tại từ thế kỷ 13 đến cuối thế kỷ 18 ở miền núi phía bắc Thái Lan hiện nay.

Ngoài các hiện vật cổ vật đặc sắc từ các bộ sưu tập, bảo tàng còn trưng bày triển lãm về cây anh túc, tác hại của thuốc phiện ma túy. Du khách được xem những thước phim, hình ảnh về lịch sử buôn bán thuốc phiện trong khu vực Tam giác vàng cũng như những di chứng, hậu quả nặng nề của thuốc phiện để lại cho con người.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tàng thuốc phiện ở Tam giác vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO