Dự kiến trình Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh (khóa X) sắp tới, đề án “Hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi giai đoạn 2024 - 2030” kỳ vọng sẽ tiếp tục gìn giữ, lưu truyền cũng như phát huy tốt những giá trị độc đáo của nghệ thuật bài chòi xứ Quảng...
Hỗ trợ kinh phí bảo tồn
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, dù là di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) nhưng hiện tại bài chòi vẫn chưa được đầu tư tương xứng. Quảng Nam hiện có 78 CLB, đội bài chòi tại các địa phương - con số này được cho là khá khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu.
Ngoài ra, các nghệ nhân nòng cốt đang sinh hoạt tại CLB hầu hết đã lớn tuổi. Điều này dẫn đến nguy cơ mai một nghệ thuật truyền thống này rất cao nếu những kinh nghiệm, kỹ năng thực hành di sản không được trao truyền. Do đó, cần thiết phải có một hoạch định bài bản cho công tác bảo tồn, phát huy phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi.
Ở đề án “Hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi giai đoạn 2024 - 2030”, đối tượng áp dụng do ngành văn hóa đề xuất là các nghệ nhân được công nhận ở nghệ thuật bài chòi; CLB, đội bài chòi đang hoạt động dưới sự thành lập của cấp có thẩm quyền tại địa phương; các cơ quan tổ chức có liên quan.
Đề án cũng nêu cụ thể về các nội dung sẽ đầu tư hỗ trợ, từ công tác kiểm kê, sưu tầm hiện vật, kịch bản, nhạc cụ, trang phục... cho đến hỗ trợ số hóa, tư liệu hóa Di sản VHPVT Nghệ thuật Bài Chòi.
Đối với các nghệ nhân đã được phong danh hiệu, ngành văn hóa tính toán đến chuyện sẽ hỗ trợ chi phí hoạt động hằng tháng cho họ trong vòng 5-7 năm cũng như kinh phí lập hồ sơ xét đề nghị tặng danh hiệu.
Việc thành lập và duy trì các CLB, đội nhóm cho đến công tác truyền dạy, bồi dưỡng, thực hành di sản, tuyên truyền, đưa di sản bài chòi vào giảng dạy trong các trường học, công tác quảng bá cũng như tổ chức định kỳ biểu diễn cho các CLB cũng được nêu ra trong đề án. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ trong giai đoạn 2024 - 2030 là 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và các địa phương.
Cần đổi mới hoạt động cộng đồng
Tại cuộc họp góp ý về đề án, nhiều đại diện các sở ngành cho rằng cần thiết phải mở rộng phạm vi đề án hỗ trợ ở tất cả địa phương. Ông Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, dân ca bài chòi là Di sản VHPVT nhân loại được UNESCO công nhận, do đó cần thiết phải tính đến chuyện mỗi huyện nên thành lập CLB Dân ca Bài chòi, giao cho Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện quản lý.
“Từ nay đến năm 2030, tỉnh nên tổ chức cuộc thi sáng tác các tác phẩm dân ca bài chòi, bao gồm các thể loại: độc tấu, song tấu, tiểu phẩm, kịch dân ca, ca cảnh dân ca, ca cảnh dân ca bài chòi trong phạm vi toàn tỉnh về truyền thống đất và người Quảng Nam” - ông Nguyễn Hoàng Bích đề xuất.
Ý kiến trên nhận được sự đồng tình của nhiều người. Ông Trình Minh Đức - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũng cho rằng tổ chức các hội thi về sáng tác lời mới cho giai điệu bài chòi để phù hợp với các thế hệ đương thời là điều cần thiết.
Bởi việc tiếp nhận nghệ thuật truyền thống hiện nay cũng cần phải xem xét đến các yếu tố thế hệ, phù hợp với cuộc sống hiện tại. Ngoài ra, yêu cầu hỗ trợ tập huấn cho nhạc công tham gia sinh hoạt thường xuyên tại các CLB bài chòi cũng là điều nên được xem xét.
Tiếp nhận các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu Sở VHTT&DL mở rộng phạm vi thực hiện đề án trên toàn tỉnh và bổ sung nội dung tổ chức các cuộc thi kêu gọi sáng tác kịch bản, lời mới đối với nghệ thuật bài chòi.
Việc xây dựng kế hoạch bài bản để hướng đến bảo tồn và phát huy bền vững Di sản VHPVT của nhân loại Nghệ thuật Bài Chòi là điều nên chăng trước các thách thức phát triển của công nghệ giải trí hiện đại. Giữ hạt nhân truyền thống là giữ lấy nguồn cội quê hương, bản quán!
Dự kiến trình Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh (khóa X) sắp tới còn có đề án “Hỗ trợ một số hoạt động văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024 - 2026”. Đề án nhằm hỗ trợ các địa phương nâng cao một số hoạt động văn hóa cơ sở, hoàn thiện thiết chế văn hóa thể thao, đồng thời góp phần thực hiện thành công tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo thông qua hỗ trợ mua sắm bộ cồng chiêng/trống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; trang thiết bị các điểm vui chơi giải trí công cộng; hỗ trợ mua sách, báo cho các thư viện, phòng đọc sách báo tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ truyền dạy, thực hành 12 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia... Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến 24,25 tỷ đồng. (LÊ QUÂN)