Cổ phục Việt - một trào lưu về trang phục đang được giới trẻ lựa chọn. Không chỉ là thú chơi, câu chuyện cổ phục mang nhiều tầng nghĩa hơn...
Từ phục dựng đến trào lưu
Manh nha từ khoảng năm 2018, cổ phục Việt dần phổ biến và ngày càng quen mắt với người Việt Nam. Quá trình nghiên cứu, phục dựng… cổ phục đã có từ lâu. Tuy nhiên, chỉ đến khi nhận được sự ủng hộ của giới trẻ thành thị, cổ phục trở thành trào lưu, phát triển mạnh mẽ. Thậm chí, tạo dựng cho mình thị trường riêng đầy tiềm năng.
Từ cô dâu chú rể mặc cổ phục trong đám hỏi, đám cưới, theo chân các diễn viên kịch, hoa hậu, người mẫu xuất hiện trên sân khấu, cổ phục còn được đưa vào phim cổ trang hay theo chân nhiều bạn trẻ ra nước ngoài cùng lòng tự hào dân tộc…
Hàng chục hội nhóm về cổ phục ra đời trên mạng xã hội. Họ trao đổi, chia sẻ với nhau những nghiên cứu về cổ phục, các hình ảnh tư liệu cũ kèm chú thích, các hoa văn, cách may, những nhà may cổ phục uy tín và những nơi/concept (ý tưởng chủ đạo) chụp hình với cổ phục sao cho đẹp, cho đặc trưng Việt Nam để không nhầm lẫn với trang phục kiểu Hán, Hàn.
Điều này cho thấy cổ phục Việt không chỉ là một trào lưu đơn thuần về lượng mà còn đảm bảo về chất. Từ những bước đầu chập chững, đến nay một số kiểu cổ phục đã được phục dựng sát với thực tế nhất dựa theo tư liệu cổ. Đồng thời còn có sự cách tân chừng mực để phù hợp với đời sống hiện đại. Cổ phục Việt cũng đã có đà để phát triển, tạo dấu ấn riêng của mình.
Lan tỏa
Sức sống của cổ phục đã và đang mang lại nhiều lợi ích và giá trị, từ bảo tồn văn hóa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc… cho đến phát triển thị trường thời trang nội địa.
Chưa kể, trào lưu này làm sống lại những từ vựng xưa cũ dùng để chỉ trang phục, đem chúng đến với đại chúng một cách gần gũi và tự nhiên. Cách hiểu về cổ phục Việt cũng từng ngày tiệm cận với từng lớp người.
Từ áo dài - trang phục truyền thống nổi tiếng với áo hai vạt, dài quá gối, có khuy cài từ cổ tới nách cho đến áo tứ thân - được xem như biểu tượng của người phụ nữ Kinh Bắc xưa, với 2 vạt trước và sau, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng và cha mẹ vợ).
Ở áo tứ thân, vạt trước tách làm hai, khi mặc cột lại tượng trưng cho tình cảm vợ chồng khăng khít, cũng thuận tiện cho công việc thường ngày. Bên trong mặc yếm, phía dưới váy đụp màu đen, đi cùng guốc mộc, trên đầu chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao.
Ở trang phục áo ngũ thân, được cho rằng xuất hiện từ thế kỷ 17 hoặc 18 dưới thời chúa Nguyễn và càng trở nên phổ biến từ triều vua Minh Mạng trở về sau, áo ngũ thân hiện nay được ưa chuộng, phục dựng và mặc nhiều nhất.
Tương tự như tứ thân, áo ngũ thân có thêm một vạt con ở bên trong, tượng trưng cho thân mình nữa là năm thân, 5 nút áo tượng trưng cho ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín hoặc ngũ luân: vua - tôi, cha - con,vợ - chồng, anh - em, bạn bè.
Vạt áo ngũ thân rộng, càng xuống dưới càng xòe ra. Ngoài ra, áo ngũ thân cho nam có cổ đứng (lập lĩnh), vuông và cao, tượng trưng cho sự chính trực của người quân tử. Cổ áo nữ thấp hơn và vạt dài hơn. Áo ngũ thân dành cho mọi đối tượng mặc, sự khác biệt ở địa vị nằm ở chất liệu, hoa văn và phụ kiện đi kèm như kim khánh, kim bài…
Trong làng “cổ phục Việt”, mọi người thường hay nhắc về Ỷ Vân Hiên - một nhóm những người phỏng dựng lại cổ phục Việt với rất nhiều các sự kiện văn hóa.
Kết nối nhiều nghệ nhân của các làng nghề để làm nên những sản phẩm như hài, quạt, gối xếp, Ỷ Vân Hiên đã cùng các nghệ nhân các làng nghề La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Lãnh Mỹ A… phục dựng, tái hiện thành công nhiều bộ cổ phục khác nhau. Từ trang phục triều Trần, triều Nguyễn hay những trang phục truyền thống của các vùng miền, chúng bắt đầu có một đời sống đương đại.