Bảo tồn đa dạng hệ sinh thái biển: Áp lực từ sinh kế

TRẦN HỮU 06/06/2014 11:52

Từ khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ trong công tác bảo tồn là áp lực từ sinh kế của người dân.

Các Hòn Dài, Hòn Lao, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Ông, Hòn Lá, Hòn Tai, Hồn Mồ nằm trong hệ sinh thái Cù Lao Chàm đều có mật độ cây rừng che phủ dày đặc. Diện tích đất tự nhiên ở Cù Lào Chàm hơn 1.500ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp có rừng với 1.490ha (rừng đặc dụng chiếm gần 600ha). Còn hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển nơi đây có đến 736 loài thuộc 263 giống. Khai thác hải sản được xem là một trong những thế mạnh của địa phương. Trước đây, mỗi năm ngư dân Cù Lao Chàm khai thác khoảng 1.500 tấn hải sản các loại, nhưng hiện chỉ còn 800 tấn/năm. Phần lớn ngư trường được bảo tồn là nơi có hệ san hô nhạy cảm. Gần đây, tình trạng khai thác bào ngư, điệp quạt, ốc vú nàng, cá cảnh… diễn biến phức tạp. Ngư trường đánh bắt bị thu hẹp trong khi chưa hỗ trợ sinh kế đáng kể cho đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng càng làm cho áp lực sống phụ thuộc vào tài nguyên của người dân sở tại càng lớn.

Bảo tồn đa dạng hệ sinh thái của Cù Lao Chàm đang đối diện thách thức từ áp lực sinh kế của người dân. TRONG ẢNH: Xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm). Ảnh: T.H
Bảo tồn đa dạng hệ sinh thái của Cù Lao Chàm đang đối diện thách thức từ áp lực sinh kế của người dân. TRONG ẢNH: Xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm). Ảnh: T.H

Các phương tiện đánh bắt gần bờ (cách bờ 2km) ở biển Cù Lao Chàm chủ yếu lưới trích, lưới dày, lưới thanh hai, câu mực (chiếm gần 70%) và vùng nước sâu từ 2 - 20km với nghề chính là lưới cào, mành điện, mành mực… nên số lượng hải sản có xu hướng giảm dần. Hiện nay, sinh kế của người dân dựa vào khai thác nghề biển và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng nên việc tác động vào tài nguyên thiên nhiên càng nhiều, các chất thải thông thường trực tiếp xả xuống biển đã đe dọa hệ sinh thái. Do vậy, theo các chuyên gia bảo tồn có kinh nghiệm trên thế giới, cách thức quản lý hiệu quả là tạo sinh kế bền vững cho người dân, giảm áp lực khai thác; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư lẫn khách tham quan.

Theo UBND xã Tân Hiệp (Hội An), qua hỗ trợ của các tổ chức, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đã có nhiều dự án bảo tồn, bảo vệ nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Trong đó, chương trình dự án “Rừng ngập mặn cho tương lai” giai đoạn từ 2010 - 2015 của Bộ Tài nguyên – môi trường phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế khu vực châu Á hỗ trợ 350 triệu đồng triển khai trồng và tái tạo các rạn san hô. Đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã nuôi cấy gần 800 tập đoàn san hô tại vườn ươm phía tây Hòn Tai và khu vực rạn Mẹ; phục hồi hơn 4.800 tập đoàn san hô tại Hòn Lao. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đơn vị đã đề nghị mở rộng tiếp cận bảo tồn biển vào vùng bờ, hạ lưu sông Thu Bồn, gắn bảo tồn biển với phục hồi rừng ngập mặn, các bãi sậy, đụn cát trong vùng cửa sông. Ông Chu Mạnh Trinh (cán bộ thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho biết, các dấu hiệu về chất lượng nước của vùng cửa sông Thu Bồn – Hội An ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái Cù Lao Chàm, trong khi hiện tượng nước ngọt, phù sa, rác thải tăng dần tại các vùng rạn san hô. Thách thức lớn của bảo tồn đa dạng hệ sinh thái nơi đây là áp lực từ sinh kế của người dân.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn đa dạng hệ sinh thái biển: Áp lực từ sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO