Nhiều vùng trong tỉnh đang hướng đến việc giữ gìn, phát triển tài nguyên bền vững bằng cách cân bằng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Voọc chà vá chân xám đang đối diện với việc săn bắn và sẽ mất đi môi trường sống. Ảnh: X.B |
Là địa phương có đa dạng sinh học vào loại bậc nhất, Quảng Nam có 1.129 loài thực vật bậc cao; 50 loài thú lớn, 22 loài dơi, 270 loài chim...; quần thể voọc chà vá chân xám và sao la có tầm quan trọng toàn cầu. Ngoài ra, hệ động thực vật dưới nước cũng rất phong phú thể hiện ở đa dạng loài trong hệ sinh thái đất ngập nước nội địa, hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, hệ sinh thái khu bảo tồn biển Cù lao Chàm... Theo các nhà khoa học, sự đa đạng, phong phú không chỉ hiện diện những loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm với nguồn gen đặc hữu, mà còn ở nguồn gen vật nuôi cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế cao và các tri thức cổ truyền về các loài cây thuốc. Ở vùng núi, UBND tỉnh đã tính toán quy hoạch phát triển trồng cây dược liệu, xem đây là đột phá trong xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, chính quyền huyện Nam Trà My đang hình thành vườm ươm cây dược liệu quy mô rộng hơn 1ha gồm sâm nam (đảng sâm), sâm quy, giảo cổ lam, kim cương (lan gấm). Liên kết với doanh nghiệp phát triển sản phẩm cây dược liệu quý, theo quy hoạch sẽ trồng mới khoảng 1.910ha từ 6 - 10 loại cây dược liệu bản địa. Trong khi đó, ngành khoa học công nghệ, nông nghiệp đang ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phục tráng các nguồn gen cây trồng, vật nuôi. Nhiều khu vực đã hình thành vùng chuyên canh sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích Tây Giang, tiêu Tiên Phước.
Từ năm 2012, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã áp dụng nhiều chương trình phục hồi rừng, như quản lý rừng dựa vào cộng đồng; trồng mới phục hồi rừng bằng cây bản địa. Các chuyên gia của WWF còn tiến hành nghiên cứu, phân tích ADN nhằm ghi nhận sự hiện diện gen các loài động vật có trong máu của con vắt, cũng như nghiên cứu về tập quán sinh sống các loài động vật trong tự nhiên. Những hệ thống này đã giúp phát hiện thêm nhiều loại động vật của núi rừng Trường Sơn như thỏ vằn, mang Trường Sơn, gấu ngựa, vượn...
TRẦN NGUYỄN