Việc thành lập và duy trì hoạt động của các nhóm bảo tồn cộng đồng tại vùng đệm Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (Nông Sơn) là động thái đầu tiên trong việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Kiện toàn nhóm bảo tồn cộng đồng
Thành lập từ năm 2019, các nhóm bảo tồn cộng đồng ở một số xã vùng đệm như Quế Lâm, Phước Ninh, Quế Trung đã phát huy được vai trò truyền thông trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Các nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền lưu động, phổ biến Luật Lâm nghiệp và các nghị định liên quan; văn nghệ “Hát về rừng xanh yêu thương”; triển lãm lưu động, trưng bày tranh ảnh các loài động thực vật quý hiếm tại khu vực rừng sinh sống.
Nhóm bảo tồn được kiện toàn còn 15 thành viên, gồm đại diện một số ban, ngành của xã, trưởng thôn, người có uy tín ở địa phương. Bằng nhiều hình thức, các nhóm bảo tồn đã tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, cộng đồng cùng chung tay bảo vệ động thực vật, phát triển rừng.
Theo ông Phạm Văn Bằng (thành viên Nhóm bảo tồn cộng đồng xã Quế Trung), thông qua hoạt động của nhóm bảo tồn, người dân đã có ý thức hơn về bảo vệ rừng, đa dạng sinh học.
“Chính việc tiên phong, nêu gương của thành viên các nhóm bảo tồn - những người có uy tín, tích cực hoạt động bảo vệ rừng đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Nâng cao ý thức của người dân, phát huy tính gắn kết của cộng đồng sẽ là những tiền đề quan trọng mang lại hiệu quả trong việc quản lý, bảo vệ rừng” – ông Bằng nói.
Từ nguồn hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh (giai đoạn 2019 - 2021) và nay là Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đã thành lập 3 nhóm bảo tồn cộng đồng, 4 nhóm tuần tra thôn bản, 2 câu lạc bộ kiểm lâm viên nhí.
Theo ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, các nhóm này phối hợp tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Các thành viên trong nhóm đã cung cấp những nguồn tin quý giá, giúp ban quản lý, lực lượng chức năng phát hiện, truy quét nhiều vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Bảo tồn đa dạng sinh học
Với diện tích 18.977ha rừng đặc dụng, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý. Hiện, khu bảo tồn ghi nhận 580 loài thực vật có hoa, có 90 loài rất hiếm được ưu tiên bảo tồn và được liệt kê trong Sách đỏ của IUCN, Sách đỏ Việt Nam (2007).
Động vật rừng có 275 loài với 32 loài thú, 174 loài chim, 69 loài lưỡng cư, bò sát. Trong đó có 7 loài thú nhỏ và dơi đang bị đe dọa trên toàn quốc và toàn cầu, 2 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Ông Dưỡng cho biết, đơn vị đã mở sổ theo dõi sự xuất hiện của đàn voi, thực hiện các giải pháp phòng tránh nguy cơ xung đột giữa voi và người; đầu tư máy bẫy ảnh, ghi hình, giám sát đa dạng sinh học tại khu bảo tồn; theo dõi để có các biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và loài voi rừng có trong lâm phận.
Bên cạnh hỗ trợ kiện toàn 3 nhóm bảo tồn cộng đồng tại Nông Sơn, dự án VFBC cũng đã tổ chức 13 sự kiện truyền thông với chủ đề “Nguy cơ từ hoạt động săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã” cho người dân sinh sống ở vùng đệm.
Tại đây, người dân được tạo cơ hội và khuyến khích thảo luận, chia sẻ về mối liên hệ giữa hoạt động săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã với các bệnh truyền nhiễm. Từ đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thu hút người dân địa phương tham gia bảo vệ các loài hoang dã, ngăn chặn hoạt động săn bắt và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.
Ông Phạm Văn Kỳ - Quản lý Tiểu hợp phần giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (WWF Việt Nam) chia sẻ, Quảng Nam là địa phương có đa dạng sinh học cao.
Một số loài động vật đặc hữu đang gặp nguy cấp cần bảo vệ nghiêm ngặt như voi, sao la, vọoc chà vá chân nâu, vọoc chà vá chân xám. Hơn hết, cộng đồng dân cư tại mỗi địa bàn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên này. Họ là người hưởng lợi từ đa dạng sinh học cũng như chịu tác động trực tiếp của tình trạng suy thoái đa dạng sinh học.
“Hiện, tổ chức WWF Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và các ngành liên quan ở Quảng Nam triển khai các hoạt động tổng thể để khuyến khích các sáng kiến và tăng cường sự tham gia của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả” – ông Kỳ nói.