Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững

VĂN SANH 28/06/2018 09:15

Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững” - trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 tại Đà Nẵng chiều 26.6, nhằm trao đổi kinh nghiệm của các quốc gia về tăng cường năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), giúp Việt Nam phát triển du lịch bền vững.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và ông Axel van Trotsenburg - Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các cơ quan đầu mối GEF, các tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia bảo tồn, đại diện của các bộ, ngành liên quan, đại diện các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và các cơ quan chức năng tại địa phương.

Nhiều khu bảo tồn của Việt Nam có tầm quan trọng toàn cầu và khu vực được công nhận, bao gồm: 8 khu Ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thiên nhiên thế giới, 1 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 5 khu vườn di sản ASEAN. Hiện nước ta có 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng (IBA). Thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho thấy, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút hơn 30% lượng khách du lịch hàng năm.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, ĐDSH của Việt Nam có tầm quan trọng đối với đời sống tự nhiên và con người không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở phạm vi khu vực và thế giới. Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, các vùng đất ngập nước... đã mang lại các dịch vụ về văn hóa, điều tiết, cung cấp và hỗ trợ. Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái này là nền tảng cho du lịch bền vững và ngược lại, hoạt động du lịch bền vững góp phần bảo tồn ĐDSH. Đồng thời du lịch bền vững giúp phát triển kinh tế, khai thác tài nguyên một cách khoa học, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn ĐDSH và môi trường…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH, Việt Nam đã có nhiều hoạt động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH. Cụ thể: Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế như Công ước ĐDSH (CBD), Công ước các vùng đất ngập nước có tầm quan rọng quốc tế (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES). Trong nước, Việt Nam cũng đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách rất quan trọng như: Luật ĐDSH; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Thủy sản; Luật Du lịch... Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức: ĐDSH đang trên đà suy thoái; rừng, các hệ sinh thái sông, hồ, đầm, phá tiếp tục bị đe dọa. Các hành vi khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, nguy cấp vẫn tiếp diễn hàng ngày… “Để có thể thành công trong công cuộc bảo tồn, ngoài sự nỗ lực của cơ quan Chính phủ, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đồng quan điểm trên, ông Axel van Trotsenburg - Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới chia sẻ, mối quan hệ giữa bảo tồn ĐDSH và khai thác phát triển du lịch không thể tách rời trong bối cảnh hiện nay. Phát triển du lịch bền vững không chỉ đem lại lợi ích cho quốc gia mà còn đóng góp vào sự phát triển ĐDSH toàn cầu. Ông Axel van Trotsenburg cũng nhấn mạnh rằng, mỗi tổ chức, quốc gia nên cần chung tay để có những hành động thiết thực nhất, phải đưa những mục tiêu đó vào các dự án để triển khai, cần nhiều sự chủ động hơn cho công tác bảo vệ môi trường.

VĂN SANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO