“Dự án tăng cường vai trò của cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại Trung Trường Sơn” đã góp phần tích cực bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành).
Bảo tồn dựa vào niềm tự hào
Dự án được thực hiện trong 5 năm (2018 - 2022) do Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Điển - SIDA tài trợ với kinh phí 525.000USD được thực hiện tại 4 huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, trong đó xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) là một trong những địa phương hưởng lợi.
Dự án giúp tăng cường năng lực cho cộng đồng dân cư và tổ chức xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia tích cực, hiệu quả trong quá trình vận động chính sách và ra quyết định có liên quan tới công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại Núi Thành, mục tiêu của dự án là bảo tồn và phát triển hiệu quả đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây. Qua thực tế, cơ quan chức năng đã ghi nhận 68 cá thể voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây vào tháng 12.2020, tăng 18 cá thể so với ghi nhận năm 2019.
Thông qua dự án, công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát triển đàn voọc chà vá chân xám được tăng cường với các chiến dịch truyền thông, vận động, phát tờ rơi, tờ gấp, các sáng kiến của nhóm cộng đồng bảo vệ đàn voọc. Qua đó, cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo tồn, phát triển đàn voọc chà vá chân xám.
Ông Lê Văn Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Mỹ Tây cho biết, dự án tổ chức tập huấn phương pháp tiếp cận bảo tồn dựa vào niềm tự hào, phương pháp kể chuyện bằng hình ảnh - photovoice cho các nhóm tình nguyện bảo vệ đàn voọc. Đồng thời hỗ trợ thiết lập 4 Nhóm cộng đồng tự hào về voọc chà vá chân xám Tam Mỹ Tây; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để các nhóm thực hiện sáng kiến bảo tồn voọc chà vá chân xám.
Đặc biệt, dự án triển lãm những câu chuyện bằng hình ảnh thu thập trong quá trình thực hiện các sáng kiến của nhóm; nâng cao năng lực về ứng dụng SMART - Mobile, ghi chép thông tin điều tra, kỹ năng truyền thông, làm việc nhóm, sơ cấp cứu cho thành viên nhóm cộng đồng bảo tồn đàn voọc.
Phát huy vai trò cộng đồng
Trong 5 năm (2018 - 2022), dự án hỗ trợ nhóm tuần tra thôn tại xã Tam Mỹ Tây thực hiện 4 - 8 đợt tuần tra mỗi tháng để phát hiện, xua đuổi người vi phạm, tháo dỡ bẫy bắt thú rừng; tổ chức 7 cuộc họp truyền thông nâng cao nhận thức bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám; 4 cuộc họp tuyên truyền, vận động các hộ trồng keo thay đổi hành vi canh tác bền vững hơn; 2 cuộc họp tuyên truyền, vận động các thợ săn dừng săn bắt ở khu vực có đàn voọc; in ấn 10 áp phích, 2.000 tờ rơi phân phát cho người dân; thiết kế, sản xuất và lắp đặt 15 biển cảnh báo nghiêm cấm các hành vi săn bắt, đặt bẫy dọc đường đi vào các khu vực có voọc.
Ông Phan Đình Dung - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây chia sẻ: “Qua dự án, đã nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân địa phương vào các hoạt động bảo tồn đàn voọc và bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Thông tin về hiện trạng quần thể voọc chà vá chân xám sinh sống ở khu vực rừng núi Hòn Dồ được đa số người dân biết đến. Người dân có ý thức tốt và nhiều người tự nguyện tham gia hoạt động bảo tồn thông qua các tổ nhóm như Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, nhóm giáo viên - học sinh, nhóm tuần tra thôn…”
Kết quả từ dự án cho thấy, các mối đe dọa đối với đàn voọc từng bước giảm xuống. Người địa phương không còn nhắm đến săn bắt voọc; có 15 hộ dân cam kết chừa 3m đất rẫy bao quanh khu vực rừng tự nhiên nơi có đàn voọc để làm ranh giới; 24 hộ trồng keo cam kết áp dụng các biện pháp canh tác bền vững hơn, không lấn rừng tự nhiên.
Dự án cũng góp phần hình thành vùng đệm, ranh giới phân cách giữa rừng trồng và rừng tự nhiên, hạn chế đốt thực bì khi trồng keo, giữ lại cây tái sinh tự nhiên trong rẫy keo làm thức ăn cho voọc chà vá chân xám.
Những kiến nghị
Bên cạnh thành quả đạt được, “Dự án tăng cường vai trò của cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại Trung Trường Sơn” cũng khuyến cáo các khó khăn, thách thức trong bảo tồn đàn voọc hiện nay. Cụ thể, rừng tự nhiên là sinh cảnh của đàn voọc còn lại rất hẹp.
Rừng xung quanh lại là rừng sản xuất, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ. Dự án kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các thử nghiệm về trồng rừng gỗ lớn, nông - lâm kết hợp, chuyển đổi mô hình canh tác thay thế cho mô hình trồng cây keo, tạo sinh kế lâu dài cho người dân...
“Cấp có thẩm quyền cần thúc đẩy thành lập rừng đặc dụng; nâng cao năng lực cho nhóm tuần tra thôn và lực lượng bảo vệ rừng thông qua ứng dụng SMART PHONE...Trồng cây xanh tạo ranh giới giữa 60ha rừng đặc dụng và nương rẫy của người dân, vừa hỗ trợ công tác quản lý vừa tạo thêm thức ăn và nơi ở cho đàn voọc đang sống hạn chế trong khoảng 30ha rừng tự nhiên.
Nghiên cứu và phát triển mô hình du lịch sinh thái, bởi có tiềm năng khi sở hữu đàn voọc quý, cùng với danh thắng Hố Giang Thơm và những vườn cây ăn quả...” - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, Phan Đình Dung nói.