Bảo tồn Di sản Hội An: Bắt đầu từ văn hóa ứng xử

QUỐC HẢI 10/06/2014 08:43

Sau 15 năm đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (1999-2014), công tác bảo tồn vẫn đối diện với nhiều thách thức. Vì thế, quan điểm của Hội An là phải bảo tồn những giá trị nền tảng của con người với tư cách là chủ nhân quần thể di sản văn hóa sống.

Cách đây 3 năm, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA từng đưa ra nhận định: “...thành quả lớn nhất của công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An là nhận thức của người dân, đặc biệt là các chủ di tích ngày càng được nâng cao...”. Rõ ràng, sau 15 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, từ 4.12.1999 tới nay, di sản này ngày càng được trân trọng, giữ gìn, sự xuống cấp của di tích được ngăn chặn kịp thời.

Nhiều điều đáng lo

Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Trước khi được công nhận di sản văn hóa thế giới, toàn bộ khu phố cổ chỉ có hơn 10 di tích được đầu tư tu bổ, thế nhưng trong 15 năm qua, đã có hơn 200 di tích được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng đã có hơn 2.000 lượt nhân dân, chủ di tích tự tu bổ, sửa chữa nhỏ”. Cùng với sự chung tay của cộng đồng, công tác quản lý di sản đang ngày càng chặt chẽ, bộ máy quản lý cũng được tăng cường, củng cố, cảnh quan chung của đô thị cổ đã được chú ý giữ gìn. Thông qua hoạt động quản lý, bảo tồn, trình độ đội ngũ cán bộ chuyên môn cũng được nâng cao về năng lực và cả nhận thức, tạo hiệu quả công tác ngày càng cao. Kinh nghiệm về công tác tu bổ di tích được tích lũy nhiều hơn, nhờ đó, với di tích kiến trúc gỗ, lực lượng thợ địa phương đã đủ sức đảm trách việc trùng tu.

Người Hội An tham gia xây dựng thành phố văn hóa từ những việc làm cụ thể. Trong ảnh: Tuần hành kêu gọi hưởng ứng “Giờ trái đất”.  Ảnh: Quốc Hải
Người Hội An tham gia xây dựng thành phố văn hóa từ những việc làm cụ thể. Trong ảnh: Tuần hành kêu gọi hưởng ứng “Giờ trái đất”. Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn di sản tại Hội An đang đối diện với sự xuống cấp nhanh chóng của các di tích do điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung. Thêm vào đó, năng lực tài chính của các chủ di tích tư nhân, đặc biệt là tại khu phố cổ Hội An không đủ điều kiện để tự tu bổ di tích. Thậm chí, có những di tích đặc biệt, loại I, Nhà nước hỗ trợ đến 75% kinh phí trùng tu nhưng chủ di tích vẫn không đủ sức để đóng góp. Và điều đáng lo nhất hiện nay, theo ông Trần Văn An, là sự mâu thuẫn giữa nhu cầu sử dụng, sửa chữa di tích của người dân với các quy định về tu bổ, về tính nguyên gốc, tính chân xác trong tu bổ. Trong khi đó, ngoài khó khăn về nguồn vật liệu truyền thống và kỹ thuật tu bổ chưa đáp ứng yêu cầu, sự thay đổi chức năng sử dụng ở các di tích đã ảnh hưởng đến giá trị di sản. Về kỹ thuật tu bổ có thể giải quyết được, nhưng nguồn vật liệu cung cấp cho tu bổ, đặc biệt là di tích gỗ đang là một khó khăn. Ngoài sự tác động của thời tiết, niên đại và các yếu tố khách quan khác, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trên lĩnh vực này có số lượng ít, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Đó là chưa kể đến việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng.

“Vấn đề số 1”

“Tiếp sức” xây dựng thành phố văn hóa

Ngày 14.5, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) bế mạc, thông qua các nội dung chính của chương trình hội nghị, trong đó đã xem xét kết quả tổng kết và nhất trí ban hành nghị quyết mới về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Quán triệt các nội dung của nghị quyết cho hơn 300 cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể, các xã phường và trường học trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Sự liên hệ thực tế của địa phương: “Nghị quyết lần này có nhiều điểm mới là lấy gia đình làm trọng tâm chứ không phải xây dựng từ thượng tầng kiến trúc, tức ở trên bộ máy nhà nước của Đảng. Bây giờ phải quay lại thực tiễn, quay lại nhân dân, quay lại từng gia đình để xây dựng nền văn hóa. Điều này rất phù hợp để chúng ta xây dựng Hội An - Thành phố văn hóa”.
Trước đó, khi triển khai đề án Xây dựng Hội An - Thành phố văn hóa giai đoạn 3 (2011 - 2015), chủ trương của thành phố là tập trung xây dựng con người Hội An thật sự là con người văn hóa, có đầy đủ những tố chất tốt đẹp về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, tình cảm và năng lực trí tuệ để xứng đáng là chủ nhân của văn hóa Hội An. Trong đó, con người văn hóa là tiền đề có tính chất cốt lõi để phát triển và nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa gia đình, tộc họ, cộng đồng dân cư và cơ quan, doanh nghiệp. Gia đình được đặt ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Và gia đình có trách nhiệm với các thành viên, với xã hội, nhà nước; ngược lại, xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình.
Những gì mà Hội An đang triển khai để xây dựng Hội An - Thành phố văn hóa hoàn toàn phù hợp với nội dung mới của Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa. Trong đó, nhiệm vụ cốt lõi là xây dựng nếp sống cá nhân và nếp sống gia đình; củng cố, ổn định gia đình trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện quy mô gia đình ít con; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. “Trước hết, phải tạo mọi điều kiện nâng cao mức sống trên cơ sở phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đảm bảo các hộ đều có nhà ở, không còn gia đình ở nhà tạm. Tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng gia đình văn hóa no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh tại địa phương” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Hội An - Thành phố văn hóa Trần Trung Sơn nói.
Có thể nói, những định hướng có tầm quan trọng đặc biệt, có tính chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) là cơ sở nền tảng và tiếp thêm sức mạnh, giá trị từ lý luận đến thực tiễn để cán bộ và nhân dân thành phố Hội An xây dựng thành công “Thành phố văn hóa” đầu tiên của cả nước.

Đề cập từ góc độ văn hóa phi vật thể, nhà văn Nguyên Ngọc, một người tâm huyết với văn hóa Hội An, bày tỏ: “Trong tất cả những vấn đề, tôi lo nhất, quan tâm nhất là văn hóa ứng xử nếu mà thay đổi thì rất nguy hiểm. Nếu quả thực văn hóa ứng xử đã có thay đổi, biến dạng thì cái đó nguy hiểm vô cùng”.

Rõ ràng, trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành kinh tế du lịch và đời sống xã hội luôn tiềm ẩn nhiều biến động, việc giữ gìn, bảo lưu và phát huy các giá trị văn hóa ứng xử của cộng đồng và từng người Hội An trong đời sống hằng ngày đang là thách thức vô cùng lớn đối với địa phương. Bởi lẽ, với mục tiêu vừa bảo tồn một cách tốt nhất những di sản của cha ông để lại, vừa phải đáp ứng tối ưu nhu cầu sinh hoạt của cư dân đương đại, việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong nhân dân và có cách thức phù hợp để vừa giữ gìn, vừa phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể là việc làm quan trọng hàng đầu.

“Việc đặt vấn đề con người Hội An trong bảo tồn di sản bắt đầu từ văn hóa ứng xử, nếp sống là vấn đề số một. Sau khi được công nhận di sản thế giới, kinh tế chúng ta phát triển, đời sống nhân dân khá lên, nhưng tất cả chỉ tập trung vào phố cổ thì sự tĩnh lặng của Hội An sẽ mất đi. Nếu Hội An nhốn nháo, ồn ào, xô bồ như những thành phố khác thì chúng ta thua ngay từ đầu” - Bí thư Thành ủy Hội An, Nguyễn Sự nói. Như vậy, việc đặt vấn đề bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Hội An từ góc độ văn hóa ứng xử của con người là hướng bảo tồn mang tính lâu dài và bền vững.

Trước đây, JICA cũng từng khẳng định rằng sẽ hỗ trợ kinh phí để trùng tu, thậm chí hỗ trợ đến 100% tổng giá trị công trình, chỉ với một điều kiện: chủ di tích phải ở trong ngôi nhà của mình và không được bán cho ai. Từ chuyện này có thể hiểu rằng, công tác bảo tồn phải bắt đầu từ những giá trị bền chặt của đời sống sinh hoạt trong từng gia đình. Phải giữ gìn cả các dấu vết kiến trúc bên cạnh giềng mối sinh hoạt, nếp sống thường nhật của mỗi gia đình mới có thể giữ lại phần “hồn” của cả một quần thể di sản vốn đã được cộng đồng quốc tế công nhận bởi “những giá trị không trùng lặp”.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn Di sản Hội An: Bắt đầu từ văn hóa ứng xử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO