Bảo tồn di sản ở Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 12/06/2023 07:20

(VHQN) - Tam Kỳ có nhiều di sản kiến trúc đình miếu, nhà thờ tiền hiền và các ngôi mộ xưa đậm dấu tích văn hóa. Đến nay, ngoại trừ một số di sản kiến trúc đã được ngành văn hóa địa phương xếp hạng, số còn lại nằm rải rác trên địa bàn các xã phường rất cần được khảo sát, đánh giá và đưa vào danh mục bảo tồn.

Miếu Bà Lai La ở phường Tân Thạnh lúc chưa trùng tu.
Miếu Bà Lai La ở phường Tân Thạnh lúc chưa trùng tu.

Từ sau ngày đổi mới, các phường xã ở Tam Kỳ đã nổi lên phong trào phục hồi các di tích thờ tự xưa. Nhiều đình miếu đã được tu bổ hoặc phục dựng, nhiều nhà thờ tiền hiền, nhà thờ tộc, khu mộ tiền hiền được tu bổ với nhiều văn tự chữ Nho, chữ Nôm trên hoành phi, liễn đối được phục chế hoặc làm mới.

Từ việc phục hồi di sản đã định danh

Ở địa bàn Tam Kỳ, các đình Mỹ Thạch (phường Tân Thạnh), Phương Hòa (phường Hòa Thuận), Thạch Tân (xã Tam Thăng), Vĩnh Bình (xã Tam Thăng), Hương Trà (phường Hòa Hương)… đã được trùng tu, phục dựng ngay trên nền cũ và đã được xếp hạng di tích kiến trúc.

Mộ ông tiền hiền tộc Lê làng Trường Xuân đã được trùng tu và công nhận là di tích văn hóa - lịch sử. Khu mộ các vị thủy tổ và ông bà tiền hiền tộc Trần (xã Tam Kỳ xưa) đã được gia tộc xây mới.

Nhưng vẫn còn nhiều di tích tuy đã được phục dựng vẫn còn những điều phải bàn bạc thêm. Đình Quý Thượng (thôn Quý Thượng, xã Tam Phú) được dựng mới trên nền cũ của đình làng/xã Phú Quý Thượng xưa, hiện chưa có sự thống nhất của cư dân địa phương về việc bố trí nội dung thờ tự trong nội đình bởi các tư liệu về nội dung thờ tự gốc đã không còn.

Trên địa bàn phường Tân Thạnh hiện nay có ngôi miếu cổ nằm trên xứ đất có tên Bà Lai La. Gần đây, do mở đường, miếu được phục dựng sát bên nền cũ. Tuy vậy, do không xác định được miếu này thờ thần Bà Lai La (theo truyền khẩu ở địa phương là một nữ thần Chăm cùng tên với xứ đất) hay là Miếu Bà (thờ Nam Hải tứ vị thánh nương) vốn là hệ thống miếu phổ biến ở vùng ven các con sông ở Tam Kỳ, nên cư dân địa phương vẫn loay hoay với việc bố trí chữ nghĩa phục vụ cho đúng đối tượng thờ tự.

Mộ cổ (ông Huỳnh Hoàn Nhân) ở phường An Sơn, Tam Kỳ.
Mộ cổ (ông Huỳnh Hoàn Nhân) ở phường An Sơn, Tam Kỳ.

Liên quan đến đình Hương Trà, vừa qua đã sưu tầm được mấy bản sao các sắc phong từng được thờ ở đình này. Có các bản sao này là do các bản chính bị hỏng nên Lý trưởng Trần Cương/Cang lúc đương thời (năm Đồng Khánh thứ 2 - 1887) làm đơn gửi lên tỉnh xin chứng nhận để gửi ra triều đình xin cấp lại.

Dựa trên các bản sao có đóng dấu chứng nhận của Tuần phủ Nam Ngãi còn lưu, có cư dân địa phương đặt vấn đề nên tìm cách phục chế các phiên bản sắc phong ấy, treo trên vách đình cho mọi người được biết dấu tích tư liệu xưa.

Qua mấy ví dụ trên, có thể thấy, việc phục hồi di sản kiến trúc thờ tự xưa ở Tam Kỳ nói riêng và cả tỉnh nói chung cần phải được nghiên cứu thêm ở nhiều khía cạnh: đối tượng và mục đích thờ tự, chữ nghĩa minh họa cho việc thờ tự, chưa kể đến việc xác định kỹ các yếu tố gốc để làm cơ sở cho việc phục hồi.

Cần sự chung tay

Ở Tam Kỳ, nhiều ngôi mộ tiêu biểu cho kiến trúc mộ xưa - từng có các nhà nghiên cứu khảo sát - đã di dời do quy hoạch thành phố như mộ bà Thục Đức (trước ở phường An Xuân), mộ ông hào mục thôn Bàn Thạch có tên Nguyễn Tuân Mỹ (ở phường An Mỹ).

Đến nay khá nhiều mộ xưa vẫn còn nằm nguyên vị trí, trong đó có nhiều mộ tiêu biểu cho phong cách kiến trúc và cách thể hiện minh văn trên mộ vào giữa thời Nguyễn, như mộ vợ chồng ông Huỳnh Hoàn Nhân (ở phường An Sơn) hoặc gắn liền với huyền thoại dân gian như mộ ông Nguyễn Đức Lánh (ở phường Hòa Hương).

Mặt tiền Lăng Cá ông ở xã Tam Thanh. ảnh: Phú Bình
Mặt tiền Lăng Cá ông ở xã Tam Thanh. Ảnh: Phú Bình

Nhiều ngôi mộ danh nhân Tam Kỳ vẫn còn là mộ đất (như mộ ông Doãn Văn Xuân - người Tam Kỳ đầu tiên đỗ hương tiến/cử nhân vào thời Gia Long) hoặc ít người biết đến (mộ ông Nguyễn Văn Xán - từng là Sơn phòng sứ Quảng Nam thời Nguyễn).

Nhiều miếu thờ ven sông, trong đó tiêu biểu là miếu Bà vạn Tân Hội (xã Tam Phú) với các bàn thờ “Nam hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần” (thờ Cá Ông), “Tiêu diện đại sĩ” (thờ thần cai quản nghĩa trủng), “Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương” và các câu đối rất xưa cần được nghiên cứu tận tường.

Vùng cát nằm giữa sông Trường Giang và Biển Đông thuộc các làng Tỉnh Thủy, Hòa Thanh xưa cũng còn rất nhiều di sản, di tích cần được thống kê và nghiên cứu.

Làm thế nào để sưu tầm đầy đủ và nhận diện đúng giá trị của di sản kiến trúc, văn hóa xưa còn hiện diện? Làm thế nào bảo vệ được hiện trạng để trên cơ sở đó có kế hoạch trùng tu và bảo tồn?

Cần phải kêu gọi các nhà nghiên cứu văn hóa tham gia việc khảo sát như thế nào để bảo đảm việc phục dựng, phục hồi gần với các yếu tố gốc nhất? Đó là việc cần có sự góp sức của cộng đồng, đặc biệt là các gia đình, gia tộc và các địa phương có liên quan đến di sản.

Ở Tam Kỳ, từng có nhiều người nhiệt tâm với việc bảo tồn di sản như ông Ngô Duy Trí (phường An Phú - đã qua đời), ông Trà Xuân Hinh (phường Phước Hòa - đã qua đời), ông Trần Văn Tuyền (98 tuổi, ở phường Hòa Hương)…

Còn có nhiều cá nhân trong các họ tộc đang tuổi hưu trí rất nhiệt tâm với việc tộc họ, việc làng xã. Cần có một sự phối hợp của các vị ấy và các nhà nghiên cứu (qua các cuộc tọa đàm, hội thảo do ngành văn hóa địa phương tổ chức) để phát hiện, sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá, chọn lọc tư liệu giúp phục hồi các di sản đang có nguy cơ mai một.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn di sản ở Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO