Di sản văn hóa dưới nước của Việt Nam đang ngày càng được cộng đồng quan tâm, bởi các giá trị kinh tế cũng như văn hóa mà nó sở hữu. Nhưng làm cách nào để bảo tồn tốt nhất loại hình di sản này đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu khoa học cũng như văn hóa tìm lời giải.
Lặn tìm di chỉ Chăm trên sông Thu Bồn. Ảnh: NGUYỄN THƯỢNG HỶ |
NHẬN DIỆN NHỮNG THÁCH THỨC
Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn di sản văn hóa dưới nước vì lợi ích cộng đồng: Sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia” tổ chức cuối tuần qua ở Hội An, những thách thức đã được nhận diện. Cùng với đó, các phương pháp bảo tồn được đưa ra, ngõ hầu đánh thức các giá trị quý báu của loại hình di sản này.
Khó khăn và thách thức
Hội thảo với sự tham gia của đại biểu đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nhằm tìm cách bảo tồn những di sản văn hóa dưới nước, chia sẻ những bài học về công tác quản lý và bảo vệ di sản cũng như kinh nghiệm bảo tồn, kinh nghiệm làm việc của mình. Chọn hướng bảo tồn để “đánh thức” giá trị kho báu dưới nước này đang là bài toán khó với các quốc gia, cũng như ngành khảo cổ dưới nước còn rất non trẻ của Việt Nam. Khó khăn lớn nhất hiện tại ở các địa phương ven biển miền Trung của Việt Nam, theo những người làm công tác bảo tồn hiện vật trục vớt, không chỉ ở vấn đề tìm kiếm hiện vật mà còn cả vấn đề bảo quản sau khai quật. Phần lớn số hiện vật ở các bảo tàng tỉnh dọc ven biển miền Trung được thu giữ từ hoạt động trục vớt trái phép của người dân, hoặc được người dân phát hiện, báo cho cơ quan chức năng thu gom. Chỉ một số ít là do Nhà nước phối hợp với doanh nghiệp trục vớt kể từ những năm 1990 đến nay. Cùng với đó là sự lúng túng trong việc bảo tồn các hiện vật trục vớt. Chưa kể, việc lặn tìm cổ vật trái phép vẫn đang xảy ra nhức nhối ở các địa phương ven biển.
Theo nhận định từ hội thảo, các di sản văn hóa dưới nước đang đối diện với nhiều thách thức rất lớn: Số hiện vật đã được trục vớt thì đang bị hư hỏng trong các bảo tàng; số khác bị “tuồn” bán ra nước ngoài, số còn ở dưới nước luôn đối mặt với nguy cơ săn tìm, trộm cắp… PGS-TS. Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, di sản văn hóa dưới nước tồn tại trong một môi trường riêng biệt khó tiếp cận, khó kiểm soát và quản lý. Di sản văn hóa dưới nước là một phần di sản của nhân loại, có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin vô giá về mối liên hệ giữa văn hóa và kinh tế, mô hình di cư và thương mại, sản xuất và xuất khẩu trong quá khứ. “Trong những thập kỷ gần đây, di sản văn hóa dưới nước trên toàn thế giới đang gặp nguy hiểm và phải đối diện với rất nhiều mối đe dọa, như là các hoạt động trực tiếp dưới nước của con người, sự xâm nhập của máy móc, thiết bị và công trình kỹ thuật, hoặc tác động của thiên nhiên, hay do nhiều nguyên nhân khác” - ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước, cộng đồng và các di sản phải được xích lại gần nhau, phải chỉ cho cộng đồng thấy những giá trị mà di sản mang lại, bao gồm cả giá trị kinh tế. Đây cũng chính là hướng tiếp cận để nâng cao nhận thức của công chúng về bảo vệ di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa dưới nước nói riêng.
Chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia
Hiện nay, ở một số quốc gia đã có cách bảo tồn di sản văn hóa dưới nước rất hiệu quả mà Việt Nam cần phải học hỏi. Tuy nhiên, để công tác khai quật, bảo tồn được tiến hành suôn sẻ và nhận về kết quả nghiên cứu tốt nhất, trước hết phải có hành lang pháp lý bảo vệ những di sản này. Cùng với đó, là nâng cao nhận thức của người dân trong việc không lấy trộm hay phá hủy các di sản. “Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có máy móc, trang thiết bị đáp ứng môi trường khai quật đặc biệt đối với di sản văn hóa dưới nước. Trong khi đó lại thiếu lực lượng chuyên gia có kiến thức về khảo cổ học biển. Nhưng tôi tin rằng, để đáp ứng tiềm năng di sản văn hóa dưới nước, Việt Nam sẽ sớm phát triển đưa ngành khảo cổ học dưới nước lên tầm cao mới. Có như vậy mới làm tốt công tác khai quật, bảo tồn di sản văn hóa dưới nước” - GS. Cheng hwa Tsang, đến từ Viện Hàn lâm Sinica Đài Loan, chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu của Cục Nghiên cứu và phát triển Biển và Ngư nghiệp trực thuộc Bộ Hải vụ và Ngư nghiệp Indonesia cho hay, hoạt động nghiên cứu của Indonesia tập trung vào nguồn tài nguyên khảo cổ học biển dựa trên việc bảo tồn tại chỗ di tích và hệ sinh thái biển. Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu này là khảo cổ học biển hỗ trợ bởi nghiên cứu liên ngành, chẳng hạn như địa chất biển và địa vật lý, hải dương học, sinh học biển và sinh thái học, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Liên quan tới những vấn đề này, phạm vi nghiên cứu khảo cổ học biển ở Indonesia rộng hơn và không chỉ tập trung vào hàng hóa tàu đắm. “Di tích lưu giữ những khía cạnh của lịch sử, chẳng hạn như cấu trúc tàu đắm, dấu vết cảng cổ, hải đăng hay xác máy bay rơi trên biển. Trong tương lai, những di tích này sẽ được bảo tồn tự nhiên trong môi trường biển và nó là một phần quan trọng trong nguồn tài nguyên khảo cổ học biển ở Indonesia” - ông Eko Rudianto, đại diện nhóm nghiên cứu Indonesia, nói.
Theo các nhà khoa học đến từ những quốc gia Đông Nam Á, trong khảo cổ học dưới nước, nếu không có sự hợp tác quốc tế, việc thực hiện các hoạt động sẽ hết sức khó khăn bởi vấn đề tài chính, thiết bị, kinh nghiệm chuyên môn. Việc đào tạo một chuyên gia về khảo cổ học dưới nước cũng là quá trình rất tốn kém về thời gian và tiền bạc. “Liên kết, hợp tác xây dựng một mạng lưới chung để cùng nhau nghiên cứu những giải pháp thật sự hữu hiệu tham mưu cho chính phủ của mình trong việc bảo vệ, quản lý và phát huy các di sản văn hóa dưới nước, là một động thái cần hướng tới khi muốn bảo tồn di sản văn hóa dưới nước” - ông Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, nói.
LÊ QUÂN
HỘI AN KHÓ BẢO QUẢN SAU KHAI QUẬT
Viện Khảo cổ học Việt Nam đã có quyết định thành lập Trung tâm Khảo cổ học dưới nước tại TP.Hội An. Nhân đây, PV Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An xung quanh việc khai quật và bảo quản hiện vật dưới nước ở Hội An.
Vùng biển Cù Lao Chàm vẫn còn nhiều cổ vật chưa được khai quật. |
PV: Ông có thể cho biết mục tiêu của Viện Khảo cổ học khi thành lập Trung tâm Khảo cổ học dưới nước tại Hội An?
Ông Nguyễn Chí Trung: Khảo cổ học dưới nước là một ngành mới mẻ với chúng ta và bây giờ mới bắt đầu được chú ý. Hình thành Trung tâm Khảo cổ học dưới nước tại Hội An, mục tiêu đầu tiên là làm sao để thời gian đến tạo được sự quan tâm của địa phương, các cấp chính quyền nhà nước và cộng đồng dân cư đối với tài nguyên di sản dưới nước. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện đào tạo về con người, như là một phương tiện để quản lý tài nguyên dưới nước, cũng như các di sản văn hóa dưới nước tốt hơn. Tỉnh đã có quyết định bố trí đất, Hội An đang khảo sát để có đề xuất về vị trí, dự kiến chọn ở Thanh Hà. Viện Khảo cổ học đã xây dựng đề án và được Chính phủ thông qua.
Phải nói lại rằng, Trung tâm Khảo cổ học dưới nước là do Viện Khảo cổ học Việt Nam thành lập, Hội An và Quảng Nam hỗ trợ về vị trí đất, tạo điều kiện cho họ xây dựng. Dự kiến trong năm 2017 này sẽ xúc tiến xây dựng hạ tầng.
PV: Lâu nay, những vấn đề liên quan đến di sản dưới nước, Hội An làm như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Chí Trung: Hội An nằm ở vùng cửa biển, trên đường giao thương mậu dịch quốc tế nên di sản dưới nước rất lớn, có những con tàu đắm nằm trên tuyến đường này. Những năm 1997, 1998, 2000 đã tổ chức khảo cổ về những con tàu đắm này. Không chỉ Hội An, các tỉnh ven biển miền Trung đều có tiềm năng về di sản dưới nước. Hội An còn có rất nhiều dữ liệu về bến cảng, thương cảng cổ. Nhưng Hội An không có lực lượng chuyên về ngành khảo cổ học. Trước đây, khi ngư dân đánh bắt cá gặp được cổ vật dưới nước thì Nhà nước, cơ quan chuyên môn mới vào cuộc, nhưng cũng chỉ là tổ chức cho các công ty nước ngoài đấu thầu rồi chia tỷ lệ lại cho mình.
PV: Tại sao Viện Khảo cổ học lại chọn Hội An để thành lập Trung tâm Khảo cổ học dưới nước?
Ông Nguyễn Chí Trung: Thứ nhất, vì Hội An là một trong những thương cảng quốc tế nổi tiếng, từ đầu Công nguyên đến thế kỷ thứ 17, 18. Và tại đây cũng đã có điều kiện của một đô thị thương cảng quốc tế. Hội An cũng có điều kiện về mặt bảo tàng học, trung tâm của quốc tế về du lịch, các nhà nghiên cứu khoa học quốc tế tập trung nhiều. Đồng thời chúng tôi cũng đã đưa ra các ý tưởng về việc phục dựng thương cảng thuyền buồm Hội An, một bảo tàng về hải dương học, bảo tàng thuyền buồm cổ… Nghĩ ra nhiều thứ những không dễ làm được. Đầu tư được cái này thì phải tầm cỡ lớn. Xuất phát từ những ý đó nên có lẽ Viện Khảo cổ học nhìn thấy ở Hội An một tiềm năng lớn để không chỉ quản lý tốt hơn tài nguyên di sản dưới nước, mà còn có thể kích thích sự quan tâm của cộng đồng…
Hiện vật trục vớt được tại vùng biển Cù Lao Chàm đang được trưng bày tại Bảo tàng Hội An. Ảnh: S.A |
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện bảo quản cổ vật sau khai quật, đặc biệt là các cổ vật trục vớt được dưới đáy biển?
Ông Nguyễn Chí Trung: Đối với Việt Nam, chuyện này vẫn còn khó. Trục vớt cổ vật dưới biển, nếu không có cách bảo quản, đồng nghĩa với việc phá hủy nó. Nhiều khi nó nằm ở đáy biển, cả nước biển lẫn nhiệt độ sẽ giúp hiện vật tồn tại hàng nghìn năm. Nhưng khi đưa lên, từ nhiệt độ, cộng với ra khỏi môi trường nước biển, hiện vật sẽ bị hư hại. Ở Việt Nam, ngành bảo quản hiện vật sau khai quật vẫn là vấn đề lớn, không riêng gì cổ vật dưới đáy biển mà cả trong lòng đất cũng thế. Không chỉ ở đáy biển mà còn ở những vùng dọc ven biển, vùng đầm lầy vẫn được tính vào những khu vực có tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước.
Thế giới bây giờ người ta có cả hướng bảo quản ngoài trời, hay bảo tàng ngoài trời, tức là khai quật, giữ lại ngoài hiện trường, bảo quản ngoài trời trong điều kiện gốc đó. Hay số hóa 3D với các hình thức khảo cổ học, tức là không cần đào, nhưng bằng các phương pháp kỹ thuật, thiết bị soi xuống để biết dưới đó có cái gì.
PV: Theo ông, câu chuyện khai quật ở Hội An sẽ tiếp tục như thế nào?
Ông Nguyễn Chí Trung: Mấy năm nay, nhiều người hỏi tại sao trong khi những năm trước đó Hội An tổ chức công tác khai quật rất mạnh mẽ, thì gần đây không thấy tiến hành khai quật khảo cổ, tôi cũng thẳng thắn nói là chưa thể làm được. Vì bây giờ, khai quật khảo cổ học phải song song với có phương pháp bảo quản tốt. Như tôi đã nói, nếu khai quật nhưng không có phương pháp bảo quản sẽ đồng nghĩa với anh phá nó.
Hội An còn rất nhiều tài nguyên dưới biển và trong lòng đất. Dự kiến trong năm 2017 này Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Trung tâm Hợp tác quốc tế của Trường Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) sẽ tiếp tục nghiên cứu ở Cù Lao Chàm. Vì trên đảo này, các di chỉ ở Bãi Ông vẫn còn rất lớn, nhưng chưa dám khai quật. Mấy năm trước cũng đã khai quật, sau đó đổ bê tông kè cho khỏi xói lở, rồi không dám làm tiếp, vì không có điều kiện bảo quản. Người ta làm chuyên nghiệp, sẽ nghiên cứu cụ thể môi trường của hiện vật trong lòng đất như thế nào, để sau khi khai quật đưa vào bảo quản trong môi trường có những điều kiện tương ứng. Trong khi đó, các bảo tàng của Hội An gần như chỉ là tận dụng, từ các ngôi nhà cũ hoặc xây dựng chưa đảm bảo tiêu chuẩn, những điều kiện thiết bị cho một bảo tàng chưa có.
Hiện nay nguy cơ lớn nhất biến dạng là hiện vật đồ sắt. Ngay cả đồ gốm cũng vậy, đến lúc tự nhiên nó sẽ bung ra. Đặc biệt, các đồ gốm vớt từ dưới biển, vì trước khi đưa lên nó đã được ngâm trong nước biển, giờ lên gặp môi trường, nắng khô thì tự nó sẽ bị hủy hoại. Nhưng nếu sợ quá mà không khai quật hiện vật thì cũng không thể biết được giá trị của vùng miền đó.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
SONG ANH (thực hiện)
GÓC NHÌN VỚI DI SẢN
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương: Miền Trung có nhiều tiềm năng và triển vọng khảo cổ học dưới nước
Vùng đất này là một cái nôi của thời đại kim khí ở Việt Nam với những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng, chẳng hạn Sa Huỳnh, Lai Nghi, Đại Lãnh, Hòa Diêm, từng là lãnh thổ của vương quốc Chămpa và của các vương triều Nguyễn. Nền tảng kinh tế của các vương quốc cổ này đều dựa vào sự điều hành mạng lưới thương mại nội địa kết nối với hải thương quốc tế. Xưa kia vương quốc Chămpa sở hữu một vùng duyên hải dài hơn 1.000km và đã thiết lập hệ thống cảng - thị hay tiểu quốc cảng - thị tọa lạc trên những cửa sông lớn. Hệ thống cảng - thị này là những kho hàng quốc tế trung chuyển hàng hóa cho toàn vùng Nam Á và Đông Á cũng như cho những vùng thượng du và cao nguyên trong nội địa bán đảo Đông Dương…
Một phần bánh lái của con tàu chở cổ vật thế kỷ XV bị đắm ở Cù Lao Chàm được trưng bày tại xã đảo Tân Hiệp (Hội An). |
Trong ba mươi năm qua, đã có nhiều cuộc phát hiện và khai quật các con tàu đắm tại những vùng biển dọc theo duyên hải miền Trung. Chẳng hạn Cù Lao Chàm, Bình Châu, Phan Thiết. Những con tàu đắm này có niên đại từ thế kỷ 8 - 9 đến thế kỷ 18 - 19. Ngoài ra, hệ thống sông ngòi của miền Trung cũng ẩn chứa nhiều tiềm năng cho ngành khảo cổ học dưới nước, khả dĩ đem ra ánh sáng những chứng cứ vật chất của nền văn minh bản địa qua các giai đoạn lịch sử từ thời tiền sử cho đến cận đại.
Chuyên gia Sugiarta Wirasantosa (Indonesia): Bảo tồn khảo cổ học biển và môi trường
Quản lý và sử dụng tài nguyên khảo cổ học biển phải tập trung vào việc bảo tồn và duy trì tính bền vững của các di tích như nguồn tài nguyên không thể tái sinh và hệ sinh thái biển như tài nguyên sống. Sự tồn tại của các di tích khảo cổ học biển gắn với hệ sinh thái hình thành khái niệm “Công viên khảo cổ học sinh thái biển”. Mô hình thực hiện khái niệm này nhằm bảo tồn cùng lúc các di tích khảo cổ học biển và môi trường. Điều này sẽ có những tác động tích cực đến người dân địa phương và những thế hệ tương lai có thể hưởng thụ giá trị văn hóa biển được lưu giữ trong những nguồn tài nguyên khảo cổ học biển như là di sản văn hóa dưới nước.
GS-TS. Nguyễn Quang Thuấn - Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: Nghiên cứu và quản lý di sản văn hóa dưới nước theo phương pháp riêng
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về di sản văn hóa dưới nước với đường bờ biển dài 3.260km và một hệ thống sông ngòi chằng chịt. Điều này cũng có ý nghĩa là việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản này đặt ra cho các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ và giải quyết. Chúng ta biết rằng di sản văn hóa dưới nước là loại hình di sản đặc biệt bởi nó thuộc về một môi trường đặc biệt mà không một ai bằng cách thông thường có thể nhận biết được. Nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước phải theo một phương pháp riêng, quản lý di sản văn hóa dưới nước cũng phải theo một cách thức riêng. Di sản văn hóa một khi được cộng đồng trên thế giới đón nhận sẽ thành tài sản chung của nhân loại. Trong tình hình hiện nay, những thách thức trong việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa trong đó có di sản văn hóa dưới nước là hết sức lớn, không chỉ riêng cho một quốc gia nào. Di sản văn hóa đang bị phá hoại, khai thác bất hợp pháp từng ngày từng giờ, cả vô thức và có chủ đích. Vậy nên rất cần sự hợp tác và nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu để phát huy tối đa các di sản trong đời sống cộng đồng.
S.A (ghi)