Bảo tồn đô thị cổ Hội An: Tìm tiếng nói chung

LÊ QUÂN - MINH HẢI 04/12/2013 08:37

Hôm qua 3.12, UBND TP.Hội An tổ chức gặp một số chủ di tích, đại diện tổ quản lý di tích vùng ven, cộng tác viên bảo tồn di sản, lãnh đạo địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan trên địa bàn để trao đổi, rút kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố.

Trưng bày hàng hóa mua bán trong khu phố cổ cũng là vấn đề lãnh đạo TP.Hội An cần quan tâm để giữ gìn hình ảnh di sản trong mắt du khách. Ảnh: M.HẢI
Trưng bày hàng hóa mua bán trong khu phố cổ cũng là vấn đề lãnh đạo TP.Hội An cần quan tâm để giữ gìn hình ảnh di sản trong mắt du khách. Ảnh: M.HẢI

Hội An hiện có 1.360 di tích, riêng trong khu phố cổ có 1.107 di tích gồm nhà ở, hội quán, miếu, đình, nhà thờ, chùa; trong đó hơn 82% số di tích này thuộc sở hữu tư nhân và tập thể. Với số lượng di tích nhiều như vậy, việc bảo vệ di tích rất cần sự chung tay của cộng đồng.

Ý kiến người trong cuộc

Thời gian qua, TP.Hội An đã thực hiện cắm bia, cắm mốc  di tích; duy trì và phát huy hiệu quả đội ngũ cộng tác viên trong bảo tồn di sản. Trong năm 2013, thành phố đã thực hiện tu bổ 16 di tích với tổng kinh phí 16 tỷ đồng; ngoài ra, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích. Công tác phát huy hiệu quả di tích cũng đạt nhiều thành tựu như: xây dựng các hoạt động, lễ hội văn hóa thành sản phẩm du lịch hấp dẫn tại khu phố cổ; bổ sung di tích nhà thờ tộc Nguyễn Tường vào ô vé tham quan khu phố cổ tại Hội An; gắn hoạt động bảo vệ môi trường di sản với xây dựng thành phố văn hóa…

Cuộc gặp mặt lần này cũng chính là diễn đàn nhằm tìm tiếng nói chung trong gìn giữ di sản. Gần 120 đại biểu là lãnh đạo thành phố, các ban ngành đoàn thể, đại diện các chức sắc tôn giáo cùng đại diện các chủ di tích trên địa bàn, đã tham gia hàng chục lượt ý kiến xoay quanh các vấn đề về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An trong thời gian qua. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất đầy tâm huyết về việc gìn giữ di sản và hình ảnh của di sản trong lòng du khách tại từng điểm tham quan, di tích. Ông Lê Huyễn - người coi sóc Tín Nghĩa Từ (chùa Ông) cho rằng, thành phố cần nâng chế độ cho những người phụ trách bảo vệ các di tích. Ngoài ra, theo một số đại biểu, cùng với sự đầu tư bảo tồn cho khu vực nội thị, thành phố cũng cần có phương án đầu tư cho khu vực lân cận, giữ được vùng đệm cho các di tích và chú trọng đúng mức đến các di tích lịch sử trên địa bàn. Điều này sẽ giúp cho thành phố và các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý, phát huy giá trị di sản Hội An ngày càng tốt hơn trong thời gian đến.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn di tích ở khu phố cổ, ông Trần Niên Dũng, chủ nhà cổ số 96 Trần Phú - căn nhà vừa xảy ra hỏa hoạn vào tháng 7.2013 cho rằng, đa số di tích ở Hội An là nhà gỗ, mùa nắng sẽ gây nứt gỗ nên mùa mưa dẫn đến tình trạng nước mưa thấm, rò rỉ gây hư hỏng. “Chúng tôi mong thành phố có kinh phí để hằng năm tổ chức kiểm định trình trạng di tích, kiểm định thường xuyên, không nên để nhà đã mục nát mới tổ chức kiểm định. Đồng thời thành phố cần giải quyết nhanh các thủ tục để có thể kịp thời cấp giấy phép khi người dân muốn tu bổ nhà” - ông Dũng nói.

Nhiều vấn đề đặt ra

“Bảo vệ di sản, di tích không chỉ có về mặt quản lý nhà nước mà phải có sự chung tay của 3 nhà “nhà nước, nhà chuyên môn, chủ nhà - chủ di tích”. Quan trọng hơn là ý thức bảo vệ, cùng nhau gìn giữ tài sản vô giá của các vị tiền bối, cha ông đã để lại cho chúng ta. Ai cũng phải “giác ngộ” để vừa bảo vệ vừa khai thác tiềm năng di sản, chứ nếu ai cũng chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà bỏ quên việc bảo vệ di tích di sản của cha ông thì tất cả đều vô nghĩa”.
(Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP. Hội An)

Một vấn đề mà nhiều chủ di tích cũng như những nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm trong công tác bảo tồn di tích hiện nay là sự biến đổi khí hậu và việc đồng sở hữu nhiều di tích, khiến thành phố lúng túng trong công tác xác định chủ sở hữu để thực hiện trùng tu. Ông Phùng Tấn Đông chia sẻ: “Thành phố cần nghiên cứu giải pháp tối ưu cho những di tích đồng sở hữu, làm sao để thỏa thuận được giữa hai bên tranh chấp. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch tổng thể thích ứng với biến đổi khí hậu, lộ trình biến đổi khí hậu”. Còn theo ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, những vấn đề thành phố cần quan tâm quản lý, giải quyết trong công tác bảo tồn di tích hiện nay là trưng bày hàng hóa trong di tích, vấn đề vệ sinh, mỹ quan trong các di tích và  những vụ mất hiện vật tại di tích (trong năm 2013 đã xảy ra 2 trường hợp hiện vật tại di tích bị đánh cắp). Bên cạnh đó việc tu bổ tôn tạo di tích sai giấy phép, đưa nội dung văn hóa phi vật thể không phù hợp vào di tích và một số vướng mắc trong tổ chức tu bổ di tích tư nhân - nhà nước như chưa xác định quyền sở hữu, chưa đủ kinh phí… cũng là những vấn đề mà các di tích ở Hội An đang gặp phải.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng: “Để đáp ứng yêu cầu tu bổ nguyên trạng di tích, vấn đề đặt ra hiện nay là vật liệu trùng tu rất hiếm, đặc biệt là gỗ. Hội An đang đề nghị với tỉnh ưu tiên về nguyên vật liệu mới trùng tu được. TP.Hội An cũng sẽ rà soát lại các mặt hàng kinh doanh, trong đó có các mặt hàng dễ cháy nổ. Phố cổ không phải là cái kho chứa hàng, nên thành phố sẽ lập lại kỷ cương về kinh doanh cũng như đảm bảo mỹ quan của di tích và phòng chống cháy nổ các di tích, nhà cổ của khu phố cổ”.

LÊ QUÂN - MINH HẢI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn đô thị cổ Hội An: Tìm tiếng nói chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO