Đề tài “Điều tra tình hình phân bố, chọn lọc và bảo tồn giống tiêu Tiên Phước, bưởi trụ lông Đại Bình - Nông Sơn, Quảng Nam”, do ThS. Phan Hùng Vĩnh chủ nhiệm, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam chủ trì góp phần bảo tồn nguồn gen đặc hữu bản địa.
Thoái hóa giống, giảm năng suất
Cây tiêu Tiên Phước và bưởi trụ lông Đại Bình là những loài cây đặc hữu của Quảng Nam, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Tiêu Tiên Phước có mặt trên địa bàn tỉnh những năm 1980 - 1990 với tổng diện tích lên tới 450ha, giá cả hiện ở mức 700 - 800 nghìn đồng/kg đối với tiêu đen lẫn tiêu sọ. Bưởi trụ lông cũng là cây ăn quả đặc sản, được trồng nhiều ở thôn Đại Bình khoảng 60ha, với hơn 200 hộ trồng. Song do tập quán của người dân trong vùng trồng theo hình thức quảng canh, cây giống sử dụng chủ yếu là chiết cành, chưa chọn lọc cây đầu dòng có đặc trưng để bảo tồn giống nên năng suất bưởi ở vùng ngày càng thấp, chỉ còn 10 - 12 tấn/ha.
ThS. Phan Hùng Vĩnh chia sẻ, từ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, tiêu Tiên Phước hiện nay phát triển xấp xỉ 150ha, trong đó 50ha đang cho quả. Người dân Tiên Phước còn đưa các giống tiêu Vĩnh Linh, tiêu Gia Lai, Ấn Độ về trồng đạt năng suất, song chủ lực vẫn là tiêu bản địa. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một cách tổng quát, đầy đủ để bảo tồn và phát triển nguồn gen chưa được đầu tư đúng mức. Với cây bưởi trụ Đại Bình, đến nay đã có nhiều đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, cấp Nhà nước cùng chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón của Chương trình khoa học - công nghệ (KH-CN), dự án KH-CN và các cơ chế hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo... Theo đó, diện tích trồng cây bưởi không ngừng tăng lên. Năm 2018, cây bưởi trụ lông Đại Bình được UBND tỉnh đưa vào phương án thí điểm phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Song, cũng như cây tiêu Tiên Phước, hiện tượng suy thoái và nguy cơ mất nguồn gen bưởi trụ lông Đại Bình rất lớn.
Bảo tồn nguồn gen
“Thời gian qua, các đề án, dự án phát triển tiêu Tiên Phước, trụ lông Đại Bình được triển khai nhưng cây tiêu cũng đối diện với nguy cơ dịch bệnh hại, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến năng suất, sản lượng sụt giảm; sản lượng bưởi trụ còn quá ít, việc kết nối thị trường hạn chế. Đề tài lần này góp phần bảo tồn nguồn gen đặc hữu, cấp giống xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trong dân. Song, cơ quan chủ trì và các địa phương vùng triển khai đề tài cần quan tâm tới vấn đề “hậu nghiệm thu”, đánh giá khả năng, sinh trưởng và phát triển của cây giống chuẩn trong thực tiễn để có hướng phát triển, nhân rộng”.(Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN)
Giai đoạn 2014 - 2019, ThS. Phan Hùng Vĩnh và cộng sự đã điều tra tình hình phân bố, chọn lọc và bảo tồn giống phục vụ khai thác và phát triển nguồn gen tiêu Tiên Phước và bưởi trụ Đại Bình. Đề tài điều tra, xách định đặc điểm nông sinh học, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và lập bản đồ phân bố giống tiêu Tiên Phước, bưởi trụ lông Đại Bình; tuyển chọn nguồn vật liệu ưu tú (cây đầu dòng) trong dân, xây dựng vườn nhân giống, xây dựng mô hình trồng mới để phục vụ cho công tác bảo tồn, phát triển giống tiêu Tiên Phước (tại xã Tiên Phong), bưởi trụ lông Đại Bình tại thôn Đại Bình, xã Quế Trung. Đề tài số hóa, tư liệu hóa nguồn gen để phục vụ công tác lưu trữ và bảo tồn giống tiêu Tiên Phước, bưởi trụ lông Đại Bình; đề xuất các giải pháp phát triển cụ thể…
“Qua 5 năm, không chỉ tạo vườn giống cây đầu dòng phục vụ bảo tồn gen đặc hữu, chúng tôi đã phối hợp với xã Tiên Phong xây dựng mô hình trồng mới cây tiêu với diện tích 5.000m2 với 2.400 cây tiêu giống trên diện tích đất gò đồi của một hộ dân xã Tiên Phong. Tỷ lệ cây tiêu sống trong vườn trồng đạt 2.300 cây, gần 96%, cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh hại. Chúng tôi cũng phối hợp với xã Quế Trung và HTX Nông nghiệp - du lịch - dịch vụ Đại Bình chọn 6 hộ dân có đủ điều kiện trồng cây con bưởi trụ lông với diện tích 0,5ha, gồm 250 cây bưởi trụ lông S2 được cấp từ đề tài (tỷ lệ sống là 180 cây). Các hộ được chọn triển khai mô hình được tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng tiêu, cây ăn quả sạch bệnh, quy trình trồng và chăm sóc cây, được hỗ trợ 100% giống, phân bón, chế phẩm vi sinh...” - ThS. Vĩnh nói.
ThS. Phan Hùng Vĩnh cho rằng, ngành nông nghiệp và tỉnh cần có chính sách bảo tồn trong sản xuất, đầu tư hơn nữa công tác lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống tiêu Tiên Phước, bưởi trụ lông Đại Bình. Công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa cần gắn với quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh bưởi trụ và tiêu Tiên Phước, tạo sản phẩm đặc hữu của tỉnh, tránh tình trạng lai tạo gây ảnh hưởng tới nguồn gen đặc hữu. Cây tiêu Tiên Phước cần tập trung tại huyện Tiên Phước và một số địa phương lân cận có điều kiện phù hợp. Cây bưởi trụ lông nên tập trung tại thôn Đại Bình, các xã ven sông Thu Bồn của Nông Sơn và Hiệp Đức. Bên cạnh đó cần có giải pháp hỗ trợ vùng sản phẩm đặc hữu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ...