Bảo tồn hát lý, nói lý Cơ Tu

VĨNH LỘC 19/11/2013 09:02

Huyện Đông Giang vừa mở lớp dạy nói lý, hát lý cho 20 học viên là thanh niên dân tộc Cơ Tu ở xã Arooih và xã Ba nhằm bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của loại hình nghề thuật truyền thống này.

Già làng Y Kông dạy nói lý, hát lý tại gươl làng.Ảnh: V.LỘC
Già làng Y Kông dạy nói lý, hát lý tại gươl làng.Ảnh: V.LỘC

Độc đáo

Theo già làng Y Kông (thôn Tống Cói, xã Ba), người trực tiếp hướng dẫn lớp học, nói lý, hát lý là hình thức ứng khẩu thường được sử dụng trong những buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đồng bào Cơ Tu như lễ hội, đám cưới, đám tang... Đặc biệt, hát lý, nói lý còn được dùng để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Nói lý, hát lý của người Cơ Tu là dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa ví cái này giải nghĩa cái kia giúp người nghe hiểu sâu vấn đề một cách cặn kẽ, chí tình. “Thông thường nói lý truyền thống chỉ được dùng vào những dịp có khách quý tới thăm khi làng đang có lễ hội hoặc đám cưới, nói lý trong lễ hỏi cưới vợ cho con” - già làng Y Kông cho biết. Khi có khách quý nơi khác đến thăm, làng đổ rượu cần mời khách uống, giết gà thết đãi. Trong bữa rượu, chủ làng cũng dùng hình thức nói lý bày tỏ lời lẽ khiêm tốn rằng rượu nhạt khách đừng chê; rượu có nhiều mấy cũng nói là xấu hổ vì ít quá. Tương tự, nói lý trong hỏi cưới vợ cho con cũng thể hiện sự nhún nhường bằng cách ví von khiêm tốn. “Bố mẹ đi hỏi cưới vợ cho con thường khiêm nhường bày tỏ rằng, nhà nghèo không có cái ná săn thú, không có hạt lúa để gieo, hôm nay đến đây báo với làng xin giống lúa về tỉa, xin cái ná về săn nếu làng đồng ý thì cho phép gặp gia đình để được giãi bày xin giống…” - già Y Kông diễn giải.

Nói lý - hát lý là cả một quá trình rèn luyện, trải nghiệm, học tập, tích lũy những cái hay cái đẹp trong cuộc sống hàng ngày, từ mối quan hệ giữa con người với nhau, đến thiên nhiên, sinh cảnh quanh vùng. Muốn nói lý, hát lý hay, sâu sắc, ngoài việc ăn nói lưu loát, nhanh trí tìm ra vần, biết lên bổng xuống trầm đúng lúc, đúng điệu..., điều cơ bản là phải hiểu cho rành rọt xã hội, đất và con người của vùng đất đó. Ví như khi trong câu hát “bên kia” nói tên một con suối, “bên này” phải biết đó là con suối cát hay đá, nước trong hay đục, sâu hay cạn, có nước bốn mùa hay chỉ có trong mùa mưa. Biết tường tận như vậy, khi nghe người hát nêu tên con suối là biết ngay họ nói đến cái tốt, cái trong sạch, cái bền bỉ thủy chung, hay cái xấu, cái không ổn định.

Già làng Y Kông cho rằng, so với nói lý, hát lý dễ hơn và bao giờ cũng hát sau nói lý, thường được cất lên bằng tiếng hát mở đầu “ô... ố... ô a dô a choong…” như là lời đệm của điệu nhạc, sau đó người hát sẽ chuyển tải nội dung những điều cần bàn, cần giải quyết. Khác với nói lý, hát lý chỉ tập trung vào 2 nội dung chính là hát khi có khách quý lâu ngày gặp lại, thể hiện sự mừng rỡ, kể lể những ngày xa cách nhớ nhung… và hát lý trong đám cưới để chúc mừng đôi trai gái hạnh phúc, ước mong 2 nhà cùng đoàn kết như môi với răng, thường xuyên thăm viếng nhau. “Hiện nay ở xã Ba chỉ còn vài người biết hát lý, nói lý thôi. Lớp trẻ cũng có đứa hát lý, nói lý nhưng không đúng, cũng  “ô... ố... ô a dô a choong…” nhưng nội dung thì sai nhiều lắm” - già Y Kông nói.

Truyền cho lớp trẻ

Tại các lớp tập huấn ở xã Ba và Arooih, dễ dàng nhận thấy sự hào hứng của các học viên. Đinh Nhóp - thôn Tàlâu, xã Ba cho rằng, tham gia lớp học, anh không chỉ hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu mà còn biết cách sử dụng nghệ thuật nói lý, hát lý vào những dịp phù hợp. “Già Y Kông dạy thích lắm. Già bày rằng, nói lý, hát lý cho người lớn tuổi thì phải dùng hình tượng, con vật có giá trị như con gấu đem mật quý, con voi xác to trên rừng, cây kiền kiền cao lớn… Được đi học mình mới biết rõ như thế” - anh Nhóp cho hay. Nói về đạo lý, về truyền thống cố kết cộng đồng bằng nói lý, hát lý, người Cơ Tu sử dụng những hình ảnh ví von độc đáo như: “Con cá phải sống dưới nước, con voi phải ở trên rừng. Con cá phải bơi thành đàn, con voi phải đi từng bầy”, hay “Cây lồ ô, cây tre trong rừng sống thành từng bụi, dây leo dây rừng dựa vào cây to, mới lớn, mới xanh, mới to, mới cứng. Dân làng ta phải như cây tre, phải như cái dây trong rừng”.

Theo ông Bhriu Long - Trưởng phòng VHTT huyện Đông Giang, đây là lần đầu tiên nghệ thuật nói lý, hát lý Cơ Tu được đưa vào tổ chức giảng dạy một cách bài bản. Lớp học sẽ giúp các học viên biết và nghe được hát lý, nói lý để về hướng dẫn lại cho người làng, từng bước hướng đến phục hồi phát triển loại hình nghệ thuật này ra toàn huyện. “Hát lý, nói lý luôn đòi hỏi sự ứng khẩu đối đáp nhanh nhưng phải thấu tình đạt lý nên người nghe phải suy nghĩ cân nhắc và có sự am hiểu nội dung mới có thể đối đáp lại. Do vậy, không phải ai cũng nói lý, hát lý được và giải thích đúng nghĩa để hiểu nhau” - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, sau khi kết thúc khóa học, Phòng VHTT huyện sẽ vận động các thôn, xã đưa nói lý, hát lý vào trong các buổi sinh hoạt thường kỳ tại địa phương. Nội dung sẽ tập trung vào việc tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, cùng nhau xây dựng nông thôn mới; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tảo hôn; nói không với ma túy… Ngoài ra, thông qua nói lý, hát lý sẽ giúp giải quyết những mâu thuẫn giữa các gia đình, dòng tộc, giữa các thôn bản theo hình thức hòa giải bằng lý lẽ như phong tục truyền thống Cơ Tu, góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu ngày càng tốt đẹp hơn.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn hát lý, nói lý Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO