Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý

ALĂNG NGƯỚC 04/01/2016 09:26

Mặc dù rất đa dạng về chủng loại, nhưng nguồn dược liệu quý trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, cần được bảo tồn và phát triển.

Đa chủng loại

Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc. Trong đó, nhiều cây thuốc quý như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, quế, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam... có giá trị kinh tế cao, chủ yếu mọc tự nhiên trong quần thể rừng và tập trung ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do tình trạng khai thác bừa bãi, nạn phá rừng nghiêm trọng khiến suy giảm nhanh về số lượng và thành phần loại cây thuốc quý. Do vậy, cần phải có hướng bảo tồn và phát triển, đảm bảo theo quy hoạch chung trên cơ sở giữ nguồn gen quý phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.

Việc phát triển sâm Ngọc Linh không chỉ tạo nguồn dược liệu quý, mà còn là cơ hội thoát nghèo cho người dân miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Việc phát triển sâm Ngọc Linh không chỉ tạo nguồn dược liệu quý, mà còn là cơ hội thoát nghèo cho người dân miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Dược sĩ Nguyễn Như Chính - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, qua các đợt khảo sát của các nhà chuyên môn về dược liệu học cho thấy, Quảng Nam là một trong những địa phương khá đa dạng và phong phú về chủng loại dược liệu với trữ lượng tương đối ổn định, phân bố tập trung ở các huyện miền núi. Nếu như Bắc Trà My được biết đến như địa danh của “hương rừng đất Quảng” với diện tích cây quế Trà My vào loại bậc nhất tỉnh, thì Tây Giang - xứ sở của cây sâm ba kích, đẳng sâm được đánh giá đảm bảo cả chất lượng và số lượng với hàng trăm héc ta đang được khoanh vùng và nhân rộng phát triển tự nhiên tại các cánh rừng già, nương rẫy của đồng bào. Hầu hết loài thuốc quý được phân bố đồng đều và rộng khắp ở các huyện miền núi của tỉnh như: mật nhân, ka’cun (huyện Đông Giang); sâm Ngọc Linh, quế (Nam Trà My); thất diệp nhất chi hoa, đinh lăng, gừng, tà vạt (Nam Giang)… “Tập trung phát triển dược liệu không chỉ đảm bảo cung ứng hậu cần về thuốc y học cổ truyền phục vụ hoạt động chữa trị, mà còn hướng đến việc hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa tạo được mô hình ngành nghề sản xuất, dịch vụ mới” - dược sĩ Nguyễn Như Chính cho biết thêm.

Tìm hướng bảo tồn

Tại cuộc hội thảo về bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu và ứng dụng cây thuốc, bài thuốc, phương thuốc y học cổ truyền trên địa bàn Quảng Nam (được Hội Đông y tỉnh tổ chức), nhiều ý kiến cho rằng nhất thiết phải xây dựng đề án bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý, đảm bảo môi trường sinh thái, giữ nguồn gen an toàn tại các địa phương miền núi. Từ đó, hướng đến việc mở rộng triển khai ứng dụng cây thuốc, bài thuốc và phương thuốc y học cổ truyền, tạo cơ hội phát triển nguồn dược liệu đúng hướng, xây dựng đa dạng loại hình đầu tư, cũng như phát triển hậu cần về dược liệu làm thuốc tại chỗ trong thời gian đến. Theo bác sĩ Lê Thân - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam, tìm hướng bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý là rất cần thiết, góp phần tham gia cung cấp dược liệu cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến ra thuốc thành phẩm theo phân vùng trong đề án về thuốc của Bộ Y tế. Cùng với những lợi thế của vùng, đặc biệt là sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng, các địa phương miền núi đang từng bước khoanh vùng và hình thành các khu dược liệu quý, trong đó chú trọng đến việc bảo tồn nguồn gen tự nhiên vốn có.

Để bảo tồn được nguồn dược liệu quý, theo dược sĩ Nguyễn Như Chính, trước hết cần xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nguồn dược liệu phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, đáp ứng với nhu cầu về thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh việc quy hoạch để phát triển nhiều loài dược liệu đảm bảo với sinh thái của vùng, nhất là các dược liệu quý hiếm. “Trong quá trình thực hiện, cần gắn việc giữ gìn môi trường nuôi trồng dược liệu với phát triển kinh tế và tính đặc thù tại mỗi vùng sinh thái. Từ đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành và củng cố phát triển mạng lưới hoạt động tại các tổ chức hội đông y cơ sở, tạo ra các mô hình đa dạng từ hộ gia đình đến trang trại, cũng như liên kết theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp” - dược sĩ Chính nói.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO