Dân tộc Xê Đăng sinh sống chủ yếu ở tỉnh Kon Tum và hai huyện Bắc Trà My, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam. Mỗi làng Xê Đăng thường có một nhà rông truyền thống. Trong kiến trúc, nhà rông là công trình sáng tạo văn hóa vật chất sáng giá nhất, trở thành niềm tự hào của đồng bào.
“Trái tim” của làng
Nhà rông chính là ngôi nhà chung của làng, là trái tim của cộng đồng, là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của cộng đồng làng: lễ hội, vui chơi, hội họp, đón tiếp khách quý, là nơi các già làng thường lui tới giải quyết, công bố những quyết định liên quan đến vận mệnh cộng đồng, phán quyết các trường hợp vi phạm luật tục, tổ chức và quản lý mọi hoạt động của cuộc sống cộng đồng theo tập tục cổ truyền. Làng nào có nhà rông càng lớn, càng đẹp thì càng được xem là hùng mạnh. Nhiều người ví nhà rông như cái đình của người Việt, tức là rất quan trọng, uy nghiêm.
Nhà rông là công trình có giá trị cao về kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Đồng bào khai thác những vật liệu có sẵn trong rừng như gỗ, tranh, tre, nứa, lá, song mây..., tạo nên ngôi nhà có dáng vóc uy nghi, hoành tráng, mái nhà có hình lưỡi búa vút cao như tạc vào trời xanh. Mái nhà rông chẳng những có hình dáng đẹp mà còn là nơi để nghệ nhân gửi vào đó những nét tài hoa của nghệ thuật trang trí hoa văn, chạm trổ, tạo hình, nhất là trên đỉnh nóc. Đồng bào Xê Đăng quan niệm rằng mái nhà rông cao vút kia là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất, là cầu nối giữa con người với vũ trụ. Do vậy, nhà rông là nơi giao hòa và gửi gắm niềm tin giữa con người với các vị thần linh, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của cộng đồng. Nhà rông được ví như gà mẹ, còn những ngôi làng lúp xúp xung quanh giống như đàn gà con.
Trước sân nhà rông bao giờ cũng có cây nêu vút cao mềm mại đong đưa trong gió và cột đâm trâu dành cho các lễ hội có tổ chức ăn trâu. Đây là nơi diễn ra các lễ hội lớn của cộng đồng như lễ mừng mùa, lễ kết nghĩa... Trẻ già, gái trai múa hát theo những điệu trống, điệu chiêng vòng quanh cây nêu không kể đêm ngày. Cây nêu của người Xê Đăng cũng là công trình nghệ thuật với nhiều mô típ trang trí đặc sắc. Một cây nêu hoàn chỉnh trong lễ “ăn trâu huê” có tổng cộng 17 chi tiết hoa văn, mô típ trang trí như tượng chim, đầu gà, lá phướn, hoa văn mang biểu tượng hình mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, hoa lá...
Cần được phục hồi
Có giá trị to lớn trong cuộc sống cộng đồng nên nhà rông đã được coi là thiết chế văn hóa quan trọng nhất của đồng bào Xê Đăng. Nhiều buôn làng Xê Đăng đã giữ gìn, xây dựng, phục hồi nhà rông để có nơi tổ chức sinh hoạt, hội họp, tổ chức các lễ hội truyền thống. Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tiếp giáp với huyện Nam Trà My có nhiều làng Xê Đăng xây dựng, bảo tồn, duy trì loại hình kiến trúc nhà rông. Chẳng những ở các buôn làng vùng sâu mà cả các vùng trung tâm ở Bắc Tây Nguyên cũng chú trọng xây dựng ngôi nhà rông để làm điểm sinh hoạt văn hóa vừa để giới thiệu như một hiện vật bảo tàng đồ sộ. Đó cũng là địa điểm lý tưởng để tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo bà con dân tộc từ các buôn làng về tham dự. Qua hoạt động đó, giới thiệu nền văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu của cộng đồng các dân tộc, điểm tham quan khám phá văn hóa Tây Nguyên dành cho du khách.
Còn trên địa bàn Quảng Nam, loại kiến trúc này đến nay đã gần như vắng bóng trong đời sống buôn làng. Trước đây, ở xã Trà Cang, Trà Nam (huyện Nam Trà My) vẫn còn xuất hiện một số nhà rông nhưng bị hư hại do thời gian, bà con nơi đây không có khả năng phục dựng. Hiện nay, nhiều thôn bản ở huyện Nam Trà My, Bắc Trà My không có nhà làng truyền thống như xưa mà chỉ có nhà sinh hoạt cộng đồng như một thiết chế văn hóa thôn bản. Một số thôn có nhà làng truyền thống nhưng trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng do khó khăn về kinh phí hoặc nguyên vật liệu (gỗ để dựng nhà, tranh/lá để lợp mái) nên chưa được xây dựng, sửa chữa. Nhiều nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng nhưng hầu như không nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về không gian cảnh quan, kiến trúc, bài trí nội thất, vật liệu thì “bê tông hóa” nên không giữ được “hồn cốt” của dân tộc. Vì vậy, không ít nhà văn hóa không được người dân hưởng ứng hay lui tới để tổ chức các hoạt động lễ hội, làm phai nhạt bản sắc, tính cố kết của cộng đồng.
Trong những năm tới, khi thực hiện Đề án Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc miền núi Quảng Nam, đối với địa bàn huyện Nam Trà My, bên cạnh hỗ trợ nguồn kinh phí sửa chữa, cần nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cho bà con phục dựng nhà rông ở một số làng tái định cư để bảo tồn loại hình kiến trúc đặc trưng của người Xê Đăng. Một số thôn tái định cư ở xã Trà Cang, khi chuyển sang vị trí mới, bà con đã chọn được nơi “đất tốt”, có cảnh quan thiên nhiên nên thơ, hùng vĩ, có nguồn nước sạch để sinh hoạt, đất rừng để canh tác, điều kiện đi lại thuận lợi để con em được đến trường đến lớp... Nhưng nếu các làng bản đó dứt bỏ, phai nhạt màu sắc văn hóa tộc người (nghề truyền thống, trang phục, nhà sàn, kho lúa, đặc biệt là kiến trúc nhà rông...) thì sẽ là một sự mất mát lớn. Nơi cư trú tốt cho đồng bào phải có sự hài hòa giữa thiên nhiên và di sản nhân văn. Vùng núi cao Ngọc Linh, vùng cao sơn ngọc quế sẽ thêm hấp dẫn khi nhà rông truyền thống được phục hồi, có nơi sinh hoạt lễ hội, văn hóa, bồi đắp thêm sắc hương trong cuộc sống của đồng bào.