Bảo tồn, phát huy giá trị đô thị di sản: Hướng tới cách tiếp cận toàn diện

SONG ANH - PHƯƠNG NAM (thực hiện) 18/06/2017 06:25

Nhận diện các thách thức mà những đô thị di sản đang gặp phải cũng như tìm hướng đi phù hợp, đòi hỏi các nhà quản lý phải có tầm nhìn và chính sách đúng đắn để có những đô thị phát triển bền vững, thành phố văn minh nhưng không mâu thuẫn với việc bảo tồn di sản văn hóa. Câu chuyện này nhận được rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia bảo tồn trong nước lẫn quốc tế tại hội thảo “bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản” vừa diễn ra tại TP.Hội An.

Phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Phố cổ Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

PGS-TS.Đặng Văn Bài - đại diện của Việt Nam tại Ủy ban Di sản Thế giới (2013-2017): Cần tiếng nói của những người yêu di sản

Làm sao bảo tồn được các giá trị của đô thị di sản trong quá trình phát triển là thách thức lớn. Các cuộc đấu tranh bảo vệ di sản của Việt Nam hiện nay rất bị động. Những người yêu di sản nên có một tiếng nói với các nhà quản lý từ cấp chính quyền địa phương đến các cấp cao hơn. Chính những thay đổi trong bối cảnh đô thị hóa khiến việc bảo tồn không thể giữ như phương thức trước đây. Trong khi đó, không thể phủ nhận di sản văn hóa và thiên nhiên ngày càng khẳng định được vai trò và giá trị trong đời sống xã hội. Cùng với những lợi ích thu được, còn một biểu hiện tích cực cần được khẳng định: Hình thành hệ thống văn bản pháp luật quốc gia và thực hiện các công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã được quan tâm. Hệ thống quy hoạch tổng thể bảo tồn các khu di sản thế giới đã được xây dựng.

Cần phải nói thêm rằng, việc bảo tồn các đô thị di sản nói chung và các khu di sản thế giới đang gắn với câu chuyện phát triển du lịch. Tạo sinh kế cho cư dân địa phương để thu hút nguồn lực xã hội, đồng thời còn tạo nguồn để bảo tồn di sản. Nhưng đây cũng chính là nghịch lý cần khắc phục trong phát triển các đô thị di sản. Phát triển đô thị và du lịch một cách ồ ạt thiếu kiểm soát mà hậu quả là môi trường bị ô nhiễm và tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt. Tập trung cư dân vào đô thị và di dân từ nơi khác đến các khu du lịch làm cho sắc thái văn hóa bản địa bị phai nhạt. Cư dân bản địa có nguy cơ trở thành yếu thế so với người nhập cư. Vậy nên việc duy trì sự cân bằng sinh thái bằng phát triển đồng bộ là rất cần thiết. Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của môi trường sinh thái và di sản cần được thực hiện thường xuyên. Điều này cần sự phối hợp liên ngành và đồng bộ để duy trì sự phát triển bền vững ở các đô thị.

Ông William Logan - Giáo sư danh dự tại Đại học Deakin và giáo sư tại Học viện Khoa học Xã hội tại Australia: Cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển

Việc quản lý các đô thị, thành phố và di sản văn hóa phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn trong thời đại của chúng ta, đặc biệt là sự tiếp cận không bình đẳng đến các điều kiện kinh tế, áp lực mở rộng đô thị và tái phát triển, di cư nông thôn - thành thị và du lịch đại trà. Tuy nhiên, việc quản lý tốt di sản có tính nhạy cảm có thể trở thành một phần giải pháp cho những vấn đề nêu trên. Từ năm 2009, khi Tuyên bố Hội An về Bảo tồn các khu phố cổ ở Châu Á được thông qua, một số tuyên bố và chính sách mới đã được UNESCO và các Cơ quan Cố vấn của tổ chức này phê duyệt nhằm giúp giải quyết các vấn đề bằng cách tăng cường thực tiễn quản lý di sản đô thị, bao gồm: Khuyến nghị năm 2011 của UNESCO về Cảnh quan đô thị lịch sử; Chiến lược Xây dựng năng lực di sản thế giới năm 2011; Chính sách năm 2015 về Tích hợp quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước Bảo tồn di sản và Tuyên bố Quito về các Thành phố bền vững và nơi định cư cho tất cả mọi người (Hội nghị Habitat III năm 2016). Những tuyên bố và chính sách này đã cung cấp một nền tảng mới để sửa đổi Tuyên bố Hội An nếu chúng ta muốn tăng cường hiệu quả của tuyên bố này tại châu Á ngày nay.

Sẽ rất khó tìm được sự cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển mới trong các đô thị và thành phố trên toàn thế giới. Những nguyên tắc di sản toàn cầu, sự khái quát hóa về mặt lý thuyết và cái gọi là “thực tiễn quốc tế tốt nhất” luôn được sửa đổi khi áp dụng tại địa phương. Các cơ chế quản lý quốc gia và khuôn khổ chính sách thường là chìa khóa để hiểu được mức độ bảo vệ di sản và phát triển bền vững diễn ra trong thực tế. Liên quan đến di sản đô thị ở châu Á, những vấn đề về bối cảnh riêng thường dẫn đến việc phá hủy di sản và ngăn cản hoặc hạn chế sự phát triển của những chiến lược bền vững được xây dựng để đảm bảo sự tồn tại của di sản trong tương lai. Tuy nhiên, quản lý đô thị nhạy cảm có thể mang lại các giải pháp, đặc biệt là khi vấn đề bảo tồn được cân nhắc trong quá trình lập quy hoạch. Xây dựng năng lực quản lý là ưu tiên chiến lược trong quy trình bảo vệ di sản trước tốc độ đô thị hóa. Thực tế, TP.Hội An đã thay đổi nhiều, những giá trị ban đầu, cốt lõi, nguyên thủy cũng đã mất đi trong quá trình phát triển thành phố. Vấn đề bây giờ không chỉ giữ nguyên phương thức mà phải đổi mới cách bảo tồn, nhưng quan trọng là phải giữ tính nguyên vẹn, xác thực. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến tính lan tỏa các giá trị văn hóa. Hội An có thể trở thành mô hình cho bảo tồn di sản. Tuy nhiên, mọi can thiệp cần được xử lý cẩn trọng. Chúng ta không chỉ nên tập trung vào di sản được thế giới công nhận. Có rất nhiều “di sản” không nên quên, ví dụ như bản sắc của người dân ở đó…

Bà Robyn Bushell -  Giáo sư Đại học Tây Sydney, Úc: Chú trọng thích nghi, tái sử dụng các di sản

Thích nghi và tái sử dụng các công trình di sản có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách, xác định sự tham gia của cộng đồng đối với đô thị di sản. Để bảo vệ, xây dựng và phát huy các giá trị đô thị di sản, cần tính toán để đảm bảo tính thích nghi và tái sử dụng mạnh mẽ hơn đối với di sản đó. Bởi di sản không chỉ mang lại lợi ích từ kiến trúc. Chúng tôi khuyến khích những nhà phát triển để họ hiểu rằng, giá trị họ có thể xây dựng, thêm vào đối với các công trình kiến trúc, và nghiên cứu cách thức để bảo tồn được các di sản đáp ứng nhu cầu phát triển gắn với môi trường, với yếu tố bền vững để những di sản này mang lại nhiều lợi ích hơn.  Hiến chương Burra của Úc đưa ra những hướng dẫn, chính sách cho chính quyền địa phương, các nhà hoạch định và người dân những chỉ dẫn quan trọng để xem xét việc tái sử dụng một cách thích nghi những mô hình kiến trúc của di sản, đảm bảo việc sử dụng và cả yếu tố truyền thống. Nếu tái sử dụng kiến trúc hợp lý, có thể giúp sử dụng năng lượng, tài nguyên cũ để làm nên một hơi thở mới, phát huy được giá trị mới mà không đánh mất di sản.

Cùng với đó, bảo tồn di sản phải đáp ứng và thích nghi với cộng đồng. Có khá nhiều quốc gia có điểm tương đồng với Việt Nam trong nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng các thành phố di sản đồng thời với việc đáp ứng và thích nghi với nhu cầu của cộng đồng sinh sống vốn đang thay đổi từng ngày về nhiều mặt. Đối với Hội An, nhiều câu hỏi căn bản đối với cách tiếp cận di sản đang được đặt ra. Nhiều đô thị di sản ở châu Á đã chuyển hướng tiếp cận từ tập trung vào trùng tu nguyên trạng sang bảo tồn giá trị di sản có tính đến nhu cầu của cộng đồng địa phương sinh sống. Đây là cách cách tiếp cận “di sản sống” - tiếp cận theo cách đáp ứng và thích nghi, để không làm xói mòn tình yêu của chính cộng đồng đó dành cho di sản. Mặt khác, bản thân di sản và giá trị của di sản chỉ có ý nghĩa khi có sự kế thừa, tính liên tục, không thể bảo tồn bằng cách đóng khung. Di sản sẽ tạo thêm nhiều tầng, nhiều lớp đặc tính đối với cộng đồng xung quanh. Đây là điều rất quan trọng đối với các nhà quản lý di sản để có những tính toán hợp lý trong việc xây dựng, phát triển và bảo tồn đô thị di sản trong tương lai.

Du khách dạo chơi bằng thuyền trên sông Hoài.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Du khách dạo chơi bằng thuyền trên sông Hoài.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chưa kể, cần xây dựng quy hoạch và khung quy định pháp lý cho các khu đô thị cổ. Đặc tính thay đổi của các lực lượng tác động đến môi trường lịch sử, cùng với sự hiểu biết ngày càng sâu sắc về bảo tồn đô thị, đòi hỏi việc bảo vệ giá trị di sản của các khu đô thị cổ không thể dựa vào việc thực thi những quy định thông thường, mà phải xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể và thiết lập các công cụ cụ thể để thực hiện. Bao gồm: các cơ chế theo quy định và hợp đồng, ưu đãi về tài chính, cơ chế và sắp xếp về thể chế, sử dụng các công cụ truyền thông và nâng cao nhận thức. Cần thiết lập vùng bảo tồn với một định nghĩa rõ ràng về các khu vực lõi, khu vực chuyển tiếp và khu vực không được phép xây dựng; phân loại công trình xây dựng, và định nghĩa những quy định xây dựng cụ thể để xác định những hình thức can thiệp đến công trình di sản, không gian mở, cũng như những hướng dẫn về xây dựng những công trình mới, và can thiệp các công trình “tương phản”.

GS.Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội): Du lịch vì sự phát triển sáng tạo của di sản văn hóa

Di sản văn hóa xuất phát từ sự sáng tạo của những thế hệ đi trước, được truyền sang các thế hệ sau. Sáng tạo nên những ý nghĩa mới dựa trên những ý nghĩa hiện có của di sản là một cách để người ta bảo tồn những di sản hiện tại và đổi mới di sản cho tương lai. Dựa trên trường hợp của di sản thế giới Đô thị cổ Hội An, cho thấy tác động của du lịch trong việc nuôi dưỡng quá trình sáng tạo trong các đô thị di sản thế giới. Quá trình phát triển năng động của phố cổ, từ một thương cảng đã trở thành trung tâm đa văn hóa, chức năng đã thay đổi theo tiến trình lịch sử. Nhà cổ Hội An nay vừa được sử dụng với chức năng để ở, vừa là kho, vừa là nơi bán hàng, hoặc trở thành “bảo tàng sống”, được sử dụng như một tài sản du lịch. Nhìn lại hàng trăm năm, dù vẫn có nhiều đặc trưng rất Hội An, nhưng đã có sự thay đổi linh hoạt, sáng tạo để tạo ra diện mạo mới.

Du lịch thúc đẩy quá trình sáng tạo dựa trên những giá trị truyền thống để phát triển những ý nghĩa mới, cùng với việc bổ sung có chọn lọc những giá trị hiện đại để tạo nên những ý nghĩa mới cho di sản. Phát triển du lịch trong các di sản thế giới làm sống lại bản chất sáng tạo vốn có trong các di sản. Phát triển các chính sách về chia sẻ lợi ích, sự tham gia và đồng quản lý của người dân. Kể từ khi trở thành thành viên của Công ước Di sản thế giới, khung pháp luật về bảo vệ di sản của Việt Nam đã dần hoàn thiện. Văn bản quan trọng nhất trong lĩnh vực này là Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành của luật này. Tuy nhiên, trong xu thế mới, dựa vào cách tiếp cận về phát triển bền vững mới được UNESCO thông qua gần đây thì các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam về quản lý di sản đã bộc lộ một số bất cập, thể hiện qua việc phân tích các văn bản pháp luật về Quản lý Di sản thế giới và các văn bản liên quan về quyền con người. Pháp luật Việt Nam cũng như các quy định về quản lý di sản thế giới cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với các quy định về phát triển bền vững được UNESCO thông qua gần đây. Cũng cần phải có các quy định về sự tham gia của cộng đồng và người dân trong các văn bản luật. Đặc biệt, cần phải xây dựng các quy định riêng biệt liên quan đến người thiểu số sinh sống trong và gần các khu di sản thế giới. Cần phải phát triển các chính sách về chia sẻ lợi ích, sự tham gia và đồng quản lý của người dân, đặc biệt là đối với các khu rừng đặc dụng.

Ông Peter Bille Larsen - nhà nhân học, Trường Đại học Lucerne, Thụy Sỹ: Đảm bảo quyền con người trong bảo tồn di sản

Hiện nay, rất nhiều thách thức đối với các đô thị khi ngày càng có nhiều thị dân sống trong ổ chuột, không đảm bảo an sinh xã hội, trải qua nhiều bất bình đẳng khác. Trong cộng đồng di sản, cần phải vượt qua những tính toán chỉ đơn thuần liên quan di sản. Phải đảm bảo về quyền con người trong bảo tồn di sản, tính toán đến sự đóng góp cộng đồng địa phương. Có quá nhiều những thành phố không thể có được không gian bền vững cho mọi người không chỉ về mặt thực thể, mà còn về văn hóa, kinh tế xã hội. Nhiều vấn đề liên quan quyền con người ở đô thị đôi lúc không dễ nhìn nhận được, dẫn đến những xung đột. Quyền xã hội, quyền kinh tế, quyền tham gia, tiếp cận quản lý di sản thường không rõ ràng và không dễ nhìn thấy trong thực tế cuộc sống. Do đó, khi bảo tồn di sản cần tính tới quyền người dân. Thực tế, vẫn còn nhiều thiếu hụt về công tác tham gia của người dân vào bảo tồn di sản. Di sản được quảng bá mang lại giá trị về xã hội, kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Hội An khác nhiều thành phố trên thế giới, là di sản gắn với sự tham gia của cộng đồng. Cộng đồng sinh sống và cùng nhau xây dựng, bảo vệ di sản, là nét đặc trưng của địa phương này, cần duy trì trong các hoạch định về chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Trong một thế giới năng động, các nhà quản lý và cộng đồng di sản phải liên tục lập kế hoạch, thực hiện, điều chỉnh và học hỏi; nếu không thì các kế hoạch sẽ nhanh chóng lỗi thời. Tuy nhiên, cộng đồng các bên liên quan hầu như chưa bao giờ sẵn sàng thực hiện. Cộng đồng chưa có đủ kỹ năng, tầm nhìn và lòng tin. Vì vậy, quá trình lập kế hoạch phải xây dựng đồng thời với nhóm quy hoạch cộng đồng. Nếu không có phương pháp tiếp cận tổng thể vừa đầu tư vào con người và văn hóa, vừa đầu tư vào tài liệu và khoa học, việc bảo tồn di sản đô thị sẽ gặp khá nhiều khó khăn.

Sau hội thảo “bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản, một Tuyên bố Hội An năm 2017 đã được thống nhất chung của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO và UNHABITAT tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế, các nhà nghiên cứu, các cơ quan chính phủ và các nhà quản lý di sản đến từ Australia, Algeria, Argentine, Campuchia, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Nicaragua, Paraguay, Senegal, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thái Lan, Trinidad, Tobago, Hoa Kỳ, Việt Nam… Tuyên bố Hội An về bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị tiếp tục đưa ra các nguyên tắc, khuyến nghị với Việt Nam và các quốc gia châu Á bao gồm: đảm bảo việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của châu Á một cách có hiệu quả và công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn; Cần có các chính sách và cơ chế rõ ràng, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm đảm bảo sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thiết kế, quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích; Quản lý du lịch là một phần không thể tách rời trong mọi kế hoạch bảo tồn và quản lý các đô thị lịch sử; Đối với các công trình di sản gỗ dễ bị hư hại, cần có sự quan tâm và đầu tư đặc biệt; Việc tư liệu hóa và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể kết tinh trong tri thức truyền thống và nghề thủ công nên được coi là những bộ phận không thể tách rời trong các chiến lược bảo tồn đô thị; thúc đẩy nâng cao năng lực quản lý di sản đô thị...

SONG ANH - PHƯƠNG NAM (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn, phát huy giá trị đô thị di sản: Hướng tới cách tiếp cận toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO