Câu chuyện bảo tồn, gìn giữ và phát triển vốn quý âm nhạc truyền thống xứ Quảng đang đặt ra nhiều vấn đề và cần có một chiến lược hợp lý, đủ sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng.
Nỗ lực khôi phục
Đã không ít lần chúng tôi được nghe trăn trở của những người nặng lòng với âm nhạc truyền thống đất Quảng, rằng lớp trẻ bây giờ không mấy mặn mà với vốn quý cha ông để lại, còn người gắn bó với loại hình này bấy lâu thì ngày một già đi. Không phải những người có trách nhiệm với văn hóa - văn nghệ ở Quảng Nam không nhìn thấy điều này, nhưng, nói như nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải - Chi hội trưởng Chi hội âm nhạc, Hội VH-NT Quảng Nam: “Chúng ta đang thiếu vắng một thế hệ kế cận cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống đất Quảng”.
Âm nhạc truyền thống theo cách diễn giải của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải bao gồm các làn điệu dân ca, hò vè, tuồng… đều là những vốn quý mà qua hàng trăm năm khai phá và gầy dựng mảnh đất xứ Quảng, từ cuộc sống lao động, từ những sinh hoạt cộng đồng… cha ông đã hun đúc, chắt chiu cho đến ngày nay. Khởi đi từ đời sống quần chúng, âm nhạc truyền thống luôn gần gũi và gắn bó với cuộc sống nhân dân lao động, luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu, giúp đời sống của họ được thăng hoa sau những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh.
Lâu nay, các ngành chức năng ở Quảng Nam vẫn kiên trì trong việc tổ chức các hoạt động, sân chơi để từ đó khơi dậy, làm sống lại đời sống sinh hoạt văn nghệ dân gian đã có thời “vàng son” trên quê hương xứ Quảng. Đó là những nỗ lực để chương trình sân khấu học đường được thử nghiệm ở một số trường tiểu học và THCS trong toàn tỉnh cách đây mấy năm. Mục đích tạo nên những cảm nhận cơ bản trong tâm hồn các em thiếu niên - nhi đồng về vốn quý âm nhạc truyền thống xứ sở, góp phần hun đúc tình yêu cũng như sự trân quý với loại hình này. Đó là các liên hoan hát ru, hội thi đàn và hát dân ca được tổ chức ở nhiều địa phương trong tỉnh để những người đam mê được hóa thân thành diễn viên trên sân khấu. Đó còn là hoạt động thường niên hai năm một lần: Liên hoan đưa thông tin về cơ sở mà một trong các yếu tố quan trọng của nội dung liên hoan là xây dựng các tiểu phẩm dân ca phản ánh sinh động đời sống lao động, những đổi thay trên các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội ở Quảng Nam trong tiến trình hội nhập để phát triển… Như một cách “mưa dầm thấm lâu” dù ít hay nhiều, những nỗ lực này đã tạo nên chuyển biến tích cực trong nhận thức người dân đất Quảng.
Thiếu hoạt động dài hơi
Có một điều khiến những người “nặng lòng” với vốn quý âm nhạc truyền thống Quảng Nam trăn trở, đó là sự lan tỏa và bám rễ từ những hoạt động nêu trên liệu có bền vững? Rõ ràng, chúng ta đã không thật sự yên tâm với những hoạt động có tính chất “thời vụ” kiểu như dự án sân khấu học đường được thực hiện ở một số trường học trong tỉnh. Là bởi khi những dư âm ban đầu chưa kịp bén rễ trong tâm hồn non trẻ của các em thì dự án đã kết thúc. Các em chỉ có vài tháng được tiếp cận, làm quen với những điệu lý, câu hò… rồi sau đó là một buổi báo cáo tổng kết.
Còn nhớ, sau khi đồng loạt kết thúc dự án sân khấu học đường trên phạm vi cả nước, thì đã có không ít ý kiến các nhà nghiên cứu chuyên môn, nhà giáo dục, các nhạc sĩ, nghệ nhân… lên tiếng phản hồi về hiệu quả của dự án này. Tất cả đều có chung nhận định: Dự án có tính tích cực, bước đầu trang bị cho học sinh hiểu biết cần thiết về vốn quý âm nhạc truyền thống của quê hương mình. Tuy nhiên, nếu dự án chỉ dừng lại ở đó thì thật là uổng phí và rồi sẽ như “nước trôi qua cầu”.
Bây giờ, mỗi khi có dịp nhắc lại hoạt động của dự án sân khấu học đường mấy năm về trước, nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã tỏ ra nuối tiếc khi cho rằng, nếu có điều kiện để duy trì dự án, bồi dưỡng thêm cho các em, nuôi nấng tình yêu âm nhạc truyền thống trong tâm hồn các em một cách liên tục… thì chắc chắn một ngày không xa, chính các em sẽ là lực lượng nòng cốt góp phần gìn giữ và phát triển vốn quý âm nhạc mà cha ông để lại. Đó mới là câu chuyện mang tính bền vững. Còn bây giờ, những diễn viên nhí của sân khấu học đường ngày đó chẳng biết có ai còn nhớ chút gì về điệu lý câu hò của quê xứ mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VH-NT Quảng Nam đã nhiều lần đề cập sự khan hiếm đội ngũ viết lời mới và viết tiểu phẩm dân ca bài chòi ở Quảng Nam. Ngoảnh đi, ngoảnh lại hiện chỉ còn ít người có nghề gắn bó với công việc này như Lê Trung Thùy ở Duy Xuyên, Nguyễn Hải Triều (Đại Lộc), Phùng Tấn Đông (Hội An)... Thành ra, những hoạt động như liên hoan đưa thông tin về cơ sở xuất hiện trường hợp một người cùng lúc viết tiểu phẩm cho bốn, năm đơn vị.
Tác giả Lê Trung Thùy tỏ ra không mấy vui về sự “được mùa” này khi chia sẻ: “Thật ra là chuyện chẳng đặng đừng nên mới thế, chứ thật lòng tôi rất muốn có một thế hệ nối tiếp đảm đương công việc này. Nhưng đây là câu chuyện không hề dễ khi chúng ta không có quyết tâm đào tạo một thế hệ bài bản và không có sẵn một lực lượng trẻ đủ niềm đam mê tiếp nối…”.