Qua 3 năm triển khai Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh và Quyết định 2950 của UBND tỉnh về bảo tồn, phát triển cây dược liệu, công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu ở Nam Giang vẫn còn manh mún, chưa xứng tiềm năng; chưa xác định được cây chủ lực có giá trị để ưu tiên đầu tư.
Chủ yếu khai thác tự nhiên
Nam Giang có diện tích rừng tự nhiên lớn cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, do đó tài nguyên rừng, thực vật rừng trên địa bàn huyện rất phát triển với nhiều loài cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao phân bố trong tự nhiên như nấm lim xanh, lan gấm, sâm bảy lá một hoa, sa nhân tím… Từ năm 2016 đến nay, qua ghi nhận của UBND huyện Nam Giang, sản lượng khai thác các loài dược liệu ước chừng 100 tấn sâm cau đỏ, 900 tấn mây, 4.500 lít mật ong, 30 tấn sa nhân, 2 tấn nấm lim xanh, 5 tấn chuối rừng, 300 tấn ươi... Dù có giá trị cao, nhưng do chủ yếu khai thác từ tự nhiên nên nguồn thu từ cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ ở địa phương không ổn định và bền vững.
Xã Zuôih là địa phương có địa hình cao (khoảng 1.500m so với mực nước biển), có diện tích rừng và đất tương đối lớn, giàu tiềm năng phát triển cây dược liệu. Theo ông Bling Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Zuôih, hằng năm, người dân khai thác các loại cây dược liệu tự nhiên tại địa phương ước đạt trên 3 tấn. Tuy nhiên, do diện tích rừng lớn, người dân sống phân tán nên việc quản lý khai thác dược liệu chưa được chú trọng. Cây dược liệu bị khai thác bừa bãi, bán với giá rẻ cho thương lái. Theo Bling Hùng, toàn xã có khoảng 7ha cây đinh lăng, 2ha ba kích tím và 3,7ha cây bời lời đến nay chưa thu hoạch.
Từ các nguồn 30a, 135, nguồn nông thôn mới, nguồn từ Nghị quyết 202, địa phương đã hỗ trợ 103.559 giống cây định lăng cho 202 hộ dân, 12.500 giống sâm ba kích tím cho 5 hộ dân và 37.500 giống cây bời lời cho hộ dân có đất rẫy. “Nhìn chung, chất lượng nguồn giống cấp ban đầu cơ bản đảm bảo nhưng tỷ lệ cây dược liệu sống ngoài tự nhiên sau trồng rất thấp. Nguyên nhân là kỹ thuật trồng còn hạn chế, việc chăm sóc chưa được chú trọng. Một số diện tích bị các loài sâu và bệnh gây hại” - Bling Hùng nói.
Cần chú trọng cây bản địa
Triển khai Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2017 - 2018, Nam Giang hỗ trợ giống trồng mới gần 55ha cây dược liệu với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng, hỗ trợ 122 hộ và 38 nhóm hộ trồng dược liệu. Cụ thể, năm 2017, hỗ trợ giống cho dân trồng mới 21,6ha (ba kích, đảng sâm, sa nhân tím), gồm 94 hộ và 15 nhóm hộ tại các xã Tà Bhing, Chơ Chun, La Dêê. Năm 2018, cấp giống trồng mới hơn 33,3ha ba kích tím (hơn 1,4 tỷ đồng), hỗ trợ 28 hộ và 23 nhóm hộ tại các xã Đắc Tôi, La Dêê, Chà Val, Zuôih, Cà Dy, Chơ Chun và thị trấn Thạnh Mỹ. Bên cạnh đó, dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê kông mở rộng - giai đoạn 2”, toàn huyện phát triển được 280ha song mây dưới tán rừng. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông thôn mới, nguồn 30B, nguồn chương trình 135, nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết 29 của Huyện ủy, Nam Giang cấp giống cho người dân trồng với tổng diện tích cây đinh lăng khoảng 80ha, diện tích ba kích gần 3ha...
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Giang, một số diện tích cây dược liệu sau khi trồng bị chết nhiều, bên cạnh do khâu chăm sóc, kỹ thuật trồng của người dân hạn chế, do khí hậu khắc nghiệt thì cây giống chưa đảm bảo. Cụ thể, tại đợt khảo sát của HĐND tỉnh tại vùng di thực cây ba kích tại xã Zuôih với diện tích 1,5ha của 4 hộ dân, cây ba kích chết nhiều, nhiều cây phát triển còi cọc, chỉ được 2 - 4cm, dù đã qua 1 năm trồng. Phần lớn diện tích ba kích tím, sa nhân tím, đảng sâm chỉ mới trồng, chưa khai thác, cây trồng chết nhiều. Nam Giang vẫn chưa có vườn ươm giống, vườn bảo tồn cây dược liệu đặc hữu bản địa. Huyện cũng chưa khảo sát, đánh giá thực trạng phân bố cây dược liệu, xác định cây đặc hữu có giá trị để có định hướng phát triển.
Tại đợt khảo sát và làm việc với huyện Nam Giang về cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, huyện nên có định hướng cụ thể cho người dân trong việc giảm diện tích trồng keo, tăng số diện tích trồng dược liệu, chú ý phát triển giống dược liệu bản địa như sa nhân, đánh giá khả năng di thực của cây sâm ba kích trên đất Nam Giang; đồng thời dừng hẳn việc cấp giống đinh lăng bởi yếu tố đầu ra cần phải tính. Bà Thanh cho rằng, cần tìm đầu ra cho sản phẩm cây dược liệu, chủ động liên kết thị trường, đầu tư chế biến sâu hơn là sử dụng để ngâm rượu và bán tươi. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong dân về lợi ích, giá cả của cây dược liệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm cần được đẩy mạnh. Cần chú trọng hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, cấp giống đúng thời điểm trồng của cây nhằm hạn chế tỷ lệ chết sau trồng...