Bảo tồn theo kiểu Hội An

Thực hiện chuyên đề: VĨNH LỘC 17/12/2016 10:55

Bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề khó ở nhiều địa phương có di tích. Nhưng với TP.Hội An, nhiều năm nay mối quan hệ này đã trở nên gắn bó mật thiết. Bảo tồn di sản nhằm phục vụ cho việc khai thác tốt các giá trị văn hóa và phát triển du lịch; đồng thời, phát triển kinh tế - văn hóa sẽ tác động trở lại, tạo nguồn lực và động lực cho công tác bảo tồn di sản được tốt hơn.

Ngôi nhà 77 Trần Phú được tu bổ theo cơ chế hỗ trợ của thành phố.Ảnh: VĨNH LỘC
Ngôi nhà 77 Trần Phú được tu bổ theo cơ chế hỗ trợ của thành phố.Ảnh: VĨNH LỘC

LINH ĐỘNG GIẢI PHÁP

Với đặc thù là di sản có người ở, cùng những khó khăn về nguồn kinh phí cũng như yếu tố chuyên môn và các quy định chặt chẽ về bảo vệ di tích, khiến Hội An phải tìm mọi giải pháp linh động, thậm chí phải “lách luật” nhằm trùng tu, sửa chữa các nhà cổ Hội An.

Cách làm riêng

Thống kê từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện toàn thành phố có 1.429 di tích các loại, riêng khu vực phố cổ gồm 1.130 di tích, chủ yếu các công trình kiến trúc nghệ thuật và nhà ở. Các di tích - tùy vào xếp loại và vị trí - có̀ mức hỗ trợ kinh phí trùng tu cao thấp khác nhau, trong đó, cao nhất là hỗ trợ 75% đối với nhà loại đặc biệt trong kiệt hẻm, còn ở mặt tiền là 60%; thấp nhất là mức hỗ trợ 45% đối với nhà loại 4 trong kiệt, hẻm và 40% cho nhà mặt tiền. Những gia đình không đủ tiền, thành phố sẽ cho vay không tính lãi, trường hợp chủ nhà vẫn không đủ sức, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư 100% nhưng sau khi sửa xong sẽ cho thuê lấy tiền hoàn trả đến lúc đủ thì bàn giao lại nhà cho dân.

Đặc biệt ngày 27.7.2010, UBND TP.Hội An đã ban hành Quyết định số 17 (17/2010/QĐ-UBND) về “Cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn thành phố nằm ngoài khu vực phố cổ”, với đối tượng hưởng lợi là các di tích ở bên ngoài phố cổ thuộc danh mục bảo vệ của UBND thành phố. Theo đó, mức hỗ trợ đối với di tích thuộc sở hữu nhà nước là 100% và di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể là 30% - 60%. Với những cơ chế này, hầu như các di tích xuống cấp nặng trong và ngoài phố cổ đều được đưa vào danh mục tu bổ. Hiện tại, mỗi năm có khoảng 10 di tích được lập dự án đưa vào danh sách tu bổ. Riêng năm 2016 có 18 di tích trên địa bàn được tiến hành trùng tu với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, ngay từ đầu thành phố đã xác định bảo tồn phố cổ Hội An chính là bảo tồn phần xác và phần hồn. Trong đó, phần xác chính là các công trình của khu phố cổ, nên việc trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp luôn được chú trọng để thúc đấy phát huy giá trị di tích. Cùng với đó, việc phục hồi các giá trị văn hóa phi vật thể cũng góp phần làm cho phố ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn hơn. “Công tác bảo tồn không chỉ tập trung vào những công trình kiến trúc nhà cổ mà còn là các dự án về hạ tầng và chống sạt lở phố cổ… Điều này đã giúp làm cho phố cổ vững chắc và đẹp hơn, tỷ lệ nhà có nguy cơ sụp đổ giảm hẳn. Ngoài ra, các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được phục hồi gìn giữ tốt như nếp sống hiền hòa mến khách của người dân hay các trò chơi dân gian như hô bài chòi, múa tứ linh, múa sắc bùa…” - ông Sơn nhìn nhận.

“Lách luật” cấp phép sửa nhà cổ

Với đặc điểm là di sản có người ở, vấn đề vừa đảm bảo tính nguyên gốc của di tích, vừa đáp ứng nhu cầu sinh sống, làm ăn của người dân là rất khó giải quyết. Một cách làm “táo bạo” của Hội An là “lách” một số quy định để giải quyết hài hòa các mục tiêu trên. Theo các Nghị định 70 (70/2012/NĐ-CP) và Nghị định 15 (15/2013/NĐ-CP) của Chính phủ, quy định về thẩm quyền, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt chủ trương lập dự án tu bổ di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia phải có ý kiến từ các bộ ngành trung ương, thì những di tích nhà ở trong phố cổ muốn sửa chữa – dù nhỏ như “con sâu cái kiến” - đều phải ra Hà Nội xin phép Bộ VH-TT&DL và cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra thiết kế trước khi tiến hành tu bổ.

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, quy định này đã gây nhiều khó khăn cho các hộ dân phố cổ khi muốn sửa chữa ngôi nhà của mình, vì di tích quốc gia đặc biệt phố cổ là sự cấu thành của nhiều hạng mục, nhà cổ. Do vậy, thành phố phải linh động “lách” luật để cấp phép sửa chữa nhà cho người dân. “Bình quân mỗi năm có hơn 200 lượt đơn xin sửa chữa nhà của các hộ dân trong phố cổ, nếu đúng theo quy định của Nghị định thì không thể giải quyết được, nên Hội An phải linh động xử lý những nhu cầu cấp thiết cho dân. Tất nhiên, quá trình tu bổ phải theo đúng nguyên tắc và quy định. Thành phố cũng đã báo vấn đề này lên tỉnh để trình ra Trung ương nhưng đến nay không nghe nói năng gì” - ông Trung cho biết. Bằng những cách làm trên, đến nay hầu hết di tích trong và ngoài phố cổ đã được quản lý tốt, tình trạng xuống cấp nặng không còn. Riêng năm 2016, đã có 242 trường hợp di tích trong khu phố cổ được cấp phép tu bổ, chủ yếu là nhà tư nhân và tập thể, từ sự linh động này.

Tuy vậy, quá trình quản lý, bảo tồn di sản văn hóa tại Hội An vẫn còn những vướng mắc, hạn chế cần điều chỉnh. Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ kinh phí tu bổ cho các chủ di tích khu vực phố cổ. Theo bà Trương Thị Chanh – nhà 81 Trần Phú, cơ chế quy định chỉ hỗ trợ hệ mái ngói âm dương đối với các ngôi nhà không được xếp hạng trong phố cổ là chưa phù hợp, khiến dân khó tiếp cận được. “Chỉ hỗ trợ kinh phí sửa chữa mái ngói là quá ít, trong khi việc tu bổ thường phát sinh nhiều vấn đề tốn kém, chưa nói thủ tục này nọ chờ đợi rất lâu” - bà Chanh phản ánh. Chính vì vậy, tháng 7 vừa qua gia đình bà đã tự bỏ tiền ra và xin giấy phép, thuê thợ tu bổ ngôi nhà mình chứ không chờ đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Tương tự, ông La Gia Hồng, chủ nhân ngôi nhà số 10 Nguyễn Thái Học cho biết, năm 2013 nhà ông được đưa vào dự án tu bổ với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 45%, gia đình chịu 55% - số tiền này được Nhà nước cho vay không lãi và trả dần trong vòng 3 năm. Tuy vậy ông Hồng cho rằng, số tiền tu bổ như trên là quá nhiều. “Việc Nhà nước hỗ trợ và cho vay thì tốt rồi nhưng thật lòng mà nói nếu gia đình tự đứng ra thuê thợ làm thì số tiền không đến mức đó” - ông Hồng nói.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, việc hỗ trợ kinh phí tu bổ đều tuân thủ theo quy chế cụ thể, kể cả quy định chỉ hỗ trợ cho những ngôi nhà chủ sở hữu mang tính truyền thống (không phải qua mua bán) nhằm bảo tồn yếu tố văn hóa phi vật thể bên trong ngôi nhà. “Những di tích nào mà toàn bộ hoặc hoặc 2/3 chi phí Nhà nước bỏ ra trùng tu thì Nhà nước phải làm chủ đầu tư, còn lại các di tích thuộc loại 3, loại 4 thì dân làm chủ đầu tư. Điển hình như nhà ông La Gia Hồng (số 10 Nguyễn Thái Học) là di tích loại 1, nguồn vốn Nhà nước đầu tư 75% và cho mượn luôn 25%, nhưng phần vay mượn này thì họ vẫn phải trả. Theo cơ chế ban hành thì cơ quan quản lý nhà nước phải làm chủ đầu tư và tiến hành các thủ tục đầu tư theo luật xây dựng cơ bản, tất nhiên trong khi làm thì chủ di tích cũng được mời tham gia làm thành viên giám sát trực tiếp, cùng ký vào biên bản trùng tu. Nên không có gì vướng cả, có những cơ chế dân chưa nắm bắt thì chúng tôi sẽ giải thích cho họ rõ” - ông Trung nói.

LẤY DU LỊCH NUÔI DI TÍCH

Mỗi năm TP.Hội An chi khoảng 6 - 10 tỷ đồng từ nguồn thu bán vé tham quan để tu bổ di tích. Du lịch đã thực sự tạo nguồn lực quan trọng cho công tác bảo tồn di sản Hội An khi mà nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh và trung ương cho di tích ngày càng eo hẹp.

Nhà bà Trương Thị Chanh tự bỏ tiền ra tu bổ.Ảnh: VĨNH LỘC
Nhà bà Trương Thị Chanh tự bỏ tiền ra tu bổ.Ảnh: VĨNH LỘC

Theo tính toán của Trung tâm VHTT Hội An, trong vài năm trở lại đây tiền thu từ bán vé tham quan phố cổ mỗi năm đạt khoảng 100 tỷ đồng, riêng năm 2016 ước đạt 150 tỷ đồng. Sau khi để lại 30% chi cho hoạt động, 70% tiền bán vé được nộp ngân sách thành phố để đầu tư lại cho phố cổ như trùng tu di tích, bảo tồn văn hóa phi vật thể, đầu tư hạ tầng, phòng cháy chữa cháy…  Riêng công tác tu bổ di tích, thống kê từ năm 1999 đến nay, khoảng 80 tỷ đồng từ nguồn bán vé tham quan đã được chi cho các hoạt động bảo tồn di tích trong và ngoài phố cổ, đây là số tiền rất lớn, nhiều ý nghĩa, không phải địa phương nào cũng làm được, nhất là trong tình hình nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và trung ương dành cho công tác bảo tồn di tích eo hẹp như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, nhiều năm qua Hội An luôn xác định bảo tồn di sản phải gắn với phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, trong công tác nghiên cứu, quản lý, tu bổ di sản văn hóa đều gắn với mục tiêu này, xem đây là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, trong đó hiệu quả từ việc tu bổ di tích mang lại không chỉ giúp các di tích an toàn hơn mà còn tạo điều kiện để phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch. Đến nay, thương hiệu du lịch Hội An ngày càng được khẳng định vững chắc trong và ngoài nước, những năm gần đây mỗi năm đều đón cả triệu lượt khách tham quan, lưu trú. Riêng năm nay, tính đến tháng 11 đã có gần 1,6 triệu lượt khách tham quan du lịch đến Hội An, tăng 34% so với cùng kỳ.

Cũng theo ông Dũng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa luôn là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân, do đó, công tác này luôn được đặt lên hàng đầu trong các kế hoạch phát triển của Hội An. “Những năm qua, thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực khác nhau, từ sự hỗ trợ giúp đỡ, phối hợp, cộng tác của các cấp các ngành ở trung ương đến địa phương; của các tổ chức cá nhân trong và ngoài thành phố. Đặc biệt, là sự đồng lòng chung tay của toàn thể cộng đồng dân cư nên đã bảo tồn và phát huy đúng hướng giá trị của di sản, qua đó tạo nguồn lực và động lực giúp di sản được gìn giữ tốt hơn, góp phần hướng đến xây dựng thành công thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch” - ông Dũng nói.

Có thể thấy, việc tỉnh đồng ý cho Hội An giữ lại 70% số tiền thu từ bán vé dành cho công tác bảo tồn di sản là một thuận lợi lớn. Và, đây chính là quan điểm xuyên suốt của thành phố khi gắn kết giữa bảo tồn và phát triển, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và dân, từ đó thúc đẩy sự gắn bó và ủng hộ của người dân ngày càng mạnh mẽ hơn. “Thành công của công tác bảo tồn di sản Hội An chính là sự kết hợp của 3 yếu tố, gồm: nhà quản lý (chính quyền); sự tham gia ủng hộ mạnh mẽ của cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học; và sự ủng hộ của cộng đồng dân cư, những chủ di sản” - ông Dũng nhìn nhận.

GÓC NHÌN

Ông Phạm Thanh Vân, chủ nhà 96 Trần Phú: Mở rộng danh mục hỗ trợ tu bổ

Năm 2009 nhà tôi sửa chữa máng xối và mái ngói xin hỗ trợ 50 triệu đồng nhưng Nhà nước chỉ cho 19 triệu. Tuy nhiên, khi sửa xong thì số tiền lên hơn 180 triệu đồng vì mái ngói quá cũ, mục nát, dỡ ra hư hết. Tôi nghĩ thành phố nên mở rộng danh mục hỗ trợ, chứ chỉ hỗ trợ phần mái ngói như lâu nay là ít. Chưa kể, chờ lọt vào danh sách hỗ trợ thì quá lâu nên nhiều người cũng nản, chưa biết khi nào đến phiên mình. Do đó, mang tiếng Nhà nước hỗ trợ nhưng đa phần là tiền của mình trong đó. Thêm nữa, công trình nào mà Nhà nước đứng ra làm chủ đầu tư thì kinh phí tu bổ rất cao, đến vài tỷ đồng, nhưng theo tôi chỉ cần phân nửa số tiền đó cũng đủ làm rồi. Tại sao thành phố không giao cho dân tính toán thuê đơn vị thi công, miễn sao làm đúng theo bản vẽ thiết kế phê duyệt và Nhà nước chỉ đứng ra giám sát kỹ thuật.

Hội An giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di tích và phát triển du lịch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Hội An giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di tích và phát triển du lịch. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Lấy du lịch nuôi di tích là một cách làm hay

Chuyện bảo tồn di tích và phát triển du lịch đã có mối quan hệ từ lâu rồi, chỉ khác là lâu nay nó chưa tạo mối quan hệ tương hỗ với nhau. Ở một số nơi cũng như trước đây, người ta chỉ khai thác di tích thôi, nên việc Hội An lấy du lịch nuôi di tích là cách làm quá hay. Dù hiện nay Mỹ Sơn cũng đang từng bước làm như Hội An, đầu tư kinh phí từ du lịch để hoàn thiện hạ tầng phục vụ nhu cầu tham quan cho khách và tạo cảnh quan di tích, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó thôi, còn vấn đề trùng tu di sản chắc cũng còn lâu dài.

Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An: Hội An phải đi lên từ văn hóa

Bảo tồn và phát triển bao giờ cũng xuất hiện mâu thuẫn, nhưng với Hội An, có mâu thuẫn và giải quyết vấn đề mâu thuẫn cũng là tạo động lực cho sự phát triển. Quá trình bảo tồn ở Hội An càng giữ gìn các giá trị văn hóa và tự nhiên bao nhiêu thì giúp sự phát triển về kinh tế và làm giàu của nhân dân Hội An tốt hơn bấy nhiêu, không chỉ là trước mắt mà còn kéo dài nhiều thế hệ. Hội An phải giữ lại chính mình, nghĩa là bất kỳ sản phẩm mới nào làm ra đều phải mang giá trị Hội An; văn hóa không phải bất biến mà là một dòng chảy mang sự kế thừa, phải biến văn hóa thành một tài sản để tạo nên khối tài sản lớn hơn bằng một giá trị văn hóa mới chứ không phải khư khư giáo điều, đường xưa lối cũ hay biến nó thành một bảo tàng khép kín. Vấn đề thứ hai, bảo tồn cũng chính là nương tựa vào tự nhiên để phát triển, phải giữ lại các giá trị thiên nhiên, phải tạo ra một sản phẩm và sự thích thú đối với khách cũng như với cuộc sống con người, nếu không con người sẽ tự lưu vong trên chính mảnh đất của họ kể cả về mặt văn hóa và nơi ở. Thách thức của Hội An hiện nay rất lớn nên phải nhận diện được thách thức để có bước đi tốt hơn. Phải hiểu người ta đến Hội An vì cái gì nếu không phải là vì  văn hóa, là phố cổ, là nếp sống, đặc biệt là con người Hội An, nên Hội An phải đi lên từ văn hóa, phải tạo ra giá trị mới cho văn hóa để làm văn hóa giàu lên, từ đó kinh tế cũng giàu lên.

KTS Đặng Khánh Ngọc - Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL): Hội An đã làm tốt việc bảo tồn và lồng ghép sinh kế cho người dân

Việc bảo tồn di sản Hội An không chỉ giúp các di tích an toàn hơn mà còn mang đến lợi ích cho người dân. Ở đó người dân thấy rằng sự hợp tác trong công việc bảo tồn sẽ giúp mang lại lợi ích cho họ, đây là điều mà Hội An làm tốt hơn những nơi khác. Dù cách làm này chỉ đúng với Hội An do những đặc thù vốn có, như là một di tích gắn liền với cuộc sống người dân và nó vẫn liên tục phát triển. Đây là một lợi thế quan trọng của Hội An và điều này khác xa với các di tích khảo cổ hay tôn giáo, kể cả kinh thành Huế hay Mỹ Sơn, nên khó thể so sánh mô hình Hội An với các nơi khác được, vì mỗi nơi đều có cách tiếp cận khác nhau. Nhưng dù sao đây vẫn là một mô hình hay và hiệu quả khi tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận từ phía người dân cũng như chính quyền địa phương.

Thực hiện chuyên đề: VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn theo kiểu Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO