Thêm một bảo tàng nữa ở Quảng Nam vừa ra đời, góp vào danh mục địa chỉ văn hóa của xứ Quảng thêm những câu chuyện mới...
Các bảo tàng ở Hội An đã được đưa vào hệ thống các điểm tham quan theo tour tuyến tại Hội An. Ảnh: S.A |
Giữ tinh hoa ẩm thực
Ông Lê Văn Vĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà Việt - Vinahouse (Điện Bàn) cho biết, thêm một tin vui ngày cuối năm khi Sở VH-TT&DL đã ký quyết định thành lập Bảo tàng ẩm thực và Dinh trấn Mỳ Quảng tại Khu du lịch Vinahouse. “Chúng tôi đã ngày đêm trăn trở, nghiên cứu, sưu tập hiện vật, tư liệu về văn hóa ẩm thực xứ Quảng nói chung và ẩm thực mỳ Quảng nói riêng qua các thời kỳ nhằm bảo tàng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, lưu giữ cho thế hệ sau” - ông Lê Văn Vĩnh nói.
Được xem như một nơi dành để kế thừa các thành tựu bảo tồn giá trị di sản từ Bảo tàng kiến trúc nhà cổ lớn nhất Việt Nam, Bảo tàng ẩm thực xứ Quảng và Dinh trấn Mỳ Quảng được nhìn nhận sẽ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, hội tụ tinh hoa văn hóa ẩm thực xứ Quảng. Sau nhiều năm thực hiện công tác sưu tầm, bảo quản, hiện tại số lượng hiện vật của bảo tàng ẩm thực này lên đến 519 hiện vật, trong đó có rất nhiều di vật được người xưa sử dụng trong quá trình làm nên những đặc sản ẩm thực của xứ Quảng. Ông Lê Văn Vĩnh nói, nếu tính luôn bộ sưu tập nhà cổ cùng những cấu kiện kèm theo ở bảo tàng nhà cổ Vinahouse, tổng số lượng hiện vật ông cất công lưu giữ từ hơn chục năm nay lên đến con số hơn 5.000. Tất cả đều hướng đến mục tiêu tái hiện đời sống dân dã nhưng đậm truyền thống của một xứ Quảng lâu đời.
Trong khi đó, ngay đầu năm 2019 này, thêm một điểm tham quan mang tính giới thiệu về kinh nghiệm, tri thức dân gian trong món xí-mà của gia đình ông Ngô Thiểu, tìm hiểu về nghệ thuật chế biến món ẩm thực này sẽ ra mắt du khách đến với Hội An. Dự kiến, điểm tham quan này khai trương vào nửa đầu năm 2019, hướng đến kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, hình thành điểm tham quan này sẽ góp phần làm phong phú tour tuyến du lịch hấp dẫn ở Hội An, đồng thời phát huy giá trị của di sản văn hóa Hội An.
Tạo sinh khí cho bảo tàng
Quảng Nam hiện có khá nhiều bảo tàng của tư nhân và Nhà nước quản lý, tuy nhiên, để phát huy, quảng bá được các giá trị quý giá mà bảo tàng đang sở hữu vẫn là câu chuyện dài. Ông Nguyễn Chí Trung cho biết, hệ thống bảo tàng, phòng trưng bày chuyên đề ở Hội An hiện nay không được hưởng những cơ chế, chính sách như một thiết chế bảo tàng, bởi theo Luật Di sản văn hóa, cấp huyện không có bảo tàng. “Hệ thống bảo tàng Hội An được hình thành là kết quả của một quá trình gần 40 năm nghiên cứu, điều tra, khai quật khảo cổ học, dân tộc học, nhân học và về lịch sử văn hóa Hội An của các lớp thế hệ cán bộ, chuyên môn thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An và bằng nguồn ngân sách đầu tư của thị xã/TP.Hội An. Tổng số hiện vật trưng bày tại các bảo tàng ở Hội An hiện nay là 3.482 hiện vật; ngoài ra có 8.740 hiện vật lưu giữ trong kho. Các hiện vật này đã được thiết lập, xây dựng hồ sơ đầy đủ từ lý lịch hiện vật, sổ đăng ký kiểm kê bước đầu, sổ phân loại” - ông Nguyễn Chí Trung nói.
Một số hiện vật tại Bảo tàng ẩm thực và Dinh trấn Mỳ Quảng tại Vinahouse. |
Các bảo tàng ở Hội An không chỉ trưng bày với hình thái tĩnh mà còn đưa những hoạt động trực quan vào giới thiệu như trình diễn nghề truyền thống tại Bảo tàng văn hóa dân gian, hay tạo ra không gian nghỉ chân ngay tại các điểm bảo tàng. Các bảo tàng còn kết nối với Phòng GD-ĐT địa phương xây dựng chương trình “Giáo dục di sản trong trường học”, “Cùng em khám phá bảo tàng”... tạo được hiệu ứng khá tích cực.
Ông Nguyễn Chí Trung chia sẻ thêm, để bảo tàng có sinh khí, cần phải tạo ra hoạt động gắn kết cộng đồng, và đây là yếu tố cần phải ưu tiên để các hiện vật, giá trị mà bảo tàng sở hữu có cơ hội được người dân biết tới. TS. Ngô Văn Doanh, một chuyên gia về bài trí hiện vật ở bảo tàng, trong lần về Bảo tàng Quảng Nam chia sẻ, Bảo tàng Quảng Nam sở hữu số lượng hiện vậy khá phong phú và dày dặn, tuy nhiên việc trưng bày bước đầu lại chưa thật sự tạo được hứng thú. Ông Doanh cho rằng, không nhất thiết phải trưng bày theo từng thời đoạn lịch sử hay quá trình phát triển theo niên đại, mà cần phải có câu chuyện để kết nối và dẫn dắt các cụm hiện vật theo một mạch chuyện. Có vậy, bảo tàng mới thực sự là điểm thu hút được người dân tìm đến.
SONG ANH