Bảo tồn, trùng tu tháp Chăm: Vẫn loay hoay giải pháp kỹ thuật

HOÀNG LIÊN 23/03/2016 08:24

Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học & công nghệ (KH&CN) trong hoạt động bảo tồn, trùng tu tháp Chăm tại Quảng Nam được chú trọng, song thành quả chỉ mới ở bước đầu. Vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để chống nguy cơ di tích xuống cấp, sụp đổ trước sự bào mòn, xâm hại của thời gian.

Hiện trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều nhóm tháp Chăm cùng nhiều phế tích… Riêng quần thể tháp Chăm tại Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hơn 20 năm qua, công tác bảo tồn, phục dựng nguyên trạng quần thể di tích Chăm được triển khai ở nhiều nơi. Song, mãi đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để chống xuống cấp các di tích này. Khó khăn trong trùng tu tháp Chăm ở Quảng Nam thể hiện ở cả vấn đề kỹ thuật lẫn kinh phí. Về kinh phí, từng bước có thể đáp ứng được, từ sự huy động của nhiều nguồn lực, song nan giải vẫn là bài toán về giải pháp kỹ thuật. Suốt mấy chục năm qua, ngay cả Viện KH&CN (Bộ KH&CN) và Viện Bảo tồn di tích Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) vẫn chưa làm chủ được công nghệ bảo tồn, trùng tu di tích Chăm.

Hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ cao bảo tồn tháp Chăm. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ cao bảo tồn tháp Chăm. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Nhiều trường phái

Quảng Nam tiếp cận nhiều trường phái bảo tồn, trùng tu tháp Chăm, song đến nay vẫn chưa có cách thức trùng tu riêng. Để chống vấn đề nghiêng, lún, xuống cấp của tháp Chăm, trong KH&CN sẽ có những giải pháp do các chuyên gia về xây dựng, kết cấu, vật liệu tiến hành. Ngoài những viên gạch, nền móng đầu tiên do kiến trúc sư Kazik tiến hành ở Mỹ Sơn, 10 năm qua (2003 - 2013), cách thức trùng tu của người Ý cũng góp phần đặt cơ sở, nền tảng cho công tác bảo tồn, trùng tu tháp Chăm ở Mỹ Sơn nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung. Giai đoạn này, từ chương trình hợp tác giữa Việt Nam - UNESCO, UNESCO và Italia cũng đã thực hiện tại Mỹ Sơn một số dự án. Đã có nhiều phát hiện khảo cổ tại Mỹ Sơn, các nhà nghiên cứu đã khai quật một khu vực khoảng 1.800m2 và phát hiện được 1.200 hiện vật ở khu vực nhóm tháp G.

Rêu phong phủ trên nhóm tháp Khương Mỹ, Núi Thành.
Rêu phong phủ trên nhóm tháp Khương Mỹ, Núi Thành.

Các nhà khoa học đã xác định được niên đại của gạch bằng cách áp dụng phương pháp bức xạ nhiệt quang học. Một thành tựu khác của dự án là qua phân tích lý hóa đã phát hiện được dấu nhựa thực vật được sử dụng để làm vữa liên kết xây dựng tháp Chăm. Các nhóm tháp G1, G3, G5 và hệ thống tường bao đã được tu bổ, gia cố giai đoạn này. Để có những viên gạch tương tự gạch Chăm cổ dùng vào việc tu bổ tháp, nhiều thí nghiệm đã được thực hiện để lựa chọn nguyên liệu và kỹ thuật nung, qua đó hàng chục ngàn viên gạch có kích thước và cấu trúc gần giống với gạch Chăm đã được sản xuất. Nguyên liệu dùng để làm hồ kết dính các viên gạch là loại dầu rái tốt trộn với bột gạch, sau khi hoàn thành việc tu bổ, tháp được gia cố vững chãi, nhờ đó có thể tồn tại được thêm nhiều năm. Song, theo giới chuyên môn, đó cũng chỉ là một cách thức trùng tu, bên cạnh những mặt được, cách trùng tu của người Ý vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Dù đã tìm được chất kết dính và sản xuất hàng loạt viên gạch phục vụ trùng tu, song quan trọng là sau khi tu bổ rồi, phải làm sao bảo quản được bề mặt tháp; nếu không trước sự tác động của thời gian, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự hư hại, xuống cấp của công trình là khó tránh khỏi. Nói như một nhà quản lý về bảo tồn di tích và danh thắng, câu chuyện tháp Chăm là câu chuyện nghìn năm. Cần có độ lùi thời gian, chí ít cũng phải vài chục năm hay có khi hàng trăm năm để đánh giá sự bền vững của từng giải pháp…

Cách đây không lâu, Viện KH&CN từng có đề án bảo tồn, trùng tu tháp Chăm, song về sau, đơn vị này đã xin rút lui bởi lý do rằng giải pháp của viện đưa ra vẫn chưa đảm bảo, viên gạch do viện chế tác ra không đảm bảo sự bền vững. Cách thức trùng tu của Viện Bảo tồn di tích chủ yếu ảnh hưởng của trường phái Ý và Ấn Độ. Đến nay, Viện Bảo tồn di tích đã hoàn thành việc trùng tu tháp E7 và cách mà viện này làm cũng tương tự như cách làm của người Ý đối với nhóm tháp G. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Việc tìm giải pháp bảo tồn, trùng tu tháp Chăm hiện hết sức nan giải. Nhìn nhận lại cách trùng tu của ông Kazik, dù vẫn có nhiều ý kiến chê song hơn 20 năm qua, có thể nói giải pháp của ông vẫn tạo sự ổn định cho tháp Chăm Mỹ Sơn, những khu vực được trùng tu vẫn bền vững. Cách thức tu bổ của người Ý vẫn có những hạn chế, cần phải có độ lùi thời gian để đánh giá, song chúng ta phải đánh giá cao sự thiện chí của họ”.

Ứng dụng công nghệ cao

Trong khi loay hoay chờ giải pháp hữu hiệu thì giai đoạn 2010 - 2015, đã có nhiều giải pháp công nghệ được thử nghiệm trong trùng tu. Trước tình trạng mủn gạch và sự thẩm thấu ngược của nước tại nhóm tháp Khương Mỹ (Núi Thành) và nhiều nhóm tháp khác, các chuyên gia và đội ngũ cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam đã vất vả trong khảo sát, đánh giá. Nguyên nhân được cho rằng, hoạt động của hệ thống thủy lợi nằm cách chân tháp không xa và mạch nước ngầm tầng nông đã dâng lên thấm vào đế tháp, thân tháp từ 3,5m trở xuống mặt đất. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã can thiệp làm giảm tình trạng mủn gạch. Song tình trạng xâm hại của rêu, địa y trên thân tháp, gây ảnh hưởng tới tuổi thọ và đe dọa độ bền vững của thân tháp vẫn là câu chuyện nóng bỏng. Cũng như Khương Mỹ, nhóm tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ (Phú Ninh), cách thức vệ sinh thân tháp, phủ nano từng được đặt ra. Song nano là hóa chất đắt tiền, việc phủ nano lên toàn bộ quần thể tháp cổ đòi hỏi có nguồn kinh phí lớn. Đây cũng không là giải pháp hữu hiệu bởi lẽ việc phủ nano chỉ bảo vệ được mặt bên ngoài tháp, không xử lý được tình trạng ẩm mốc bên trong lòng tháp. Nano lại ngăn cản sự bốc hơi nước từ bên trong, làm gia tăng tình trạng xuống cấp di tích. Hay như để xử lý muối trên bề mặt tháp, Viện Bảo tồn di tích từng giới thiệu công nghệ Úc là dùng hỗn hợp, trét 1,5 - 3 phân lên mặt tháp, đây là hỗn hợp có khả năng kết dính các viên gạch, hút nước, làm khô thoáng viên gạch, tránh sự mủn gạch và lên muối. Đến nay, cả công nghệ xử lý muối và phủ nano cũng chỉ dừng lại ở ý tưởng, chưa có thông tin cụ thể.

Cuối năm 2015, hy vọng được mở ra khi nhóm chuyên gia Liên bang Nga đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ cao bảo tồn tháp Chăm, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia khoa học đầu ngành, các nhà quản lý. Nhiều tham luận, giải pháp kỹ thuật trong bảo tồn, trùng tu tháp Chăm được đưa ra. Đặc biệt là giải pháp tôi bề mặt gạch, thay vì nung trong lò thì các chuyên gia sẽ chọn giải pháp nung viên gạch ở ngoài, gia nhiệt cho viên gạch với nhiệt độ lên tới hàng nghìn độ C. Việc gia nhiệt sẽ tạo lớp áo giúp viên gạch chống lại các tác nhân xâm hại từ thiên nhiên và thời gian. Dù được đánh giá là giải pháp khả thi, song các nhà quản lý tỏ ra quan ngại bởi lẽ kinh phí thực hiện giải pháp này vô cùng lớn. Trao đổi về giải pháp này, ông Hồ Xuân Tịnh cho biết: “Hiện, các chuyên gia Liên bang Nga đã lấy mẫu gạch Chăm đem về nước nghiên cứu, trước mắt họ tự lấy nguồn kinh phí của mình để làm. Tia hy vọng về kỹ thuật bảo tồn tháp Chăm đã mở ra, nhưng mọi việc còn phải chờ đến khi việc nghiên cứu có kết quả. Khi đó, phía Bộ VH-TT&DL, Bộ KH&CN, UBND tỉnh và các chuyên gia Liên bang Nga sẽ có những ký kết hợp tác cụ thể và sẽ quyết định chọn nhóm tháp nào để xử lý”.

Cũng theo ông Tịnh, bên cạnh hợp tác với các chuyên gia Nga, cuối năm 2015, Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ đã có một bản ghi nhớ. Theo đó, đầu năm 2016, Viện Bảo tồn di tích sẽ phối hợp với các chuyên gia Ấn Độ bắt tay khảo sát, đánh giá lại toàn bộ những nghiên cứu trước đây, xây dựng một chương trình hợp tác cụ thể, từ đó sẽ đưa ra giải pháp trùng tu cụ thể.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn, trùng tu tháp Chăm: Vẫn loay hoay giải pháp kỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO