Chúng tôi vừa có cơ duyên được dự cuộc họp của hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu và đề xuất giải pháp phát huy giá trị di sản Hán Nôm về dòng họ, làng xã Quảng Nam” do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế thực hiện.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu (do TS. Trần Đình Hằng chủ nhiệm) cho biết qua quá trình nghiên cứu, khảo sát bước đầu, có thể thấy di sản Hán Nôm về dòng họ và làng xã Quảng Nam rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là từ các lưu trữ quốc gia lẫn tại hòm bộ của các làng xã và dòng họ. Đơn cử chỉ riêng hòm bộ của dòng họ Trần Hưng (Tam Xuân, Núi Thành) và Ngũ Xã Trà Kiệu (Duy Xuyên) đã sưu tầm được hàng nghìn trang, với nhiều thông tin tư liệu quý giá, trên nhiều phương diện lịch sử, kinh tế, văn hóa - xã hội.
Đề tài nghiên cứu cũng đã số hóa 10.000 đầu mục tài liệu và thực hiện được tập phiên âm dịch nghĩa các tư liệu Hán Nôm có chọn lọc khoảng 1.500 trang. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã cho công bố 18 bài báo khoa học liên quan di sản Hán Nôm của Quảng Nam…
Đặc biệt, một kho tài liệu quý giá, đồ sộ, lên đến hàng chục nghìn trang Hán Nôm dưới tiêu đề “Quảng Nam tỉnh tập biên” đã được tiếp cận nghiên cứu. Tổng tập này bao gồm những báo cáo, đơn từ có liên quan đến di sản như sắc phong thần, sắc phong các quan viên, các loại công văn, đơn từ, gia phả, câu đối, hoành phi ở các đền chùa và tư gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn.
Theo TS.Trần Đình Hằng, khoảng 4.000 trang tài liệu từ “Quảng Nam tỉnh tập biên”, nếu được phiên âm, dịch nghĩa, chú giải trọn vẹn sẽ in thành bộ sách đồ sộ, làm tư liệu nền cho nhiều đề tài khác tiếp tục nghiên cứu về lịch sử, văn hóa xứ Quảng.
Đồng thời với hệ thống tư liệu văn bia, sắc, chế, sắc dụ, các loại văn bản hành chính khác (bằng cấp, trát, trình, tấu, khai,…), địa bạ, hương ước, tộc ước, thuận định, cấm điều,… đã được sưu tầm, nếu phiên dịch, giới thiệu cho các địa phương liên quan sẽ giúp cho việc tiếp thu tinh thần của tiền nhân và có những định hướng, điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh hiện nay về làng xã cũng như các dòng họ.
Qua đó cũng có thể thực hiện việc “hồi hương di sản” khi góp tư liệu xác minh, chứng thực để phục hồi các di tích bị hư hỏng, hoặc đưa về các địa phương để bổ túc phần lịch sử còn thiếu sót, chưa được minh định.
Điều đáng suy nghĩ và cảnh báo là bộ phận di sản Hán Nôm đang đối diện nguy cơ mất mát lớn do người dân bảo quản chưa bài bản trong điều kiện thời tiết ẩm thấp, mối mọt, thiên tai và cả nạn trộm cắp.
Thực tế, nạn trộm cắp cổ vật đã kéo dài nhiều năm ở nhiều địa phương, nhất là với các loại tài liệu Hán Nôm có đóng ấn triện thời quân chủ (triều Nguyễn, triều Tây Sơn, triều Lê). Càng phải cảnh báo là có nhiều nhóm người Việt tiếp tay cho người nước ngoài len lỏi vào các làng xã mua bán, vận chuyển di sản Hán Nôm ra các quốc gia khác.
Chuyện mất mát cổ vật, văn bản Hán Nôm sẽ gây nên nhiều khủng hoảng, rối loạn, tạo khoảng trống “đứt gãy” đặc biệt nghiêm trọng trong đời sống văn hóa làng xã và dòng họ (nhất là với các loại tài liệu ghi chú về lịch sử hình thành, các mốc son quan trọng, phân định thế thứ, hệ giá trị đặc trưng...).
Bảo tồn và “hồi hương di sản” là các tài liệu Hán Nôm không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết đối với quá trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất, con người xứ Quảng. Bên cạnh việc bảo tồn nguyên gốc các tài liệu như cổ vật quý giá, thiển nghĩ cần song hành gấp rút số hóa những gì sưu tầm được để bảo tồn cơ sở dữ liệu trên nền tảng số, tiện lợi cho tra cứu tài liệu phục vụ nghiên cứu khoa học và nhiều mục tiêu khác một cách hữu ích hơn.