Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu ở Đông Giang: Dựa vào chủ thể của cộng đồng

ALĂNG NGƯỚC 28/12/2016 09:13

Những nỗ lực của các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Đông Giang khi dựa vào vai trò của từng chủ thể trong cộng đồng vùng cao để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Cơ Tu đã mở ra cơ hội bảo lưu nhiều giá trị truyền thống của đồng bào địa phương.

Đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang vui múa cồng chiêng trong lễ hội làng, chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào Cơ Tu huyện Đông Giang vui múa cồng chiêng trong lễ hội làng, chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào mình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bảo lưu giá trị văn hóa gốc

Văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu vốn rất phong phú và đa dạng, với điệu múa tâng tung da dá, nghề dệt thổ cẩm và nghệ thuật nói lý - hát lý được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì thế, chủ trương bảo lưu giá trị văn hóa gốc được xem là nền tảng để các địa phương miền núi chung tay giữ gìn bản sắc của đồng bào, trước nguy cơ mai một. Nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang - ông Nguyễn Bằng cho rằng, văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu mang nhiều giá trị trong đời sống của đồng bào và được truyền nối từ đời này sang đời khác. Đó chính là tài sản vô giá mà tổ tiên đồng bào Cơ Tu đã để lại cho bao thế hệ con cháu, trở thành niềm tự hào của cộng đồng vùng cao. Tuy nhiên, di sản của đồng bào nay đang dần bị biến dạng, với nhiều nét giao thoa thiếu chọn lọc. Do vậy, việc tìm cách bảo lưu văn hóa gốc trên cơ sở lựa chọn những giá trị tốt đẹp, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu sẽ là hướng đi mới để văn hóa Cơ Tu được tồn tại đúng nghĩa. “Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào vùng cao Đông Giang quan tâm, chú trọng. Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức, triển khai đã góp phần không nhỏ vào chủ trương chung vì mục tiêu bảo tồn, phát triển và đưa văn hóa Cơ Tu đến với du khách, sống cùng du khách theo mô hình du lịch cộng đồng tại làng truyền thống Cơ Tu” - ông Bằng chia sẻ.

Năm 2015, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho huyện Đông Giang tổ chức nghiên cứu lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) về xây dựng Làng truyền thống Cơ Tu tại thôn Đhrôồng (xã Tà Lu) để phục vụ du lịch. Theo đó, làng truyền thống Cơ Tu Đông Giang sẽ được thực hiện trên tổng diện tích khoảng 10,5ha, làm cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch trong mối quan hệ tổng thể với phát triển du lịch của tỉnh. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng đối với đồng bào Cơ Tu và chính quyền huyện Đông Giang trong những nỗ lực khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào địa phương. Trước đó, vào năm 2008 UBND Đông Giang có đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu giai đoạn 2009 - 2015. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, đề án đã đem lại những kết quả khả quan trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào, nhất là các di sản phi vật thể đã được công nhận. Bên cạnh các làng nghề thủ công truyền thống Cơ Tu được khảo sát bảo tồn và phát triển trong cộng đồng dân cư ở các xã Tà Lu, A Ting, Sông Kôn... tại địa phương xuất hiện thêm nhiều làng truyền thống đang mở hướng khôi phục nghề chế biến rượu cần, các nhạc cụ truyền thống độc đáo. Theo bà Ating Thị Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hiệu quả từ đề án đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu tại địa phương. Từ đó, từng bước hướng đến việc bảo lưu văn hóa gốc trong cộng đồng, kết hợp đưa nhiều loại hình văn hóa trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách khám phá và trải nghiệm.

Cùng chung tay…

Khi văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đang đứng trước nguy cơ mai một thì một số vùng ở Đông Giang xuất hiện nhiều cá nhân tự nguyện góp sức bảo tồn giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào mình. Tiêu biểu như già làng Y Kông (thôn Tống Coói, xã Ba) tự mình tạc tượng truyền thống Cơ Tu với nhiều sản phẩm được làm từ gỗ. Trong đó, chiếc t’rang ch’ríh (quan tài kỳ lạ) được xem là sản phẩm “có một không hai” ở vùng đồng bào Cơ Tu. Bởi cái lạ ở “t’rang ch’ríh” chính là sự kết hợp độc đáo giữa quan tài với hình đầu trâu và con rồng. Dù chiếc quan tài được làm cho… chính mình - như lời tâm sự của già Y Kông, nhưng vô hình trung đã hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến vùng đất Đông Giang. Và, sau mỗi lần ghé chân, du khách đều chung một cách nhìn, đó chính là sự ấn tượng về chiếc “t’rang ch’ríh” của già Y Kông, cùng không gian văn hóa Cơ Tu với điểm hẹn không thể chối từ.

Khác với già Y Kông, câu chuyện của bà Lê Thị Mai Chanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, khiến nhiều người cảm động khi nhiều năm qua một mình lặn lội đến các bản làng người Cơ Tu để tìm hiểu và sưu tầm truyện cổ của đồng bào mình. Bà Chanh bảo rằng, hàng chục câu chuyện cổ Cơ Tu chính là tài sản quý giá nhất mà bà tích góp được trong  nhiều năm công tác, cống hiến cho sự nghiệp phát triển miền núi của mình. Và, trong số câu chuyện của bà, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu luôn được nhắc đến với bao niềm tự hào. “Giới trẻ bây giờ rất ít ai biết đến truyện cổ của dân tộc mình, những người biết kể chuyện của Cơ Tu cũng không còn nhiều. Vì thế, truyện cổ Cơ Tu đang dần thất truyền và đứng trước nguy cơ biến mất. Mình bỏ công sức sưu tầm cũng là để muốn bảo lưu giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào” - bà Chanh tâm sự. Phát huy vai trò của những chủ trong cộng đồng Cơ Tu đang là hướng đi mới giúp huyện Đông Giang trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào địa phương, khi ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu trong việc lưu giữ bản sắc trước nguy cơ mai một.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu ở Đông Giang: Dựa vào chủ thể của cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO