Bảo tồn và phát triển cây ớt A riêu

HOÀNG LIÊN 15/02/2022 06:50

Việc triển khai nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây ớt A riêu bản địa nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen đặc sản bản địa, mở rộng vùng nguyên liệu hàng hóa, đa dạng sản phẩm, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo cho đồng bào miền núi là hướng đi được huyện Đông Giang chú trọng.

Huyện Đông Giang nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu ớt A Riêu.
Huyện Đông Giang nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu ớt A Riêu.

Ớt A riêu là cây đặc sản bản địa của huyện Đông Giang, có giá trị kinh tế cao gấp đôi so với cây ngô, cây sắn, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào miền núi xã Mà Cooih. Năm 2017, ớt A riêu được đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể, sản phẩm có giá bán từ 250 - 300 nghìn đồng/kg.

Trước giá trị của cây đặc sản bản địa, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) triển khai đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây ớt A Riêu phục vụ sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam”.

Bảo tồn nguồn gen đặc hữu

Theo TS. Nguyễn Văn Đức, chủ nhiệm đề tài, cây ớt A riêu từng mọc trong tự nhiên với khả năng chống chịu các điều kiện bất lợi tốt và không đòi hỏi khắt khe về điều kiện chăm sóc, phân bón…

Đây là cây đặc sản phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở xã Mà Cooih, còn ở nơi khác, cây vẫn phát triển bình thường nhưng quả to hơn và không còn hương vị, độ cay, hương thơm đặc trưng. Đây chính là lợi thế để người dân Mà Cooih xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm.

Cây ớt A riêu phân bố ở 5 thôn của xã Mà Cooih, nhiều nhất ở thôn A Zal (19 hộ) và thôn Tà Rèng (13 hộ) và thôn A Xo (9 hộ). Từ chỗ mọc tự nhiên, cây ớt đã được các hộ dân trồng nhiều thông qua việc lấy cây giống từ rừng.

Từ sự hỗ trợ của huyện, người dân được cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng, phân bón, phát triển diện tích. Song, nhìn chung, diện tích trồng và năng suất ớt trung bình/hộ dân vẫn còn tương đối thấp, sản lượng ớt chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, thu nhập của người trồng ớt còn thấp.

Sản phẩm ớt A riêu, xã Mà Cooih, Đông Giang. Ảnh: T.N
Sản phẩm ớt A riêu, xã Mà Cooih, Đông Giang. Ảnh: T.N

TS. Nguyễn Văn Đức và cộng sự đã nghiên cứu, đánh giá đặc tính di truyền, xác định các yếu tố quyết định chất lượng, độ thơm và cay đặc trưng của ớt A riêu so với các loại ớt rừng khác.

Nhóm cũng tuyển chọn được số lượng 50 cây ớt có biểu hiện tính trội phục vụ sản xuất hạt giống. Xây dựng vườn lưu giữ cây giống ớt A riêu phục vụ sản xuất hạt giống (500 cây); xây dựng quy trình nhân giống ớt từ hạt; quy trình trồng và chăm sóc ớt A riêu theo hướng nông nghiệp an toàn tại xã Mà Cooih; quy trình kỹ thuật chế biến các sản phẩm ớt A riêu.

Đề tài đã xây dựng vườn ươm cây giống rộng 1.000m2, tạo ra gần 500.000 cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn cấp giống. Đồng thời, triển khai tập huấn, hướng dẫn quy trình nhân giống; quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt A riêu an toàn; kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và chế biến các sản phẩm cho người dân và cán bộ chuyên môn.

“Chúng tôi đã nhân giống từ hạt, xây dựng vườn ươm, xây dựng quy trình nhân giống chuẩn và đã cung cấp cho người dân xã Mà Cooih hơn 500.000 cây giống để hỗ trợ người dân” - TS. Nguyễn Văn Đức chia sẻ.

Xây dựng chuỗi giá trị

Bên cạnh bảo tồn gen, cấp giống... các nhà nghiên cứu cũng định hướng, hỗ trợ địa phương, hợp tác xã và người dân khâu quảng bá, phát triển sản phẩm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Truyền (Trường Đại học Nông Lâm), nhóm cũng đã thiết kế nhãn mác, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật chế biến sản phẩm tương ớt A riêu; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật chế biến sản phẩm ớt A riêu muối măng, muối ớt A riêu và một số sản phẩm khác. Phân tích kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm.

Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, huyện tích cực phối hợp với các trường, các nhà nghiên cứu và người dân, chỉ đạo hợp tác xã kết nối, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cây ớt A riêu.

Bên cạnh đó, hoàn thiện, tiếp nhận chuyển giao các quy trình sản xuất, chế biến ớt hiện có; xây dựng các mô hình quản lý dịch bệnh cho cây ớt; triển khai áp dụng các biện pháp thúc đẩy phát triển mô hình canh tác tiên tiến theo hướng VietGap, nông nghiệp hữu cơ.

Huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Hợp tác xã Nông nghiệp Mà Cooih cung cấp dịch vụ đầu vào, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ớt hoặc làm cầu nối để nhà nông và doanh nghiệp liên kết sản xuất theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Đồng thời nỗ lực triển khai các giải pháp ưu đãi về vốn vay cho nông dân tham gia sản xuất tập trung ớt A riêu. Địa phương cũng kiến nghị tỉnh có cơ chế khuyến khích phát triển đối với cây ớt A riêu theo tinh thần Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2019 - 2025.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn và phát triển cây ớt A riêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO