Cùng với chú trọng quy hoạch bảo tồn và phát triển, thời gian qua, quế Trà My được trồng mở rộng diện tích tại các địa phương miền núi, đặc biệt là việc chọn tạo cây trội gốc góp phần nâng cao chất lượng giống cây bản địa.
Mở rộng diện tích
Năm 2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 40 về cơ chế hỗ trợ và phát triển cây quế Trà My trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2025. Cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết, Quảng Nam quy hoạch diện tích bảo tồn và phát triển cây quế Trà My đến năm 2030 đạt khoảng 10.000ha. Trong đó, diện tích quế đã trồng hiện có 3.670ha; diện tích quy hoạch trồng mới 6.240ha và xây dựng rừng giống chuyển hóa khoảng 8ha.
Sâu bệnh tấn công rừng trồng quế
Theo Sở NN&PTNN, rừng trồng quế trên địa bàn tỉnh đang bị sâu bệnh tấn công, gây ra các mầm bệnh gỉ sắt, khô cành ngọn, phân trắng, đốm lá và bệnh hại rễ làm chết cây.
Tại một số địa phương Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước… đã xuất hiện sinh vật gây bệnh và đang có chiều hướng lây lan ra địa bàn khác gây hại phức tạp. Trong khi đó, việc phòng trừ gặp rất nhiều khó khăn do chưa có nghiên cứu quy luật phát sinh, phát triển và các biện pháp phòng trừ.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT đề nghị quan tâm hỗ trợ nghiên cứu, có giải pháp phòng trừ bệnh gây hại, giúp nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng quế tại Quảng Nam.
Từ năm 2018 - 2022, các địa phương miền núi cao như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn… đã trồng mới diện tích quế hơn 1.275ha, chủ yếu trồng tập trung hơn 713ha và trồng phân tán hơn 562ha. Ngoài ra, diện tích hỗ trợ cây trồng xen đạt gần 225ha; diện tích chuyển hóa rừng giống gần 11,5ha…
Nhằm nâng cao hiệu quả mở rộng phát triển quế Trà My đảm bảo mục tiêu bảo tồn, năm 2022, Sở NN&PTNT ban hành kế hoạch kiểm tra thực hiện cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My; đồng thời đăng ký nhu cầu vốn, tham mưu hướng dẫn thực hiện cơ chế hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, giúp các địa phương thuận lợi trong việc mở rộng diện tích cây trồng.
Ông Đinh Mươk - Chủ tịch Hội Sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My cho biết, thời gian qua, bên cạnh nỗ lực triển khai chủ trương bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng quế Trà My, các địa phương miền núi tiếp tục xây dựng cơ chế, quy hoạch diện tích trồng rừng, đặc biệt là giống quế đảm bảo chất lượng.
Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích trồng quế toàn tỉnh đạt khoảng 12.610ha (Nam Trà My 10.108ha; Bắc Trà My 1.367ha; Phước Sơn 746ha và Tiên Phước 389ha).
“Qua khảo sát, hiện nay một số huyện miền núi có nhu cầu trồng quế Trà My đã đăng ký kế hoạch triển khai trồng và mở rộng diện tích. Nhiều hộ dân trong cộng đồng cũng chủ động đăng ký nhu cầu, trồng thử nghiệm trên phần diện tích đất rẫy theo mục tiêu trồng rừng gỗ lớn” - ông Đinh Mươk cho hay.
Nâng chất lượng giống cây trội
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, để mở rộng diện tích cây trồng theo hướng tập trung, vừa ngăn ngừa sự lai tạp về nguồn giống, góp phần nâng cao giá trị “Cao sơn ngọc quế”, từ năm 2017, địa phương xây dựng và triển khai đề án “Đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế Trà My, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, tập trung lựa chọn các cây quế đầu dòng, xây dựng vườn giống quế chuyển hóa để lấy hạt làm giống nhằm phát triển nguồn gen, hướng đến việc bảo vệ thương hiệu cây quế Trà My gốc.
Theo ông Dũng, trong 5 năm (2017 - 2022), từ nguồn ngân sách của các địa phương và sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ tại Hà Nội, cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp đã công nhận 110 cây quế Trà My trội, tạo cơ sở nâng nguồn giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng thời gian đến.
“Từ việc chọn tạo cây trội quế Trà My gốc này, bên cạnh bảo tồn nguồn gen chất lượng, đảm bảo phục vụ cho sản xuất giống trồng rừng trên địa bàn huyện, chúng tôi hướng đến việc bảo vệ thương hiệu “Cao sơn ngọc quế”, giúp quế Trà My ngày càng đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao” - ông Dũng nói.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thời gian qua các địa phương, đơn vị đã triển khai giải ngân cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển quế Trà My đạt trung bình 86,90% so với kế hoạch vốn được giao.
Một số địa phương linh hoạt lồng ghép nguồn lực từ ngân sách huyện nhằm hỗ trợ chọn tạo cây trội quế Trà My gốc, phục vụ sản xuất giống chất lượng. Riêng năm 2023, UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho UBND các huyện triển khai kế hoạch bảo tồn và phát triển cây quế Trà My với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng, gồm UBND huyện Nam Trà My 784 triệu đồng; Tiên Phước 133 triệu đồng; Phước Sơn 127 triệu đồng và Bắc Trà My 438 triệu đồng.