Thương hiệu cây sâm Ngọc Linh xứ Quảng đã được khẳng định từ lâu, có vị trí quan trọng trong tạo đòn bẩy giảm nghèo bền vững ở vùng cao Nam Trà My. Thế nhưng, việc phát triển, nhân rộng giống cây này vẫn chưa tương xứng, quản lý còn nhiều lỗ hổng...
|
Người dân Trà Linh trồng sâm dưới tán rừng. |
Giảm đáng kể lượng cây sâm
Hơn 10 năm qua, hàng loạt cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển loài dược liệu quý hiếm - sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh (Nam Trà My) đã đặt ra. Song thực tế lợi ích kinh tế, bảo tồn nguồn gen quý nhằm tăng tính ổn định hệ sinh thái vẫn chưa cao. Mặt khác, quy mô trồng sâm trong nhân dân vẫn còn manh mún, tự phát và chưa tìm được thị trường đầu ra ổn định. Đáng lo ngại, hơn một thập niên qua, số lượng sâm không tăng mà còn bị giảm ước hơn 100 nghìn cây. Đơn vị quản lý sâm với quy mô lớn thì có sự xáo trộn nhất định do thay đổi cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động. Giữa năm 2013, Công ty CP Dược - vật tư y tế Quảng Nam thoái phần vốn nhà nước hoàn toàn, chuyển sang hình thức doanh nghiệp tư nhân. Cho nên, Trạm Dược liệu Trà Linh - nơi sản xuất, quản lý nguồn cây sâm được xác định là của Nhà nước không thuộc phần quản lý của công ty. Tháng 10.2013, UBND tỉnh thành lập Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Trà Linh thuộc quản lý của Sở Y tế.
Theo thống kê của Trạm Dược liệu Trà Linh, giai đoạn 2002 - 2013, tổng nguồn sâm mà đơn vị đang trồng, quản lý gần 170 nghìn cây trên diện tích hơn 7,1ha và 2ha sâm thí điểm trồng dưới giàn mái che, ươm giống trong khay. Trong số sâm đang trồng có khoảng 63 nghìn cây có thể cho hạt ươm giống. Mô hình trồng sâm trong nhân dân theo nhóm hộ (mỗi nhóm bình quân 4 - 6 hộ) thì phân tán rải rác. Không phải nơi nào ở Trà Linh cũng trồng đại trà cây sâm mà một số nơi loài dược liệu quý này vẫn còn “xa lạ”. Đơn cử, nóc Tăk Lang (thuộc thôn 2 xã Trà Linh) hầu như “trắng” sâm. Ở Trà Nam thì chỉ có nóc Tăk Vinh 2, Tắk Vinh 3 (thôn 2) trồng sâm với khoảng 12 nghìn cây. Hay như tại xã Trà Cang chỉ có 2 thôn trồng sâm... Trong khi đó, một số sản phẩm đặc hữu từ sâm Ngọc Linh đã ra đời nhưng xem ra còn khiêm tốn trên thị trường như rượu sâm, viên ngậm, trà túi lọc, nước bổ dưỡng...
Theo dự thảo đề án Cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014 - 2020, tổng số cây con giống sản xuất trong giai đoạn khoảng 9,9 triệu cây; đến năm 2020 sẽ trồng được 150ha sâm dưới tán rừng, với mật độ 50 nghìn cây/ha; trong đó nhân dân trồng 115ha, doanh nghiệp trồng 35ha. |
Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân làm nguồn giống sâm giảm mạnh là do cơ chế khuyến khích việc bảo tồn và phát triển chưa thực sự tạo động lực mạnh để thu hút người dân nhân rộng nguồn gen sâm. Thời gian dài, Trạm Dược liệu Trà Linh không mở rộng diện tích vùng trồng. Nghịch lý hơn, nhiều hộ dân bản địa nhổ bán sâm non, hoặc có tình trạng người dân bán lại cây giống đã được Nhà nước hỗ trợ chứ không đem trồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Lê Ngọc Kích xác nhận thực tế có chuyện đầu nậu, thương lái phía tỉnh Kon Tum qua Trà Linh mua cây giống với giá cao. Vì ham lợi nhuận, một bộ phận người dân đã đem bán cây giống.
Lúng túng giữ nguồn gen
Cho đến nay, vùng trồng sâm trong rừng tự nhiên hầu như vẫn chưa được quy hoạch. Phong trào sản xuất vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm. Các ngành chức năng thì chậm điều tra, khảo sát, quy hoạch khu vực Ngọc Linh kể cả vùng lõi lẫn vùng đệm; đặc biệt là diện tích đất dưới tán rừng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trồng được sâm làm cơ sở để giao khoán cho người dân trồng, bảo vệ rừng. Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, số liệu thống kê về cây sâm hiện tại mà Sở Y tế đưa ra cũng chỉ áng chừng chứ chưa hẳn sát thực tế. Nhà nước hỗ trợ tiền cho người dân mua cây giống trồng nhưng không bao giờ biết được cây còn mất tới đâu. “Quản lý của chúng ta có vấn đề. Tôi đề nghị tạo điều kiện cho nhân dân bảo tồn phát triển cây sâm Ngọc Linh không thông qua hình thức hỗ trợ mua cây giống, mà nên bằng con đường hỗ trợ lãi suất khi họ vay ngân hàng trồng cây. Có như vậy, người dân mới không có tư tưởng trông chờ ỷ lại” - ông Muộn nói.
Nhà nước hỗ trợ giống nhưng không ít hộ tự bán ra ngoài thị trường làm thất thoát đáng kể nguồn sâm giống, trong khi khâu kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng quá lỏng lẻo. Ông Lê Ngọc Kích băn khoăn: “Chính quyền lẫn người dân lo là thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện rất trôi nổi. Sâm người dân trồng ra đem tiêu thụ cho các đầu nậu, chứ không có địa chỉ ổn định, rõ ràng”. Còn theo lý giải của Sở NN&PTNT, sở dĩ nguồn cây giống sâm Trà Linh giảm sút là do nhu cầu về cây giống từ phía tỉnh Kon Tum quá lớn, nên người dân phải lặn lội qua Trà Linh mua dưới nhiều hình thức. Do vậy, tỉnh cần có chính sách căn cơ để vừa giữ được nguồn gen dược liệu quý vừa không mất tiền của Nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, hỗ trợ tiền cho người dân bảo tồn giống sâm là cần thiết, nhưng phải có cam kết cụ thể. Đồng thời kiểm tra, giám sát lượng cây giống hỗ trợ phát triển ra sao; tiếp tục nhân rộng mô hình trồng sâm trong nhân dân. Ngoài cơ chế khuyến khích nhân dân trồng sâm, còn phải định hướng tiêu thụ và bao tiêu sản phẩm. “Sắp đến, cần quy hoạch vùng trồng sâm nguyên liệu bài bản hơn, lưu ý nhóm hộ ngoài được nhận giao khoán, bảo vệ rừng còn gắn với trồng sâm. Người trồng sâm được hưởng quyền lợi hỗ trợ cây giống nhưng phải cam kết thoát nghèo bền vững. Hằng năm ngành chức năng sẽ kiểm tra, đánh giá hiệu quả” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.
TRẦN HỮU