Bảo tồn và phát triển dược liệu dưới tán rừng: Cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch

TRẦN HỮU 29/03/2019 07:33

Sở hữu một số loài dược liệu quý, song huyện Phước Sơn vẫn loay hoay với công tác quy hoạch, bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quý dưới tán rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo huyện Phước Sơn kiểm tra vườn dược liệu ở xã Phước Chánh. Ảnh: T.H
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo huyện Phước Sơn kiểm tra vườn dược liệu ở xã Phước Chánh. Ảnh: T.H

Tiếp cận đầu tư

Để bảo tồn cây sa nhân tím, cuối năm 2018, Sở NN&PTNT phê duyệt phương án trồng, bảo tồn loại cây này trên địa bàn 2 xã Phước Kim và Phước Chánh (Phước Sơn) với diện tích 7,5ha. Hiện chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắc Mi phối hợp với Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cùng người dân bản địa xử lý thực bì dưới tán rừng, dọn đất, nhân giống, gieo ươm, quản lý bảo vệ khu vực trồng sa nhân tím. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn, năm 2018, với nguồn ngân sách tỉnh và huyện bố trí hơn 1,1 tỷ đồng, địa phương bảo tồn, trồng và chăm sóc 27,3ha cây đảng sâm, ba kích tím, sa nhân tím tại các xã Phước Thành, Phước Công, Phước Chánh và Phước Mỹ. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xã Phước Lộc trồng gần 8ha cây ba kích; dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ trồng 5ha cây ba kích ở Phước Xuân và Phước Mỹ. Năm 2018, cây ba kích được trồng dưới tán rừng với tỷ lệ cây sống đạt rất cao so với các năm trước.

Phước Sơn đã xây dựng vườn ươm cây dược liệu tại khu vực rừng 48 thuộc xã Phước Chánh với diện tích hơn 5ha. Ngoài việc ươm trồng 3 loại cây dược liệu chính là đẳng sâm, sâm ba kích, sa nhân, vườn ươm còn thử nghiệm các cây dược liệu sẵn có trên địa bàn như sâm cau, sâm dây, sâm 7 lá để cung cấp nguồn giống cho người dân. Cây dược liệu trên địa bàn huyện chủ yếu mọc tự nhiên và người dân trồng phân tán. Mục tiêu của địa phương là phát triển cây ba kích, cây sa nhân tím. Theo UBND huyện, thời điểm này đã có các doanh nghiệp vào tiếp cận, khảo sát đầu tư phát triển mở rộng vùng dược liệu trên địa bàn. Chẳng hạn, Công ty TNHH Sâm Sâm xin thuê 100ha đất trồng ba kích dưới tán rừng ở xã Phước Kim; Công ty M-Lead (Kon Tum) khảo sát trồng sâm Ngọc Linh tại thôn 6 (xã Phước Lộc); Công ty CP Dược liệu miền Nam (Bình Dương) và Công ty CP Hòa Bình Xanh đang khảo sát lập dự án đầu tư tại xã Phước Thành và Phước Lộc.

Sớm bổ sung quy hoạch

Làm việc với lãnh đạo huyện Phước Sơn về phát triển vùng dược liệu cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, địa phương cần thiết xác lập vùng bảo tồn, phát triển cây ba kích theo hình thức mời doanh nghiệp vào cho thuê dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ. Trước khi giao cho doanh nghiệp đầu tư, phải kiểm đếm cụ thể, đánh dấu lập bản đồ cây dược liệu.

Theo phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 thì Phước Sơn chỉ được quy hoạch các loài dược liệu như ba kích với diện tích 1.041ha, sa nhân 748ha, quế 449,6ha. Tuy nhiên, nhiều loài cây dược liệu tiềm năng như đảng sâm, giảo cổ lam, đương quy có trong rừng tự nhiên chưa được đưa vào quy hoạch. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - Nguyễn Mạnh Hà nói: “Trong quy hoạch bảo tồn phát triển dược liệu của tỉnh, nhiều vùng có khả năng bảo tồn, phát triển dược liệu của địa phương lại không có trong quy hoạch, nên khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư khi phê duyệt dự án”.

Trong số 12 xã, thị trấn của huyện Phước Sơn, UBND tỉnh chỉ quy hoạch địa điểm bảo tồn dược liệu tại 2 xã (Phước Xuân và Phước Hòa). Sở NN&PTNT cho hay, đầu tư cơ sở hạ tầng vườn ươm gặp khó khăn. Theo Nghị quyết số 202 HĐND tỉnh sẽ thực hiện đầu tư 5 vườn ươm giống cây dược liệu tại 5 huyện (Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn và Nam Trà My) với nguồn kinh phí dự kiến 4 tỷ đồng. Thế nhưng, UBND tỉnh chưa thống nhất bổ sung đầu tư 5 vườn ươm dược liệu nêu trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh. Việc đầu tư vườn ươm dược liệu trước mắt kêu gọi doanh nghiệp thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Cơ chế của tỉnh hiện nay hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã mà không hỗ trợ cho người dân, nên việc thực hiện ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Một số địa phương nằm trong vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu không có doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư để tổ chức trồng, bảo tồn chủ động; ngược lại một số địa phương không quy hoạch phát triển dược liệu lại có các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào hoạt động này như huyện Nam Giang, Phước Sơn. UBND huyện Phước Sơn cho rằng, cây sâm Ngọc Linh đã di thực thành công nhưng chưa được UBND tỉnh công nhận, yêu cầu phải đánh giá lại, gây rào cản cho việc kêu gọi đầu tư trồng và bảo tồn, phát triển.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn và phát triển dược liệu dưới tán rừng: Cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO